Trường nghề gặp khó trong đào tạo trực tuyến

Cập nhật: 31/03/2020

VOV.VN - Do dịch Covid-19 khiến các trường nghề gặp khó trong đào tạo nhất là với đặc thù 80% là thực hành.

Việc nghỉ học dài ngày do dịch Covid 19 khiến tất cả các trường học phải tính chuyện dạy học trực tuyến. Đối với các trường nghề, với đặc thù 80% là thực hành thì việc ứng dụng phần mềm học trực tuyến đáp ứng yêu cầu là không dễ dàng. Hiện nay, hầu hết các trường nghề phải sử dụng phần mềm miễn phí sẵn có, chỉ có thể áp dụng học lý thuyết. Làm thế nào để các trường nghề giảng dạy online, đáp ứng được yêu cầu dạy và học.

truong nghe gap kho trong dao tao truc tuyen  hinh 1
Cô giáo Võ Thị Hường đang dạy học trực tuyến trên E-Learning.
9h sáng nay, cô Võ Thị Hường, giáo viên bộ môn công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội chuẩn bị sẵn giáo án cho buổi học online đầu tiên với học sinh. Việc đầu tiên là điểm danh sinh viên vào lớp học, kiểm tra vở ghi bài, giảng bài và tương tác với sinh viên như tại lớp học trực tiếp. Cô Võ Thị Hường cho biết, công nghệ đào tạo trực tuyến E-Learning, giúp giảng viên có thể thiết kế bài giảng tăng tính tương tác dành cho sinh viên.

“Với trường nghề thì chúng ta vẫn có thể thực hiện thực hành. Ví dụ như với khoa học công nghệ thông tin thì chúng tôi vẫn có thể thực hành trên máy và giáo viên sinh viên vẫn có thể thực hiện nguyên tắc và làm bài trên máy và tôi vẫn có thể kiểm tra bài của sinh viên với các nghề liên quan đến thực hiện trực tiếp. Chúng ta vẫn có các thiết kế có thể trực tiếp thực hiện cho giáo viên xem và có thể thực hành. Sinh viên có thể được giao các bài tập khi sinh viên đang ở nhà có thể vẫn có thể thực hiện được”, cô Hường cho biết thêm.

truong nghe gap kho trong dao tao truc tuyen  hinh 2
Sinh viên có thể tham gia học trực tuyến tại nhà hoặc nơi có mạng internet ổn định.

Mới đây, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) có công văn hướng dẫn các trường nghề triển khai chương trình đào tạo trực tuyến. Theo đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp khuyến khích các trường đầu tư, xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp bao gồm việc học tập trực tuyến, hệ thống quản lý học tập trực tuyến, hệ thống quản lý nội dung học tập bằng các giải pháp công nghệ phục vụ cho cả mục tiêu đào tạo trước mắt và lâu dài.

Tuy nhiên, không phải trường nghề nào cũng có thể xây dựng phần mềm trực tuyến đáp ứng được nhu cầu dạy và học của giáo viên và sinh viên của trường, nhiều trường nghề phải sử dụng phần mềm miễn phí để áp dụng giảng dạy online và gặp nhiều khó khăn bởi không phải sinh viên nào cũng có điều kiện học online và chưa ý thức tự giác khi tham gia học trực tuyến. Nhiều sinh viên ở vùng sâu vùng xa, mạng internet không ổn định, thiết bị học tập như máy tính, điện thoại chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội chia sẻ:“Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như vậy thì nhà trường buộc phải áp dụng hình thức học trực tuyến, mặc dù tương đối khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng và kiểm soát công tác tổ chức đào tạo. Hiện tại chúng tôi chưa có công cụ chuyên nghiệp để xây dựng các bài giảng online, chưa có các phòng studio và hệ thống mạng chưa đủ hiện đại. Chúng tôi cũng cần phải xây dựng quy chế, chế độ cho giáo viên về vấn đề công nhận kết quả học tập trực tuyến, trách nhiệm của giáo viên và học sinh, sinh viên, làm thế nào để đảm bảo tiến độ và chất lượng đào tạo”.

truong nghe gap kho trong dao tao truc tuyen  hinh 3
Sinh viên có thể thực hành trên máy thật khi quay trở lại trường học sau khi hết dịch covid-19.

Có thể thấy, những trường nghề có khả năng đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề trực tuyến không nhiều. Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Cao đẳng cơ điện Hà Nội cho biết, nhà trường đã có 3 năm nghiên cứu xây dựng hệ thống học trực tuyến E-learning vào giảng dạy và quản trị số trong dạy và học.

Do dịch Covid 19, tiến độ xây dựng được đẩy nhanh hơn và áp dụng ngay khi Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp yêu cầu các trường nghề xây dựng phần mềm dạy và học trực tuyến. Đây là phần mềm dành riêng cho sinh viên trường nghề, không chỉ quản lý, kết nối với cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên, E-Learning còn kết nối được với giảng viên giỏi trên toàn thế giới, tiếp cận và đào tạo sinh viên ở bất kỳ nơi nào, bất kỳ không gian, thời gian nào.

Phần mềm này là giải pháp công nghệ có tính mở và đang sử dụng thông dụng trên thế giới, được thiết lập như một nhà trường có hệ thống quản trị từ Ban giám hiệu đến các phòng khoa, các thầy, cô giáo đến lớp học và các sinh viên. Tất cả các khâu các chuỗi này được số hóa và quản trị.

Ông Đồng Văn Ngọc nói:“Có thể nói đến giờ phút này, nhà trường đào tạo không biên giới. Đối với đào tạo trực tuyến, trường chúng tôi đào tạo ở 3 nội dung, đó là tất cả các môn học chung như chính trị, pháp luật, những môn học cơ bản của các nghề, tiếng Anh, tin học, chúng tôi áp dụng lý thuyết hoàn toàn học E-learning. Những phần học lý thuyết của những nghề mà 80% là thực hành, 20% là lý thuyết thì lý thuyết đó chúng tôi đào tạo bằng E-learning. Kết thục mùa dịch này, khi sinh viên quay trở lại, chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá, nếu em nào học sót buổi nào, chúng tôi sẽ đào tạo miễn phí”.

Quá trình hợp tác xây dựng phần mềm, điều khó nhất đối với trường nghề là xây dựng phần mềm trực tuyến phù hợp với từng bài giảng, số hóa công nghệ những môn thực hành qua thực tế ảo 3D như một hệ thống máy học tập bình thường hình thái mô phỏng, sinh viên có thể thao tác rất chuyên nghiệp về mặt quy trình chọn từng cái cờ lê mỏ lết đúng với kích thước, tiết giảm được thời gian về nguy cơ rủi ro cho sinh viên.

“Cách thực hành thì tùy từng môn, những môn như công nghệ thông tin thì chúng ta có thể đưa lên được bài giảng online được nhưng những môn như công nghệ ô tô thì chúng ta chỉ sử dụng công nghệ hỗ trợ về soạn thảo các bài giảng dạy tương tác 3D, giúp sinh viên mô phỏng toàn bộ quá trình làm việc từ việc họ đấu sai điện bị chập cháy thì cũng có thể thực hiện được nên khi sinh viên chọn không đúng một cờ lê mỏ lết thì không làm được, giúp sinh viên thành thạo về mặt thao tác khi xuống phòng thực hành thì giảm thiểu được rủi ro hỏng máy của phòng thực hành của thầy cô”, ông Ngọc cho hay.

Thực tế cho thấy, mỗi trường nghề đều cần có phần mềm học trực tuyến phù hợp với đặc thù riêng của từng trường và không phải trường nào cũng có khả năng xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đề nghị các trường khẩn trương xây dựng, tổ chức đào tạo trực tuyến với những nội dung, môn học chung; nội dung, môn học lý thuyết bằng việc khai thác, ứng dụng triệt để các chương trình, ứng dụng hiện có trên Internet./.

Từ khóa: đào tạo trực tuyến, học online, dịch Covid-19, nghỉ học

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập