Trước lễ khánh thành Nhà máy thuỷ điện Sơn La

Cập nhật: 3 ngày trước

(VOV) -Những sáng tạo đầy trách nhiệm và trí tuệ của các cá nhân, đơn vị đã giúp công trình rút ngắn được tới 2 năm…

Chỉ ít ngày nữa, Nhà máy thuỷ điện Sơn La sẽ tổ chức lễ khánh thành Nhà máy, đánh dấu một quá trình gần cả thập kỷ dồn tâm, dồn lực xây dựng Nhà máy và di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La. Chúng tôi đã có mặt tại nơi đây trước thời điểm diễn ra buổi lễ...

Kỳ vĩ công trình thế kỷ

Vượt qua con dốc Cao Pha lừng lững như dải lụa lớn vắt ngang những sườn núi dưới nắng ấm của ngày mùa Đông, lại chợt nhớ tới cái "dốc trời" này trước những ngày xây dựng Nhà máy thuỷ điện Sơn La. Nơi đây từng là nỗi khiếp sợ của những tay lái khi có việc phải qua dốc Cao Pha bởi độ gấp khúc, độ dốc, đường hẹp và lởm chởm ổ gà, ổ trâu. Các đồng nghiệp đi cùng tôi phải gật gù: Không có thuỷ điện Sơn La thì biết đến bao giờ có được con đường vượt núi rộng lớn và an toàn như thế này.

Nhưng dốc Cao Pha hôm nay chỉ là một trong những mảnh ghép làm nên sự kỳ vĩ của công trình thuỷ điện Sơn La. Trên dòng Đà Giang, con đập ngăn nước của Nhà Máy nối 2 bờ sông Đà sừng sững như bức trường thành được làm nên  bởi trí tuệ, tâm huyết, tiền của và quyết tâm cao độ của Đảng, Nhà nước, nhân dân; trong đó có sự đóng góp không nhỏ của tỉnh Sơn La và các tỉnh lân cận.

Chỉ xuống thân đập, nơi các cửa xả đang tung dòng bọt nước trắng xoá, ông Hoàng Trọng Nam, Giám đốc Công ty thuỷ điện Sơn La, bảo: Mỗi một hạt nước kia bắn ra là lại góp thêm một phần năng lượng vào dòng điện của Tổ quốc. Nhưng để có được thành công đó, Đảng, Nhà nước, nhân dân các dân tộc; đặc biệt là 3 tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã phải đóng góp, hy sinh rất nhiều mới có được như hôm nay.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty thuỷ điện Sơn La, tâm sự: Công trình thuỷ điện Sơn La không chỉ kỳ vĩ ở chỗ là Nhà máy thuỷ điện có sản lượng điện lớn nhất Đông Nam Á mà còn là công trình đảm bảo độ an toàn cao, có sự hội tụ, toả sáng của nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tâm huyết, sáng tạo, đầy chất trí tuệ Việt Nam trong thiết kế, thi công xây dựng Nhà máy. Có thể kể ra rất nhiều sáng tạo đã mang lại những những lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng, rút ngắn thời gian thi công, đảm bảo chất lượng công trình và an toàn toàn lao động mà ngay cả những nhà thầu, những doanh nghiệp, kỹ sư nước ngoài cũng phải tâm phục, khẩu phục như việc thiết kế và đưa vào sử dụng thành công chiếc cẩu 1.000 tấn của doanh nghiệp Quang Trung, việc rút ngắn và đảm bảo chất lượng  khi đấu nối đường dẫn áp lực cho mỗi tổ máy cũng như việc xử lý hàng trăm tấn thép chống chéo trong mỗi đường ống... Những sáng tạo đầy trách nhiệm và trí tuệ ấy đã giúp công trình rút ngắn được tới 2 năm, sớm biến dòng Đà Giang thành nguồn năng lượng lớn cho dòng điện Tổ quốc...

Sôi động trước ngày đại lễ

Không như công trường thuỷ điện Sơn La trong những thời kỳ xây dựng có tới cả chục ngàn con người và hàng ngàn máy móc, thiết bị; hôm nay, trước khi diễn ra buổi lễ khánh thành Nhà máy, thuỷ điện Sơn La chỉ còn sự góp mặt của mấy trăm con người thuộc vài ba đơn vị: Công ty thuỷ điện Sơn La, Công ty Sông Đà 9, Công ty đầu tư và xây dựng thương mại Dầu Khí... nhưng không vì thế mà không khí lao động trên khu vực Nhà máy hôm nay bớt đi phần sôi động. Các tuyến đường trong Nhà máy vẫn tấp nập người xe qua lại; những cán bộ, công nhân trong Nhà máy cũng đang dồn sức hoàn thành những chi tiết nhỏ nhất cho ngày đại lễ cũng như những hoạt động của nhà máy thuỷ điện Sơn La. Con đường dẫn vào Nhà máy đang được lắp đặt những mảng ghép cuối cùng trên bức tường ngăn dựa vào vách núi như bức đại phù điêu. Hệ thống điện chiếu sáng, vườn hoa, cảnh quan môi trường cũng đang được hoàn thiện khiến không gian trước cửa Nhà máy mang dáng dấp của một khu công nghiệp thời đại văn minh, gắn sản xuất công nghiệp với môi trường sinh thái xanh-sạch-đẹp.

Anh Nguyễn Tiến Nhân, công nhân kỹ thuật đang lắp ghép bức hoạ tiết trên tường dẫn vào nơi thân đập, cho biết: Sau này, khi Nhà máy đã đi vào hoạt động ổn đình thì kinh tế du lịch sẽ phát triển. Những khoản đầu tư về môi trường, sinh thái, cảnh quan hôm nay không chỉ để làm đẹp Nhà máy, chuẩn bị cho buổi lễ khánh thành mà còn là bước chuẩn bị cho những hoạt động du lịch về sau. Trên vùng hồ thuỷ điện này không chỉ đơn thuần khai thác nguồn năng lượng mà còn là khu kinh tế du lịch đầy tiềm năng, nhiều hứa hẹn. Bởi vậy, như các anh thấy, hàng trăm cán bộ, công nhân chúng tôi vẫn đang làm việc không biết mệt mỏi là để cho ngày nay và cho cả ngày sau nữa.."  

 

Đặt chân lên bề mặt thân đập Nhà máy thuỷ điện Sơn La, giữa lồng lộng mây ngàn, gió núi, mênh mông sóng nước sông Đà, chợt nhớ lại những tháng ngày khởi công xây dựng Nhà máy với bao vất vả, lo toan, bộn bề công việc. Nhìn sang lưng chừng núi tả ngạn sông Đà, ngay trên Nhà máy thuỷ điện, Đài tưởng niệm công trình thuỷ điện Sơn La cũng đang bước vào hoàn thiện, như ngọn hải đăng nép mình bên núi đá cao. Đó sẽ là nơi ghi công những con người đã đóng góp hết mình với công trường thuỷ điện Sơn La, góp phần trí tuệ, máu thịt của mình để làm nên bản hùng ca hoành tráng trên dòng Đà Giang. Sau những giây phút trầm tư, Giám đốc công ty thuỷ điện Sơn La-anh Hoàng Trọng Nam cất giọng nhỏ nhẹ: Công trình đã hoàn thành, những sản lượng điện đầu tiên đã hoà vào lưới điện quốc gia và đang tiếp tục sinh lời cho đất nước. Đó là minh chứng cho những mất mát, hi sinh, đóng góp vì lợi ích chung bao ngày qua của hàng vạn, hàng triệu con ngưười vì Nhà máy thuỷ điện này. Đón nhận trách nhiệm quản lý, khai thác, vận hành Nhà máy, chúng tôi sẽ làm hết sức mình để có được những hiệu quả kinh tế, xã hội cao nhất, hiệu quả nhất, vì đất nước nói chung, vì nhân dân các dân tộc Sơn La nói riêng; như những đoá hoa thơm dâng lên đài tưởng niệm.

Từ khóa: thủy điện, thủy điện

Thể loại: Xã hội

Tác giả: ctv minh ngọc/vov online

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập