TS. Hoàng Ngọc Vinh: "Tiên học lễ" vẫn luôn đúng
Cập nhật: 28/11/2021
Công an thành phố Thủ Đức khởi tố nhiều đối tượng gây rối trật tự công cộng
Nghệ An: Phá đường dây vận chuyển ma túy qua đường hàng không
[VOV2] - “Trong xã hội vẫn ứng xử với nhau còn thiếu sự tôn trọng thì càng cần phải nhấn mạnh chữ Lễ. Còn khẩu hiệu đúng mà chúng ta làm không được, làm không đúng là do lỗi của mình”, TS. Hoàng Ngọc Vinh chia sẻ.
Ý kiến "Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo" của GS. Trần Ngọc Thêm tại hội thảo "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới Giáo dục-Đào tạo", do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức nhận được sự quan tâm của dư luận trong những ngày qua.
Theo phân tích của GS. Trần Ngọc Thêm, xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động. Môi trường học đường cần đề cao, khích lệ tư duy phản biện, khai phóng. Không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như "con ngoan trò giỏi":
Mặc dù GS.TS Trần Ngọc Thêm có lý giải thêm thêm với báo chí rằng, ông không kêu gọi “bỏ dạy Lễ, bỏ học Lễ” mà bỏ quan điểm, bỏ cách nói “Tiên học lễ, hậu học văn”. Ông cho rằng, chừng nào còn đề cao chữ "Lễ" thì người học còn bị trói buộc trong quan hệ kính trọng một chiều từ dưới lên trên. Tuy nhiên quan điểm này của ông vẫn vấp phải nhiều ý kiến phản biện, tranh luận của các giáo viên, nhà giáo dục, giới học thuật…
Chia sẻ góc nhìn của mình về đề xuất bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, Chuyên gia giáo dục TS. Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, nên hiểu chữ “Lễ” ở nghĩa rộng và không nên suy luận chủ quan một chiều. Ông khẳng định, không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới đều rất coi trọng chữ “Lễ” trong giáo dục học sinh và ngay cả trong các mối quan hệ xã hội.
“Lễ có thể là sự ứng xử giữa người với người; giữa học sinh với học sinh; giữa học sinh với giáo viên. Lễ còn thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng luật pháp. Có thể có những quy định, quy ước thành văn hoặc bất thành văn. Do vậy “Tiên học lễ” vẫn là điều quan trọng”, TS. Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.
Việc thực hành khẩu hiệu “Tiên hậu lễ hậu, học văn” chưa đúng hoặc không thực hiện theo TS. Hoàng Ngọc Vinh không phải lỗi của khẩu hiệu sai mà do con người hành xử không theo đúng tinh thần của “Lễ”.
TS. Hoàng Ngọc Vinh cũng không đồng tình trước quan điểm cho rằng việc thực hành câu nói “Tiên học lễ hậu học văn” đã biến học trò thành người thụ động, quá lệ thuộc vào ông thầy, người học mất đi sự sáng tạo, không có tư duy phản biện.
Thực tế, một số nước phương Đông và ngay cả xã hội phương Tây họ rất coi trọng chữ “Lễ”. Nhiều trường, hiệu trưởng đứng ở cổng trường để đón học sinh, học sinh tôn trọng thầy giáo và ngược lại. Rất coi trọng chữ “Lễ” nhưng những đất nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... con người vẫn rất chủ động, sáng tạo và phát triển.
TS. Hoàng Ngọc Vinh khẳng định, trong bối cảnh xã hội hiện nay, chữ “Tiên học lễ” càng phải được coi trọng. Ông phân tích, hiện nay một số giá trị đạo đức, ứng xử đang bị đảo lộn. Ví như ở một số cơ quan hành chính, đáng ra cán bộ công chức phải ứng xử với người dân là sự phục vụ, phụng sự thì lại có biểu hiện kẻ cả, bề trên; Trong cơ quan có hiện tượng mất dân chủ, thủ trưởng như cha mẹ của nhân viên hoặc trong môi trường nhà trường vẫn tồn tại hiện tượng bạo lực, trò không tôn trọng thầy, thầy không tôn trọng trò… một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là do chưa hình thành “Lễ” theo đúng nghĩa của chữ “Lễ”.
“Trong xã hội vẫn ứng xử với nhau còn thiếu sự tôn trọng thì càng cần phải nhấn mạnh chữ Lễ. Còn khẩu hiệu đúng mà chúng ta làm không được, làm không đúng là do lỗi của mình”, TS. Hoàng Ngọc Vinh chia sẻ.
Nói cụ thể hơn về quan điểm giáo dục thụ động do coi trọng “Tiên học lễ”, ông Hoàng Ngọc Vinh phân tích, đúng là quan điểm sư phạm thụ động, áp đặt của xã hội phong kiến xưa đã đánh mất sự sáng tạo của học trò, nhất nhất theo thầy.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay cần hiểu chữ “Lễ” theo nghĩa rộng là sự tôn trọng luật pháp, tôn trọng đồng nghiệp của mình, tôn trọng người thầy của mình, tôn trọng người người học của mình. Có thế thì mới tạo ra môi trường dân chủ, mới tạo ra sự sáng tạo. Do vậy “Tiên học lễ” vẫn là vấn đề còn rất đúng.
Từ khóa: tiên học lễ, hậu học văn, ứng xử, văn hóa, GS. Trần Ngọc Thêm, TS. Hoàng Ngọc Vinh
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2