Trường ngoài công lập kêu cứu trước nguy cơ phá sản do Covid-19

Cập nhật: 06/03/2020

VOV.VN-Các cơ sở giáo dục ngoài công lập cho rằng, nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng, 80% số cơ sở này sẽ sụt giảm doanh số trên 50%, 90% số này có nguy cơ phá sản.

Ngày 3/3, 150 cơ sở giáo dục ngoài công lập (bao gồm các trường học từ mầm non đến phổ thông, đại học, các trung tâm ngoại ngữ…) đã có kiến nghị khẩn gửi tới Thủ tướng, các bộ, ban ngành về vấn đề hỗ trợ vượt qua khó khăn của dịch bệnh Covid-19, nếu không họ sẽ bị phá sản vì không cân đối được thu chi.

Các cơ sở giáo dục ngoài công lập cho biết tính đến năm học 2020-2021, khối giáo dục ngoài công lập toàn quốc có gần 2 triệu học sinh. Hàng ngàn tỉ đồng đã được đầu tư vào các cơ sở giáo dục ngoài công lập từ khối tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài.

dich covid-19: cac truong ngoai cong lap gui don keu cuu len thu tuong hinh 1
Tập thể các trường ngoài công lập gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng trước nguy cơ phá sản do dịch Covid-19.
Hiện tại, dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều nước trên thế giới và ở Việt Nam và trong tương lai gần có thể vẫn sẽ còn diễn biến phức tạp.
Khảo sát của tập thể các cơ sở giáo dục ngoài công lập cho thấy, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50%, và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi.
Nếu bị phá sản hoặc mất thanh khoản, chỉ tính tại 200 trường phổ thông tư nhân quy mô vừa ở TP HCM và Hà Nội thì sẽ có hàng ngàn giáo viên mất việc, hàng ngàn tỉ tiền vay ngân hàng sẽ không được trả đúng hạn. Đấy là chưa kể sẽ có hàng ngàn giáo viên nước ngoài tại các trung tâm tiếng Anh và trường tư sẽ mất việc.
Nếu họ chọn rời khỏi Việt Nam thì chi phí để tuyển dụng họ quay trở lại sẽ vô cùng lớn. Phản ứng dây chuyền sẽ là rất lớn, cả về mặt tài chính và hệ lụy cho nền kinh tế nói chung.

Trước nguy cơ nghiêm trọng của dịch Covid-19, 150 trường ngoài công lập kiến nghị Thủ tướng, Chính phủ và các ban, bộ, ngành thông qua gói phương án hỗ trợ gồm 5 nội dung:

1. Trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, cho phép các cơ sở đào tạo ngoài công lập được nhanh chóng hoạt động trở lại để phục vụ học sinh, chương trình học tập đúng tiến độ, có doanh thu và đảm bảo đời sống cho giáo viên, cán bộ công nhân viên. Các trường học, trung tâm giáo dục sẽ cam kết nghiêm túc thực hiện các quy định về vệ sinh, an toàn, phòng chống dịch bệnh theo đúng yêu cầu của các cấp chính quyền. Đối với các trường phổ thông dân lập, đề nghị cho phép học sinh được đi học như các trường phổ thông quốc tế Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đồng ý cho mở cửa lại.

2. Các trường đề nghị được miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và mặt bằng cơ sở giáo dục, bảo hiểm xã hội.

3. Ngân hàng Nhà nước cần xem xét giảm lãi suất cơ bản. Các ngân hàng thương mại cần khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Chỉ đạo, khuyến khích, hướng dẫn các ngân hàng chấp thuận các các gói vay ưu đãi dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, với mức lãi ưu đãi được kỳ vọng là từ 3 tới 6%/năm trong năm 2020, 2021.

4. Công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến cũng như kết quả các chương trình học trực tuyến (online), đồng thời tạo điều kiện tối đa để các trường ngoài công lập có thể linh hoạt, chủ động học bù, đảm bảo thời lượng và chất lượng giảng dạy. Đồng thời đây chính là cách để số hóa nền giáo dục cũng như giảm chi phí không cần thiết và tăng sự đồng đều của chất lượng, cũng là cách góp phần chống các dịch bệnh khi phát tác.

5. Bản kiến nghị nêu mong được tiếp cận một đầu mối tập trung để các cơ sở giáo dục tư thục có thể được hướng dẫn về các vấn đề pháp lý, tạo điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ khẩn cấp của Chính phủ, đồng thời giải quyết nhanh các thủ tục xin trợ cấp thất nghiệp cho giáo viên; được xác nhận trường hợp dịch bệnh này là điều kiện bất khả kháng, để các cơ sở này có căn cứ thương lượng với các đối tác cung cấp sản phẩm, dịch vụ, địa điểm trong thời gian này, giúp vượt qua khó khăn, từng bước đi vào ổn định hoạt động.

"Nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ thì mọi thành quả hơn 20 năm đổi mới và khuyến khích đầu tư vào giáo dục tư nhân sẽ bị mất trắng", bản kiến nghị nêu rõ./.


Từ khóa: Dịch Covid-19, corona, dịch viêm phổi cấp, gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng, trường ngoài công lập

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập