Trường Chuyên bồi dưỡng nhân tài hay luyện "gà nòi" đi giành giải?
Cập nhật: 03/04/2022
[VOV2] - Trong tổng số 2.226 giải học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022 thì có đến 2.096 giải thuộc về các trường chuyên, năng khiếu. Câu hỏi đặt ra, Trường THPT Chuyên đào tạo, bồi dưỡng nhân tài hay là nơi luyện "gà nòi" đi giành giải?
Kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) quốc gia năm học 2021-2022 khép lại với kết quả áp đảo của học sinh các trường THPT Chuyên, năng khiếu.
Theo thống kê, trong tổng số 2.226 giải học sinh giỏi quốc gia thì có đến 2.096 giải thuộc về các trường chuyên, năng khiếu (chiếm 94%).
Trong đó, Vĩnh Phúc 100% học sinh đạt học sinh giỏi quốc gia là học sinh của Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc; Hà Tĩnh, 99 em dự thi có đến 94 em là học sinh Trường THPT chuyên Hà Tĩnh, trong đó có 74 em đạt giải; Nghệ An có 102 học sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia tất cả đều là học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, trong đó, có 79 em đạt giải...
Học sinh các trường chuyên của Đại học Quốc gia, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Vinh cũng đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Trong đó các trường chuyên thuộc các trường đại học: Đại học Quốc gia Hà Nội có 76 giải; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có 57 giải, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh có 46 giải, Đại học Vinh có 18 giải, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh có 3 giải…
Với số lượng thí sinh dự thi cũng như số lượng giải chiếm áp đảo, liệu kỳ thi chọn HSG quốc gia là sân chơi riêng của học sinh các trường THPT Chuyên, năng khiếu?
Vì sao học sinh trường THPT Chuyên chiếm áp đảo kỳ thi chọn HSG quốc gia?
Chia sẻ với VOV2, thầy giáo Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học (Hệ thống giáo dục Học Mãi) khẳng định, việc học sinh trường THPT Chuyên chiếm áp đảo, thậm chí là gần như tuyệt đối tại các kỳ thi chọn HSG đã diễn ra từ mấy chục năm nay.
Dưới góc nhìn của mình, thầy Hiền cho rằng, chương trình đào tạo của các trường THPT Chuyên so với các trường THPT khác có độ chênh lớn. Đặc biệt, nội dung thi chọn HSG quốc gia không nằm ở mức độ bồi dưỡng HSG thông thường:
“Nội dung thi thường được nâng cao hơn rất nhiều so với kiến thức phổ thông, thậm chí, một số kiến thức nằm ở giáo trình đại học, kết quả nghiên cứu khoa học… Học sinh THPT Chuyên được học rất chuyên sâu ở môn sẽ dự thi HSG quốc gia. Tài liệu dạy học, ôn thi cho học sinh trường THPT Chuyên cũng là những tài liệu riêng, kiến thức chuyên sâu hơn rất nhiều”.
Trong khi đó, theo thầy Hiền, học sinh các trường THPT khác không được học chuyên sâu như học sinh trường Chuyên. Số tiết dành cho học tập, ôn thi các môn Chuyên cũng không nhiều.
“Thi chọn HSG thường diễn ra hai vòng. Vòng tỉnh và vòng quốc gia. Ở vòng tỉnh, thông thường kiến thức nâng cao phù hợp với tất cả các thí sinh tham dự. Do vậy nhiều học sinh các trường THPT bình thường dễ dàng đoạt giải nhất, nhì, ba của tỉnh. Nhưng khi đến vòng chọn đội tuyển tham dự kỳ thi chọn HSG quốc gia thì những học sinh này thường không làm được bài. Điều này lý giải vì sao hầu hết đội tuyển tham dự kỳ thi chọn HSG quốc gia là học sinh trường THPT Chuyên”, thầy Hiền phân tích.
Với kinh nghiệm dạy học của mình, thầy Hiền cho rằng, học sinh trường THPT Chuyên chưa hẳn xuất sắc hơn học sinh các trường THPT bình thường khác. Nếu những thí sinh trường THPT được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu từ sớm thì các em hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với học sinh các trường THPT Chuyên tại kỳ thi chọn HSG quốc gia.
Nhân tài không thể đánh giá thông qua một bài thi
Việc học sinh các trường THPT Chuyên, năng khiếu áp đảo tại kỳ thi chọn HSG quốc gia, theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Quốc Vương không chỉ là điều bất thường mà còn đặt ra câu hỏi về chức năng, nhiệm vụ của các trường THPT Chuyên là nơi đào tạo, bồi dưỡng nhân tài hay mục tiêu chỉ là để tìm kiếm huy chương tại các cuộc thi quốc gia, quốc tế.
“Trường THPT Chuyên được đầu tư rất lớn về nguồn lực tài chính. Nơi đây cũng tập hợp đội ngũ giáo viên giỏi, có đầu vào tuyển sinh rất cao. Với sự đầu tư lớn như vậy chỉ để tham gia cuộc đua trong nước và giành giải thì liệu có nên? Điều này giống như một đội tuyển bóng đá quốc gia đi tranh giải với các câu lạc bộ hạng 1, hạng 2”, thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương đặt câu hỏi.
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Quốc Vương phân tích, việc tuyển chọn nhân tài là một điều rất khó vì con người không phải là cỗ máy. Lấy gì đảm bảo một bài thi có thể đánh giá đúng năng lực của cá nhân, đặc biệt là năng lực của một học sinh phổ thông đòi hỏi một năng lực toàn diện. Nhiều nhà khoa học xuất sắc ở Việt Nam và trên thế giới xuất thân từ những trường học rất bình thường. Điều quan trọng theo anh Vương, nhân tài là những người tố chất thông minh, niềm say mê và tư duy xuất sắc hơn người.
“Không thể nào nói rằng là chỉ có học sinh trường Chuyên mới là nhân tài còn các học sinh trường bình thường khác lại bị loại ra khỏi cuộc chơi. Cho nên việc học sinh trường THPT Chuyên chiếm áp đảo tại cuộc thi chọn HSG quốc gia là một điều không công bằng với học sinh các trường THPT bình thường khác”, chuyên gia Nguyễn Quốc Vương nêu ý kiến.
Từ những bất cập vừa nêu, theo thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương, nếu kỳ thi chọn HSG quốc gia không đổi mới để thực sự chọn được nhân tài thì đến một lúc nào đó nên can đảm nói lời từ biệt với kỳ thi.
Hơn nữa, thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương cho rằng cần phải định vị lại thế nào là học sinh giỏi. Các tiêu chuẩn về học sinh giỏi ở nước ta dường như không thay đổi trong 60 năm qua trong khi thế giới đã thay đổi rất nhiều.
“Nếu thực sự theo đuổi mục tiêu phát hiện nhân tài thì cần phải có một phương thức nào đó mà nhân tài phải được thử thách qua nhiều phương diện khác nhau, được thử thách qua thực tế cuộc sống. Năng lực của học sinh có thể được thể hiện qua sản phẩm, qua dự án hoặc hoạt động xã hội lâu dài chứ không phải nhân tài chỉ thể hiện qua một bài thi”, chuyên gia Nguyễn Quốc Vương đề xuất.
Trong khi đó, để công khai, minh bạch và nâng cao chất lượng kỳ thi chọn HSG quốc gia, thầy giáo Đinh Đức Hiền kiến nghị bên cạnh việc công khai điểm số, đáp án, bảng điểm từng câu, công bố những bài thi đạt giải cao của kỳ thi, Bộ GD-ĐT cần xây dựng ngân hàng đề thi với sự tham gia đóng góp từ nhiều nguồn, nhiều chuyên gia.
“Bộ nên thường xuyên thay đổi ban ra đề thi. Nội dung đề thi Bộ nên có sự tham khảo rộng hơn từ các chuyên gia, các nhà khoa học, thậm chí là của quốc tế”, thầy Đinh Đức Hiền kiến nghị.
Bấm nghe chương trình:
Từ khóa: Chọn học sinh giỏi quốc gia, trường THPT Chuyên, học sinh trường Chuyên, bệnh thành tích, huy chương, bằng khen, bồi dưỡng, nhân tài, VOV2
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2