Trung Quốc tung loạt chính sách tiền tệ thúc đẩy nền kinh tế

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 24/9 đã công bố một loạt chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế, thị trường nhà đất và thị trường chứng khoán.

Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng Trung ương, PBOC) Phan Công Thắng tuyên bố sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5 điểm phần trăm, hạ lãi suất chính sách và lãi suất chuẩn thị trường nhằm thúc đẩy tăng trưởng, mở rộng tiêu dùng và đầu tư.

Đây cũng là lần đầu tiên trong 10 năm qua Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBOC cắt giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong cùng một ngày. Theo các chuyên gia, đây là chính sách nới lỏng tiền tệ có quy mô tương đối lớn được Trung Quốc đưa ra trong 3 năm qua và việc 3 cơ quan quản lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và chứng khoán cùng nhau hiệp lực làm điều này cũng là điều tương đối hiếm.

Trong đó, động thái cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc - lượng tiền mặt mà các ngân hàng bắt buộc phải giữ làm dự trữ - sẽ bơm khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (142 tỷ USD) thanh khoản dài hạn cho thị trường tài chính. Hơn thế, theo quan chức này, tỷ lệ này có thể sẽ tiếp tục cắt giảm thêm 0,25-0,5 điểm phần trăm trong năm nay tùy thuộc vào tình hình thanh khoản thị trường.

Lãi suất các khoản cho vay mua nhà cũng hạ bình quân 0,5%, trong khi yêu cầu trả trước tối thiểu đối với ngôi nhà thứ hai giảm từ 25% xuống 15%, tương đương nhà thứ nhất.

“Việc ngân hàng hạ lãi suất cho vay mua nhà sẽ giúp giảm hơn nữa khoản thanh toán lãi suất của người đi vay. Chúng tôi ước tính chính sách này sẽ giúp 50 triệu hộ gia đình khoảng 150 triệu người được hưởng lợi, giảm tổng số tiền lãi phải trả của các hộ gia đình trung bình hàng năm khoảng 150 tỷ nhân dân tệ”, ông Phan Công Thắng cho biết.

Mặc dù sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình, nhưng quyết định này cũng gây lo ngại về lợi nhuận của ngân hàng. Một số loại lãi suất tiết kiệm và cho vay khác cũng sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới.

Sau thông báo của PBOC, các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc và giá đồng nhân dân tệ đều tăng. Chỉ số trên sàn Thượng Hải (Shanghai Composite Index) tăng 4,15%, đánh dấu mức tăng trong một ngày lớn nhất trong hơn 4 năm qua, trong khi chỉ số tại thị trường Thâm Quyến (Shenzhen Component Index) tăng 4,36%.

Động thái của Trung Quốc được đưa ra gần một tuần sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất 0,5% lần đầu tiên sau 4 năm. Việc này được cho là giúp PBOC có thêm dư địa nới lỏng chính sách mà không lo nhân dân tệ mất giá.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, ngoài các biện pháp chính sách tiền tệ, Trung Quốc cũng cần triển khai các biện pháp tài khóa...

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chưa phục hồi mạnh mẽ như kỳ vọng sau đại dịch Covid-19. Quý II, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng, nhiều số liệu kinh tế tháng 8 cũng không như dự báo. Đây là những động lực khiến nước này tung thêm các chính sách kích thích.

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2024. Trong một phát biểu hồi giữa tháng 9 mới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã yêu cầu các địa phương, bộ ngành nước này làm tốt công tác kinh tế cuối quý III và cả quý IV, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong cả năm.

Từ khóa: Trung Quốc, chính sách tiền tệ, thúc đẩy nền kinh tế, Trung Quốc,Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: bích thuận/vov-bắc kinh

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan