Trung Quốc với nỗ lực kiềm chế “văn hóa fan cuồng”
Cập nhật: 11/08/2021
Huyền thoại Bộ đội Cụ Hồ tỏa sáng trong chương trình "Con đường lịch sử"
Mỹ Linh nhào lộn, Minh Tuyết gây bất ngờ vì hát bolero khi đu thang dây
VOV.VN - Trang mạng xã hội nổi tiếng nhất Trung Quốc Weibo mới đây đã quyết định xóa danh sách người nổi tiếng của họ, sau khi chính phủ cho biết trẻ em đang trở thành nạn nhân chính của những kẻ lợi dụng ngành giải trí.
Những năm gần đây, nhiều câu chuyện cuồng thần tượng gây xôn xao ở Trung Quốc, thậm chí báo giới gọi đây là một hiện tượng của “văn hóa cuồng thần tượng”. Một trong những cái tên được giới trẻ Trung Quốc rất hâm mộ là Ngô Diệc Phàm (một ca sĩ, diễn viên) - người vừa bị bắt giữ vì những cáo buộc cực kỳ nghiêm trọng liên quan đến cưỡng hiếp và quan hệ với trẻ vị thành niên. Liệu điều này có giúp giới trẻ Trung Quốc nhìn nhận lại những “thần tượng” của mình? Bê bối của Ngô Diệc Phàm có mở đường cho “chiến dịch” dẹp bỏ hiện tượng cuồng hâm mộ của giới chức Trung Quốc?
Làn sóng hâm mộ người nổi tiếng tại Trung Quốc
Cũng giống như nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Á, Trung Quốc cũng có hiện tượng hâm mộ người nổi tiếng hay còn gọi là “văn hóa thần tượng”.
Bản thân văn hóa thần tượng không phải là điều xấu. Khi một nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội cũng là một tấm gương về đạo đức và tài năng, họ sẽ tạo ra được năng lượng tích cực, hướng thiện và lan tỏa trong cộng đồng, giúp xã hội ngày càng trở nên nhân văn và tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, nếu hâm mộ một ai đó đơn thuần chỉ là việc chạy theo sự nổi tiếng một cách mù quáng, bất chấp các quy chuẩn đạo đức và quy định của pháp luật, thì đó là hiện tượng “fan cuồng” hay “cuồng thần tượng”. Điều này sẽ là một mối họa, bởi nó có thể khiến giới trẻ, đối tượng chính của văn hóa thần tượng đi chệch hướng.
Thời gian gần đây, nhiều ngôi sao có những biểu hiện không lành mạnh và hiện tượng “fan cuồng” liên tục xuất hiện tại Trung Quốc, gây ra những hệ lụy đáng báo động.
Đáng chú ý như hồi tháng 5 năm nay, những người hâm mộ một cuộc thi tuyển chọn thành viên nhóm nhạc đã chi số tiền lớn mua sữa rồi đổ đi, chỉ để quét mã trên bao bì hoặc nắp sản phẩm bình chọn cho thí sinh mình yêu thích.
Hay gần đây nhất là khi thần tượng nhạc pop người Canada gốc Hoa Kris Wu, tức Ngô Diệc Phàm bị cảnh sát Bắc Kinh tạm giữ hồi cuối tháng 7 vì cáo buộc cưỡng hiếp liên quan đến trẻ vị thành niên, một số người hâm mộ đã lên mạng xã hội kêu gọi lập kế hoạch tổ chức "nhóm giải cứu" và "đội thăm tù"...
Rõ ràng, các hành động như trên đang lệch chuẩn. Vì thần tượng của mình, các fan hâm mộ sẵn sàng bao che hoặc tìm cớ để hợp lý hóa cái xấu, thậm chí vi phạm pháp luật. Những điều này đã khiến các cơ quan quản lý của Trung Quốc phải vào cuộc chấn chỉnh, trước khi hiện tượng này đi quá xa.
Vấn nạn fan cuồng và những hệ lụy
Nếu trước đây ở Trung Quốc người hâm mộ đầu tư rất nhiều thời gian, sức lực và tiền bạc vào các hoạt động săn đuổi các ngôi sao và đó là hành vi cá nhân, thì đến nay việc theo đuổi các ngôi sao đã được hệ thống hóa, có tổ chức, thậm chí chuyên nghiệp hóa với sự hậu thuẫn của các mạng xã hội và doanh nghiệp. Những năm gần đây, sự hình thành của hệ sinh thái truyền thông mới, sự phát triển không ngừng của truyền thông xã hội đa nền tảng và nền kinh tế thần tượng ở Trung Quốc đã tạo ra nhiều hành vi liên quan đến văn hóa thần tượng, như mua các sản phẩm phái sinh vì thần tượng, thuê không gian quảng cáo để tuyên truyền, bình chọn cho thần tượng và làm các hoạt động từ thiện dưới danh nghĩa thần tượng.
Theo một nghiên cứu của Trung Quốc, các vấn đề tồn tại liên quan đến “fan cuồng” trong hệ sinh thái "thần tượng" ở nước này hiện nay được phân thành ba loại. Thứ nhất, yêu thích chủ quan thay vì đánh giá khách quan, sẵn sàng tấn công một cách phi lý và không có giới hạn tất cả những người đi ngược lại với lợi ích của mình. Thứ hai, gây mất trật tự công cộng bất chấp những người xung quanh. Thứ ba, với sự hậu thuẫn của các ngành nghề khác, người hâm mộ sẵn sàng làm những điều vô nghĩa vượt quá khả năng của mình.
Đáng nói là nhiều trẻ vị thành niên có xu hướng coi thần tượng là đối tượng làm theo của mình, cho dù một số nghệ sĩ nổi tiếng vi phạm pháp luật. Họ không chỉ tìm cách giải thích, hợp lý hóa, bao che cho các hành động sai trái đó, mà còn sẵn sàng lăng mạ các nhân viên thực thi pháp luật.
Truyền thông Trung Quốc có những nhận định cho rằng, giờ đây, “văn hóa thần tượng” ở nước này đã bị “tẩu hỏa nhập ma” và trở thành “ma túy tinh thần” khiến người ta bị mê muội phi lý trí, đồng thời kêu gọi người hâm mộ, đặc biệt là giới trẻ nhanh chóng tỉnh ngộ, sớm tìm cho mình một quan niệm và mục đích sống đúng đắn.
Chiến dịch dẹp bỏ hiện tượng cuồng hâm mộ ở Trung Quốc
Vụ bê bối của Ngô Diệc Phàm vừa rồi có thể được ví như giọt nước tràn ly và cột mốc quan trọng tạo điều kiện cho nhà chức trách Trung Quốc mạnh tay hơn nữa trong việc chấn chỉnh “văn hóa thần tượng” lệnh chuẩn, dẹp bỏ những câu lạc bộ fan đang ngày càng gây ảnh hưởng lớn và kiếm lợi trên tình yêu mù quáng của người hâm mộ.
Sau khi nam ca sĩ 30 tuổi này bị bắt, hàng loạt các tờ báo lớn ở Trung Quốc đã đăng các bài bình luận và bản tin nhấn mạnh đây là bài học cho những người nổi tiếng.
Mạng Nhân dân Nhật báo tuyên bố: “Quốc tịch nước ngoài không phải là lá bùa hộ mệnh, dù nổi tiếng đến đâu cũng không có quyền miễn trừ, ai vi phạm người đó sẽ bị pháp luật trừng trị. Hãy nhớ rằng: càng nổi tiếng thì càng cần phải chừng mực tự giác, càng nổi tiếng thì càng phải tuân theo kỷ cương phép nước.”
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc trong một bài bình luận đã viết rằng, những fan cuồng bị “tẩu hỏa nhập ma” đã đến lúc cần tỉnh ngộ. Những hiện tượng cực đoan đã khiến việc theo đuổi các ngôi sao “bị biến chất”, các giá trị trở nên lệch chuẩn, trật tự, luân lý và đạo đức xã hội bị bỏ qua, một số còn vi phạm pháp luật. Các mô hình fan dị dạng này gây tác hại lớn đối với giới trẻ, đặc biệt là trẻ vị thành niên - những đối tượng chưa hình thành các giá trị quan. Cần sớm thanh lọc hệ sinh thái thần tượng và uốn nắn sự lệch lạc trong việc theo đuổi những ngôi sao.
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng vào cuộc với một bài báo nói rằng, vụ việc Ngô Diệc Phàm cho thấy văn hóa hâm mộ bị bóp méo phải được chấn chỉnh, đồng thời tạo ra một không gian mạng trong sạch và ngay ngắn cho đa số cư dân, đặc biệt là giới trẻ với sự chung sức của toàn xã hội.
Không phải đợi đến bây giờ, mà từ giữa tháng 6, Trung Quốc đã phát động một chiến dịch “dọn sạch” tình trạng bừa bãi của văn hóa thần tượng và vụ việc của Ngô Diệc Phàm là một bước ngoặt của chiến dịch này, nhằm kiểm soát hành vi của các ngôi sao, câu lạc bộ người hâm mộ và các nền tảng truyền thông xã hội có mức ảnh hưởng lớn với giới trẻ.
Kể từ khi phát động chiến dịch này đến nay, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã xoá hơn 150.000 thông tin độc hại, dừng hoạt động của hơn 4.000 tài khoản mạng xã hội và đưa ít nhất 39 ứng dụng di động vào chế độ ngoại tuyến. Hôm 6/8 vừa qua, Weibo – nền tảng truyền thông xã hội giống Twitter của Trung Quốc – đã thông báo loại bỏ “Danh sách xếp hạng các ngôi sao quyền lực”. Đây được coi là một trong những “chiến trường” ảo để người hâm mộ Trung Quốc được thể hiện tình yêu và sự ủng hộ với thần tượng.
Việc xoá danh sách xếp hạng này nhằm đảm bảo sự phát triển có trật tự của cộng đồng và các kênh, để người hâm mộ được thể hiện tình cảm với các ngôi sao một cách đúng đắn nhất. Các động thái của cơ quan chức năng Trung Quốc trong hai tháng qua là một phần nỗ lực để kiềm chế nền văn hoá thần tượng có phần thái quá và lệch lạc của nước này./.
Từ khóa: Ngô Diệc Phàm, bê bối, văn hóa fan cuồng, Trung Quốc
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN