Trung tâm tài chính khu vực: Động lực thúc đẩy kinh tế Đà Nẵng

Cập nhật: 27/03/2021

VOV.VN - Khi Đà Nẵng là trung tâm tài chính khu vực sẽ tạo cơ hội tốt để cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh mẽ hơn.

Đúng dịp kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng, thành phố Đà Nẵng đón nhận tin vui khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu, lập Đề án xây dựng Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính khu vực. Đây là cơ hội rất tốt để cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng và miền Trung tiếp cận nguồn vốn, đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh mẽ hơn và Trung tâm tài chính là động lực thúc đẩy nền kinh tế Đà Nẵng trở nên sôi động.

Tiềm năng, lợi thế lớn

Nằm ở trung điểm của miền Trung, nếu lấy Đà Nẵng làm tâm chỉ khoảng 3 giờ bay là đến các nền kinh tế năng động ở châu Á như Singapore, Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc)… Trước khi xảy ra dịch covid-19, mỗi tuần có khoảng 500 chuyến bay quốc tế kết nối với 35 thành phố của 9 quốc gia vùng lãnh thổ đến Đà Nẵng.

Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng và qui mô GRDP/đầu người thuộc nhóm cao nhất nước, đứng thứ 8 cả nước về mật độ kinh tế và đứng thứ 9 về nguồn thu ngân sách. Đà Nẵng có môi trường sống an toàn, ổn định, là trung tâm giáo dục đào tạo ở miền Trung với hơn 25 trường đại học, cao đẳng và đã hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 xác định, xây dựng thành phố Đà Nẵng thành Trung tâm kinh tế xã hội của cả nước và Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại và tài chính.

TS Đặng Tùng Lâm, Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng cho biết, với những cơ sở hiện nay, Đà Nẵng đang có những tiềm năng, lợi thế nhất định để thành lập trung tâm tài chính.

“So với TPHCM và Hà Nội, Đà Nẵng khó cạnh tranh trong việc xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính truyền thống. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi căn bản toàn diện phương thức kinh doanh, là thách thức song cũng là cơ hội rất lớn cho Đà Nẵng cân nhắc, nếu phát triển Trung tâm tài chính có thể phát triển theo hướng phi truyền thống, trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi”, TS. Đặng Tùng Lâm chỉ rõ.

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp ở Đà Nẵng và miền Trung là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, vừa và siêu nhỏ. Tại TP Đà có hơn 30.000 doanh nghiệp, nguồn lực tài chính hạn chế. Nếu 1 trung tâm tài chính ở Đà Nẵng mở ra, cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đa dạng, dễ dàng hơn, đẩy mạnh sự khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Ông Lê Trường Kỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Dinco, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng có trung tâm tài chính sẽ thu hút được các tập đoàn lớn trên thế giới vào đầu tư. Các dịch vụ mở ra làm cho thành phố trở lên sôi động, kích thích nền kinh tế Đà Nẵng phát triển, tạo việc làm, thu nhập nhiều hơn cho người dân.

Theo đề xuất của ông Lê Trường Kỹ, trước mắt thành phố cần sớm thành lập sàn giao dịch chứng khoán tại Đà Nẵng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ở miền Trung lên sàn, nâng cấp năng lực quản trị.

“Thay đổi tư duy là yếu tố quan trọng và khi Đà Nẵng có Trung tâm tài chính, tư duy của doanh nghiệp thay đổi, đặc biệt là thế hệ trẻ và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Với quyết định của Chính phủ, có thể tự tin rằng Đà Nẵng sẽ có cơ hội cùng các chính sách chiến lược như Singapore và Hong Kong làm thay đổi bộ mặt của Đà Nẵng”, ông Kỹ nhận định.

Hoàn thiện chính sách ưu đãi

Hiện nay, TP Đà Nẵng hội đủ các điều kiện để xây dựng thành Trung tâm tài chính khu vực. Vấn đề còn lại là cần có cơ chế chính sách và nguồn nhân lực đủ kinh nghiệm để điều hành. Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng cho rằng, thành phố cần có những chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư lớn hoạt động trong lĩnh vực tài chính, kích thích các định chế tài chính trên thế giới đến đầu tư.

“Việc quan trọng là thành phố cần có những chính sách để ưu đãi và thu hút các nhà đầu tư, các định chế tài chính. Trong đó có cả hỗ trợ về thuế, tiếp cận nguồn lực đất đai, hạ tầng và chính sách khác để cho sự hấp dẫn các nhà đầu tư đến Đà Nẵng nhiều hơn”, vị này nói.

Dự kiến, TP Đà Nẵng sẽ dành quỹ đất 58 ha tại đường Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà để xây dựng một Tổ hợp Trung tâm tài chính với nguồn vốn đầu tư hàng chục tỷ USD, huy động từ các nhà đầu tư. Mục tiêu của thành phố là xây dựng không gian phát triển tổng thể, bao gồm nhiều dự án đầu tư thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung vào Khu phức hợp trung tâm tài chính thương mại, vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp. Nhiều nhà đầu tư lớn ở Singapore, Mỹ đã gửi văn bản đến UBND thành phố đề xuất nghiên cứu đầu tư, tài trợ xây dựng Đề án thành phố Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính khu vực.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Giám đốc Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện thành phố đã lựa chọn Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thái Bình Dương IPPG, đại diện liên danh các nhà đầu tư gồm các công ty của Mỹ để xây dựng đề án. Phía Công ty này đã đồng ý tài trợ toàn bộ chi phí thuê một đơn vị tư vấn có kinh nghiệm trên thế giới lập đề án trên cơ sở các ý kiến góp ý của các bộ ngành Trung ương.

“Thành phố Đà Nẵng cũng đề xuất cơ chế đặc thù, đáp ứng yêu cầu vận hành của Trung tâm tài chính từ ý tưởng tạo ra một quần thể có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhiều nhà tài chính mang tầm quốc tế sẽ quy tụ. Trung tâm sẽ tạo dòng tiền phong phú hơn để các doanh nghiệp kết nối, trao đổi cung cầu trong sản xuất kinh doanh. Trong đó có cơ chế chính sách đặc thù vận hành phù hợp với pháp luật Việt Nam”, ông Phụng cho biết thêm./.

Từ khóa: trung tâm tài chính khu vực, đà nẵng, thu hút đầu tư, nguồn vốn, doanh nghiệp khởi nghiệp

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập