Trung Quốc tuyên bố trở thành quốc gia số 1 thế giới về điện hạt nhân
Cập nhật: 2 giờ trước
Tàu chiến Mỹ chính thức cập cảng Campuchia lần đầu tiên sau 8 năm
Chiến đấu cơ Su-27 của Ukraine ném loạt bom lượn vào cầu phao Nga ở Kursk
VOV.VN - Số liệu thống kê mới nhất của Cục Năng lượng quốc gia Trung Quốc cho thấy, tính đến năm nay, nước này đã có 102 tổ máy điện hạt nhân đang vận hành hoặc được phê duyệt xây dựng, tổng công suất lắp đặt đạt 113 triệu kW, trở thành quốc gia điện hạt nhân lớn nhất thế giới.
Thông tin về điện hạt nhân nói trên được Cục trưởng Cục Năng lượng quốc gia Trung Quốc Vương Hồng Chí (Wang Hongzhi) tiết lộ tại Hội nghị Công tác năng lượng quốc gia 2025 tổ chức hôm 15/12.
Ông cho biết, trong năm 2024, 11 tổ máy thuộc 5 dự án điện hạt nhân của nước này đã được phê duyệt. Trung Quốc hiện có 102 tổ máy điện hạt nhân đang vận hành hoặc được phê duyệt xây dựng, với công suất lắp đặt đạt 113 triệu kW. Theo Tân Hoa xã, quan chức này tuyên bố, Trung Quốc đã trở thành quốc gia số một thế giới về điện hạt nhân.
Người đứng đầu cơ quan năng lượng Trung Quốc cũng cho biết, năm 2025, nước này sẽ phê duyệt khởi công một số dự án điện hạt nhân ven biển, trong khi thúc đẩy mạnh mẽ các dự án đang xây. Đến cuối năm 2025, công suất điện hạt nhân đi vào vận hành của Trung Quốc sẽ đạt 65 triệu kW.
Hồi tháng 8 năm nay, Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc đã cùng lúc phê duyệt xây dựng 11 tổ máy điện hạt nhân, một con số kỷ lục từ trước tới nay. Trong một Văn kiện Trung ương công bố cùng tháng, nước này cũng đưa ra yêu cầu “đẩy nhanh xây dựng các cơ sở năng lượng sạch như quang điện và phong điện ở vùng Tây Bắc, thủy điện ở khu vực Tây Nam, phong điện ngoài khơi và điện hạt nhân ven biển… Đến năm 2030, tỷ lệ tiêu thụ năng lượng phi hóa thạch sẽ tăng lên khoảng 25%.”
Đây là lần đầu tiên kể từ sau sự cố điện hạt nhân ở Fukushima, Nhật Bản năm 2011, Trung Quốc dùng từ “đẩy nhanh” để chỉ đạo công tác phát triển các dự án điện hạt nhân trong một tài liệu chính thức cấp Trung ương.
Là quốc gia đã thử nghiệm thành công bom nguyên tử (bom A) vào năm 1964, bom nhiệt hạch (bom H) vào năm 1967, nhưng phải 30 năm sau (1994), Trung Quốc mới có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được xây dựng và vận hành.
Với mục tiêu giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, những năm gần đây, việc phát triển điện hạt nhân đã được Trung Quốc đặc biệt quan tâm. Vào tháng 12/2023, nhà máy điện hạt nhân Thạch Đảo Loan (Shidaowan) ở Sơn Đông, tỉnh ven biển miền Đông nước này, đã đi vào hoạt động thương mại. Đây là nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ 4 được trang bị lò phản ứng làm mát bằng khí nhiệt độ cao đầu tiên trên thế giới do Trung Quốc tự phát triển.
Theo dự báo của Tổ chức Đổi mới và công nghệ thông tin (ITIF) có trụ sở ở Washington (một tổ chức tư vấn công nghệ nổi tiếng của Mỹ), đến năm 2030, Trung Quốc dự kiến sẽ vượt Mỹ trở thành quốc gia có công suất phát điện hạt nhân lớn nhất thế giới. Trung Quốc cũng có thể đi trước Mỹ từ 10 đến 15 năm về khả năng triển khai lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 4 trên quy mô lớn.
Từ khóa: điện hạt nhân, trung quốc, năng lượng hạt nhân, tổ máy điện hạt nhân, phát điện hạt nhân, điện hạt nhân lớn nhất, phát triển điện hạt nhân, năng lượng trung quốc
Thể loại: Thế giới
Tác giả: bích thuận/vov-bắc kinh
Nguồn tin: VOVVN