Truyện ngắn "Sài thục" - Khát vọng tự do

Cập nhật: 27/11/2021

VOV.VN - Mượn một câu chuyện về sinh hoạt đời thường của một gia đình, tác phẩm còn nhằm gửi tới những thông điệp sâu sắc khác. Những cái cũ, cái lạc hậu dứt khoát phải được thay thế bằng cái mới, cái tiến bộ, nhằm phục vụ tốt hơn cho cuộc sống của con người.

Câu chuyện chúng ta vừa nghe xoay quanh đời sống của một gia đình gồm 3 người (bố, mẹ và con gái) ở một vùng thung lũng khá khép kín. Từ nhiều đời qua, các thế hệ ông cha của gia đình ấy sống bằng nghề canh tác sài thục, coi cây sài thục là một điều thiêng liêng, gắn với niềm tôn kính tổ tiên. Cả gia tộc quanh năm suốt tháng trọn đời chỉ ăn những món làm từ sài thục.

Nhưng cho đến thế hệ hiện tại, thì bà mẹ là người đầu tiên bày tỏ sự phản đối về việc độc canh sài thục, bất chấp sự giận dữ của ông chồng. Bà chấp nhận bị chồng đánh đập nhiều lần, nhưng dứt khoát không động vào món sài thục nữa, mà tự mình chế biến các món ăn rau dưa khác, dù rất sơ sài. Khi sự độc đoán vũ phu của người chồng lên đến đỉnh điểm thì bà đành phải bỏ nhà mà đi, nhưng không quên nhắn lại với con gái về nương rau mà bà đã trồng trong khe núi, là nguồn thực phẩm đề phòng trong trường hợp mấy mùa sài thục.

Quả nhiên năm đó sài thục không thu hoạch được gì, và hai bố con chỉ còn một sự lựa chọn duy nhất là nương rau và lúa mì của mẹ để lại, nếu không muốn bị chết đói. Phạm Duy Nghĩa viết: “Lần đầu tiên trong đời, bố tôi buộc phải đưa vào máu mình những chất dinh dưỡng mà ông coi là thù địch. Buổi đầu tập ăn thứ lạ, ông thấy ghê sợ và nôn ọe, rồi cũng quen và thích thú dần (…) Điều húy kị ghê gớm của gia đình tôi đã được xóa bỏ, trong một ngày như vạn ngày thường”.

Điều thú vị còn ở chỗ, củ sài thục hoàn toàn là một sự vật hư cấu, nó không hề có trong đời thực, cũng tương tự như Lá diêu bông trong thơ Hoàng Cầm. Mượn một câu chuyện về sinh hoạt đời thường của một gia đình, theo chúng tôi, tác phẩm còn nhằm gửi tới những thông điệp sâu sắc khác. Đó là tất cả những sự độc đoán, độc tài rồi đến một ngày sẽ cáo chung, phải nhường chỗ cho sự dân chủ. Mỗi con người đều có quyền lên tiếng về sự tự do và quyền sống chính đáng của mình. Những cái cũ, cái lạc hậu dứt khoát phải được thay thế bằng cái mới, cái tiến bộ, nhằm phục vụ tốt hơn cho cuộc sống của con người.../.

Từ khóa: Sài thục, nhà văn Phạm Duy Nghĩa, miền núi, gia đình, độc đoán, dân chủ, tự do, quyền sống

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập