Trường Sa xanh giữa biển khơi
Cập nhật: 20/08/2020
Phái đoàn quân sự Trung Quốc thăm Nhật Bản
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về quân sự, quốc phòng Việt Nam
VOV.VN - Với bất cứ ai đến với Trường Sa hôm nay đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của mảnh đất thiêng nơi đầu sóng ngọn gió.
Trường Sa, giờ đây không phải là một quần đảo quá xa xôi về mặt địa lý, ngay cả với những vị khách lần đầu tiên đặt chân đến vùng biển đảo thiêng liêng này. Ngay từ xa, những ngôi nhà, những công trình được xây dựng khang trang thấp thoáng trong màu xanh của cây lá đã mang lại cho mọi người một cảm giác gần gũi, đầm ấm. Trường Sa nổi lên giữa biển khơi như một ốc đảo xanh đầy sức sống.
Chiến sĩ đảo Trường Sa chiết, nhân rộng cây xanh. |
Với bất cứ ai đến với Trường Sa hôm nay đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của mảnh đất thiêng nơi đầu sóng ngọn gió. Tất cả các công trình hạ tầng trên đảo được xây dựng khoa học, con đường từ cầu cảng dẫn đến khu trung tâm, các đơn vị, chùa, trường học, hộ dân…đều được bê tông hoá 100%, sạch sẽ và ẩn mình dưới những tán cây xanh mát.
Cách xa đất liền, cuộc sống ngoài đảo còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tình hình biến đổi khí hậu có ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng biển đảo như hiện nay, song những những người lính hải quân và người dân ở Trường Sa luôn biết vượt qua thử thách để sẵn sàng huấn luyện chiến đấu và “làm giàu” cho cuộc sống nơi đảo xa.
Những cải tiến, “sáng chế” ra nhiều sản phẩm có ích mà ở ngoài đảo không dễ gì thực hiện thành công, thế nhưng ở đất liền có gì, ở Trường Sa có thứ ấy. Đó là những vườn rau xanh mướt với đủ các chủng loại, những chậu cây cảnh được cắt tỉa rất công phu, những “tuyệt chiêu” về nuôi gà, vịt, lợn… sao cho thích hợp với thời tiết đều được những người lính đảo thực hiện sau những giờ huấn luyện trên thao trường.
Với đặc thù thời tiết ở Trường Sa mùa khô thiếu nước, mùa mưa bão biển, để có một cây xanh tươi tốt, tỏa bóng mát trên các đảo ở Trường Sa không phải là một việc dễ thực hiện. Vì vậy, trồng và chăm sóc cây xanh luôn được các thế hệ cán bộ, đoàn viên, thanh niên trên các đảo đặc biệt quan tâm, trở thành nhiệm vụ song hành cùng nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của tất cả các lực lượng đóng quân trên quần đảo.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây trồng cây xanh. |
Trung sỹ Đinh Văn Miễn đảo Trường Sa tâm sự: "Chăm sóc cây xanh ở Trường Sa rất tỉ mỉ, chúng tôi ví như chăm con nhỏ và tốn công sức hơn trong đất liền rất nhiều. Ở đảo nắng, nóng nên chúng tôi luôn coi cây xanh như người bạn thân sau những giờ huấn luyện trên thao trường."
Trung tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên đảo Nam Yết cho biết, mỗi cán bộ chiến sĩ đảo luôn nhận thức tầm quan trọng của cây xanh. Toàn đảo xác định trồng cây xanh vừa mang lại bóng mát, vừa điều hòa không khí, mang lại môi trường xanh – sạch đẹp cho đảo nên mỗi cán bộ chiến sĩ đều có quyết tâm cao, hăng say, nhiệt tình, sáng tạo trong tăng gia sản xuất.
Tuy nhiên để trồng được cây xanh, cây ăn quả và hình thành nên vườn tăng gia, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ trên đảo phải cải tạo đất rất công phu, những phương pháp truyền thống như ủ phân xanh, tăng cường bón các loại phân vi sinh, bổ sung đất màu được chở ra từ đất liền được áp dụng đúng cách.
Bằng công sức của người lính đảo, sau nhiều năm, đến nay cả đảo Nam Yết đã được phủ màu xanh tươi của cây trái. Chính điều này mà cán bộ chiến sĩ đảo Nam Yết rất tự hào “Nam Yết là viên ngọc xanh giữa biển khơi”.
Hoa bàng vuông tại Trường Sa. |
Giờ đây, trên màu trắng của nền san hô nổi, những mái lều bạt dã chiến của người lính hải quân về đảo Trường Sa năm xưa mà nhà thơ Trần Đăng Khoa khắc họa trong tác phẩm “Đảo chìm” đã được thay thế bằng một màu xanh mướt của những tán cây bàng vuông, phong ba, dừa, nhàu, đu đủ… xen lẫn những công trình mái ngói đỏ tươi.
Trung tá Lê Trọng Thông, Bí thư đoàn cơ sở Lữ đoàn 146 – Đoàn Trường Sa cho biết: "Ở quần đảo Trường Sa thổ nhưỡng chủ yếu là cát, san hô và đất mang từ bờ ra, vì vậy khả năng giữ nước rất hạn chế. Những ngày sóng to, gió lớn lượng hơi nước mặn bay sâu vào đảo, phủ khắp lá và thân cây, làm cây chậm phát triển, thậm chí làm chết cây."
Vì vậy để phủ xanh Trường Sa, đoàn cơ sở đã kịp thời tham mưu cho Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn xây dựng mô hình “Vì Trường Sa xanh” với mục đích trồng và chăm sóc cây xanh để cải tạo tự nhiên, che chắn sóng, gió, khắc phục điều kiện khí hậu khắc nghiệt đang tác động từng ngày, từng giờ tới hoạt động của quân và dân trên quần đảo.
Vườn ươm thanh niên của đảo Trường Sa. |
Còn nhớ cơn bão muộn năm 2017 đổ bộ trực tiếp vào đảo Trường Sa đã gây thiệt hại rất nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Hàng ngàn cây xanh bị quật gãy đổ, rau xanh trên đảo bị dập nát, nước biển cuốn trôi, hệ thống giếng nước ngọt của đảo nhiễm mặn hoàn toàn. Tuy nhiên, ngay sau bão, quân và dân trên đảo đã tập trung nhân lực, vật lực khắc phục hậu quả, cải tạo cảnh quan môi trường, thau chua rửa mặn, trồng lại cây xanh, quy hoạch lại vườn rau xanh để nhanh chóng ổn định đời sống sinh hoạt và công tác.
Đến nay, đảo Trường Sa lại phủ một màu xanh đầy sức sống. Thượng tá Đinh Văn Cường, Chính trị viên đảo Trường Sa chia sẻ: Việc nhanh chóng trồng và chăm sóc cây xanh, tăng gia trên đảo được các cán bộ chiến sĩ xác định là nhiệm vụ cấp bách, phải thực hiện ngay bởi trước thách thức của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, chỉ có cây xanh mới mang lại không khí trong lành, giúp cán bộ chiến sĩ trên đảo thích ứng với thời tiết khắc nghiệt ở Trường Sa.
Mỗi năm, đoàn viên, thanh niên trên các đảo ở quần đảo Trường Sa trồng được gần 2.000 cây xanh các loại, không chỉ có bàng vuông, phong ba, dừa mà ở các đảo giờ còn còn rực rỡ sắc thắm của các loại hoa, như hoa lan, hoa giấy, hoa sứ vươn lên đón nắng như một biểu tượng sức sống mãnh liệt ở quần đảo quanh năm chỉ có nắng, gió và sóng biển. “Mặc dù sự tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu và môi trường sống đang đặt ra yêu cầu cao hơn trong công tác xây dựng đơn vị “xanh - sạch - đẹp”.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca tích cực trồng cây. |
Song, mô hình “Vì Trường Sa xanh” của Lữ đoàn 146 đã và đang đạt được những kết quả đáng khích lệ, luôn là một điểm sáng về xây dựng và cải tạo môi trường, tạo động lực để cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên các đảo ở Quần đảo Trường Sa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ vững niềm tin sắt son với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền Quần đảo Trường Sa của Tổ quốc”. Trung tá Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, khẳng định.
Đến Trường Sa hôm nay, ai cũng cảm nhận được rõ ràng sức sống nơi đảo xa. Không còn là những hòn đảo chỉ toàn cát trắng và san hô giữa trùng khơi mà Trường Sa đã thay da đổi thịt. Xen giữa những công trình mái ngói đỏ tươi là hàng ngàn cây xanh đâm chồi lộc vươn mình trong nắng gió mặn mòi của biển.
Màu xanh ấy không chỉ là kết quả sáng tạo, cần cù từ bàn tay khối óc của những chiến sĩ mà màu xanh ấy là sức sống mạnhmẽ giữa đại dương, là biểu tượng quyết tâm vượt khó của quân vàdân nơi đầu sóng, là kết quả của sự kết tinh miệt mài của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên đang hiện thực hóa mô hình “Vì Trường Sa xanh” của Lữ đoàn 146 – Đoàn Trường Sa, Vùng 4 Hải quân. Đó cũng là khát vọng hòa bình, chung sức đồng lòng xây dựng Trường Sa mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường với màu xanh yên bình, trong lành giữa trùng khơi./.
Từ khóa: Trường Sa, biển đảo, mảnh đất linh thiêng, lữ đoàn, đảo Nam Yết
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN