Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: Thơ ca chưa bao giờ đứng ngoài vận mệnh đất nước
Cập nhật: 06/02/2023
VOV.VN - Theo trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, lịch sử thơ ca dân tộc ta, từ khi khởi nguồn tới nay, chưa bao giờ đứng ngoài vận mệnh của đất nước. Ở mỗi thời kỳ, từ dựng nước đến giữ nước, thơ ca luôn đồng hành, trở thành vũ khí sắc bén của dân tộc để chống ngoại xâm, xây đắp nền văn hiến.
Sau ba năm gián đoạn bởi dịch Covid-19, tối 5/2, Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI đã diễn ra trở lại tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) với sự tham dự của đông đảo đại biểu, đại diện ban, ngành liên quan và những người yêu thơ. Chương trình do Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức. Tham dự chương trình gồm có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và đông đảo các nhà thơ, nhà văn, công chúng yêu thơ.
Phát biểu tại chương trình, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, lịch sử thơ ca dân tộc ta, từ khởi nguồn tới nay, chưa bao giờ đứng ngoài vận mệnh của đất nước. Ở mỗi thời kỳ, từ dựng nước đến giữ nước, thơ ca luôn đồng hành, trở thành vũ khí sắc bén của dân tộc để chống ngoại xâm, chống đồng hóa, để xây đắp văn hiến và duy trì sự phát triển dòng giống Lạc Hồng.
"Hiếm dân tộc nào trên thế giới mà trong lịch sử phải đương đầu với nhiều cuộc chiến chống quân xâm lược như dân tộc Việt Nam. Và thực tiễn lịch sử cũng cho thấy, hiếm dân tộc nào lãng mạn như dân tộc Việt Nam. Chúng ta có tướng soái làm thơ, có chiến sỹ là nhà thơ và có cả những vị vua là nhà thơ. Và chúng ta đã chứng kiến biết bao chiến sỹ cách mạng cũng là những nhà thơ tiêu biểu của đất nước, của dân tộc. Thơ ca được làm ở các lao tù của đế quốc, thơ ca được sáng tác trên suốt chặng đường hành quân của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta" - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng bày tỏ sự vui mừng khi nhận thấy thời gian qua, các nhà thơ đã nhập cuộc với ý thức trách nhiệm cao trước hiện thực phát triển phong phú và sâu sắc của nước nhà. Nhiều nhà thơ đã đồng hành trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng như sát cánh với cả nước chung tay khắc phục thiên tai, phòng, chống đại dịch Covid-19... Nhìn chung, trong thời gian qua, văn học, trong đó có thơ ca đã tham gia sâu rộng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, hòa trong sự vận động và phát triển của thế giới hôm nay, xã hội chúng ta cũng đang có những bước chuyển lớn. Các hệ giá trị truyền thống dần thay đổi, xuất hiện nhiều hệ giá trị mới phát sinh từ thực tế, hoặc du nhập bên ngoài vào, trong đó có hệ giá trị tích cực, nhưng cũng có những hệ giá trị chưa thực sự phù hợp với bối cảnh đất nước. Thực trạng này đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi những người có lương tri, có trách nhiệm phải suy nghĩ, đặc biệt trên hai lĩnh vực là đạo đức và văn hóa. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW "về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"; Bộ Chính trị khoá X đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW "về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới".
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, để chủ trương của Đảng được thực hiện tốt, có hiệu quả, không thể thiếu sự chung tay của toàn xã hội, trong đó có các nhà thơ: “Vị trí của nhà thơ chân chính bao giờ cũng là đứng giữa lòng dân tộc mình để sáng tác. Khi động cơ sáng tác là tinh thần yêu thương, xây dựng thì người đọc sẵn sàng đón nhận, sẵn sàng đặt lòng tin vào tác phẩm ấy bởi họ cảm nhận được ánh sáng thiện tâm tỏa ra từ trái tim của tác giả. Thơ ca không dẫn đường cho con người ta bằng ánh sáng của điện năng mà bằng nhịp đập của con tim. Những tác phẩm lớn luôn hàm chứa tinh thần lạc quan, hướng thiện, nó bày tỏ lòng trân quý con người bằng lời kêu gọi rũ bỏ hận thù để hướng tới một tương lai hòa hợp, nhuần nhị. Đấy chính là cốt lõi đạo đức của thời đại văn minh, đạo đức ấy được ủy quyền, theo cách trang nghiêm nhất, sủng ái nhất, cho mỗi nhà thơ”.
Cũng tại chương trình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, trong lịch sử lớn của dân tộc có lịch sử của thơ ca: "Các nhà thơ Việt Nam hết thế hệ này đến thế hệ khác đã đi cùng dân tộc trên mọi chặng đường. Với quyền lực của ngôn từ, với vẻ đẹp của tư tưởng nhân văn và bản lĩnh của mình, thơ ca đã đi qua mọi thách thức, mọi đe doạ và đi qua cả cái chết để mang vẻ đẹp và niềm kiêu hãnh bước vào từng ngôi nhà trên xứ sở chúng ta và nhóm lên ngọn lửa của tình yêu thương con người và những giấc mơ đẹp đẽ cho mảnh đất này".
Sau tiếng trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI, các đại biểu và công chúng yêu thơ đã có cơ hội thưởng thức một Đêm thơ Nguyên Tiêu xúc động, sâu lắng. Đêm thơ được chia làm 4 chương lớn gồm: Thơ mới và thơ trong kháng chiến chống Pháp; Thơ trong kháng chiến chống Mỹ; Thơ thời kỳ đổi mới; Thơ trẻ. Trong đêm thơ, công chúng yêu thơ được nghe các nhà thơ, các nghệ sỹ trình bày nhiều tác phẩm thơ nổi tiếng qua các thời kỳ, điển hình là các tác phẩm thơ của nhà thơ Chính Hữu, Xuân Diệu, Hoàng Cầm, Bằng Việt, Trần Đăng Khoa, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Bình Phương...
Xen lẫn giữa phần đọc các tác phẩm thơ là phần trình diễn những ca khúc nổi tiếng được phổ nhạc từ các bài thơ như ca khúc “Đường chúng ta đi” (thơ Xuân Sách, nhạc Huy Du); “Thơ tình cuối mùa thu” (thơ Xuân Quỳnh, nhạc Phan Huỳnh Điểu); “Mơ về nơi xa lắm” (nhạc Phú Quang, thơ Thái Thăng Long)... Phần trình diễn hấp dẫn của các nghệ sỹ, sự hòa quyện giữa thơ ca và âm nhạc đã mang đến cho khán giả một Đêm thơ Nguyên Tiêu - Ngày Thơ Việt Nam 2023 nhiều cung bậc cảm xúc. Có lẽ không chỉ là người yêu thơ mà cả người chưa yêu thơ, chưa hiểu thơ, khi bước chân đến Ngày thơ Việt Nam cũng hiểu và yêu thơ nhiều hơn./.
Từ khóa: Ngày thơ, ngày thơ Việt Nam, thơ ca Việt Nam, đường thơ
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN