Trung Quốc tìm cách gia tăng ảnh hưởng bằng “ngoại giao vaccine” Covid-19

Cập nhật: 05/08/2020

VOV.VN - Dù các thử nhiệm vaccine Covid-19 hiện nay thành công, Trung Quốc sẽ vẫn gặp nhiều rào cản từ những vụ bê bối về tính an toàn của vaccine trước đây.

Bắc Kinh đang đề xuất các khoản vay và ưu tiên tiếp cận cho các nước đang phát triển đối với các loại vaccine [ngừa Covid-19] trong bối cảnh các loại vaccine này đang được thử nghiệm quy mô lớn.

Trong bối cảnh các nước giàu hơn đang tìm cách thu gom sớm các loại vaccine còn đang ở trong giai đoạn thử nghiệm có thể sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt trong nhiều năm tới.

trung quoc tim cach gia tang anh huong bang "ngoai giao vaccine" covid-19 hinh 1
Ảnh: Shutterstock

Sau ngoại giao khẩu trang là ngoại giao vaccine

Cái gọi là ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc được dư luận chú ý khi Bắc Kinh phản bác một cách cứng rắn những lời chỉ trích cho rằng nước này chịu trách nhiệm về sự bùng phát Covid-19. Tuy nhiên câu chuyện đó có thể sẽ thay đổi khi Trung Quốc đặt mình vào vị trí tiên phong trong cuộc chiến chống lại đại dịch này, cũng như đề xuất các khoản vay và ưu tiên tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 cho các nước đang phát triển.

Các loại vaccine mà Trung Quốc đang phát triển hiện nay nằm trong số những “ứng cử viên hàng đầu” được “săn đón” để phòng chống dịch Covid-19. Các nhà ngoại giao Trung Quốc nói rằng, nếu thành công, các loại vaccine đó sẽ là một “hàng hóa toàn cầu”, đúng như cam kết mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra trong một cuộc họp của Ban điều hành Tổ chức Y tế Thế giới hồi tháng 5/2020.

Lời đảm bảo đó được đưa ra trong bối cảnh nhiều loại vaccine trên thế giới đang được tiến hành thử nghiệm giai đoạn cuối với quy mô lớn và nếu thành công sẽ được cấp phép sản xuất. Tuy nhiên, cho dù các loại vaccine tiềm năng hiện nay được phê duyệt thì khả năng cao sẽ vẫn xảy ra tình trạng khan hiếm trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm do sự hạn chế trong khâu sản xuất.

Nguy cơ đó là có thể thấy trước được khi các nước giàu hơn, trong đó có Mỹ, Anh, Nhật Bản, tìm cách đạt thỏa thuận riêng với các hãng dược phẩm để thu mua sớm hàng triệu liều vaccine cho người dân của mình.

“Trung Quốc sẽ không hành động như một số nước hiện nay là tìm cách độc quyền hoặc thâu tóm các loại vaccine”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết hồi tháng trước.

Tuy nhiên, Bắc Kinh không nói rõ nước này sẽ làm việc thế nào với các công ty trong nước để đạt được mục tiêu về một loại “hàng hóa toàn cầu” trong khi vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ vaccine cho dân số 1,4 tỷ dân của mình.

Cho tới nay, Trung Quốc vẫn chưa tham gia Covax, cơ chế được WHO hỗ trợ nhằm đảm bảo phân phối công bằng vaccine cho các nước thành viên, trong đó có cả những nước không thể tự mua vaccine.

Trong những tuần gần đây, Nepal, Afghanistan, Pakistan, và Philippines đều được các nhà ngoại giao Trung Quốc nhắc tới là những nước có thể hưởng lợi từ vaccine [Covid-19] do Trung Quốc điều chế và thử nghiệm thành công.

Theo chính phủ Mexico, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tháng trước cũng đề xuất khoản vay 1 tỷ USD cho các nước Mỹ Latin và Caribbe để mua các loại vaccine Covid-19 tiềm tàng.

Hồi tháng 6/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng các nước châu Phi sẽ được ưu tiên tiếp cận vaccine Covid-19 nếu việc triển khai ở Trung Quốc hoàn thành.

Gia tăng ảnh hưởng trong cuộc chiến chống Covid-19

Việc giúp các nước có thu nhập hạng trung và thấp hơn có được vaccine [ngừa Covid-19] có thể giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng và vị thế trên trường quốc tế, theo Yanzhong Huang, nhà nghiên cứu cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng quan hệ đối ngoại có trụ sở tại New York.

“Nếu Trung Quốc chơi bài ‘ngoại giao vaccine’, điều này có thể giúp gia tăng quyền lực mềm của Trung Quốc và giúp Trung Quốc đem lại sức sống mới cho việc thực thi Sáng kiến Vành đai và Con đường”, ông Yanzhong Huang nói.

Tuy nhiên, theo ông Huang, với sự gia tăng số ca mắc Covid-19 ở khu vực Tân Cương phía Tây Trung Quốc sau làn sóng ở Bắc Kinh trước đó, điều cấp thiết đối với giới chức nước này là phải có một loại vaccine hiệu quả để đáp ứng nhu cầu trong nước trước khi phân bổ cho các nước khác.

Các chuyên gia trong lĩnh vực vaccine cũng nhận định rằng, nếu Trung Quốc muốn đóng góp vào chuỗi cung cấp [vaccine Covid-19] toàn cầu, điều này sẽ đòi hỏi phải có sự tăng tốc đáng kể trong năng lực sản xuất.

“Về mặt lịch sử, Trung Quốc không phải là một ‘người chơi lớn’ trong lĩnh vực cung cấp vaccine toàn cầu, một phần vì Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn và đông dân, do đó bản thân nước này đã là một thị trường rất lớn”, John Donnelly, người đứng đầu bộ phận vaccine của một công ty tư vấn có trụ sở tại Mỹ cho biết.

Một số nhà sản xuất lớn của Trung Quốc từng đóng góp cho chiến dịch chủng ngừa mà Liên Hợp Quốc điều hành. Năm 2019, các loại vaccine Hepatitis A, bại liệt và vaccine phế cầu khuẩn (pneumococcal) do 3 công ty Trung Quốc sản xuất đều được UNICEF thu mua. UNICEF đóng vai trò hàng đầu trong chiến dịch chủng ngừa cho trẻ em trên toàn cầu.

Hai trong số các công ty điều chế vaccine Covid-9 của Trung Quốc đang tiến hành các thử nghiệm giai đoạn cuối là Sinovac và Sinopharm. Cả 2 công ty này đều từng có các sản phẩm được WHO chứng nhận đủ tiêu chuẩn chất lượng để thu mua số lượng lớn.

Theo ông Donnelly, các công ty đã từng có chứng nhận này có thể rút ngắn quy trình xin chứng nhận tương tự đối với vaccine Covid-19, nếu thử nghiệm thành công.

Những người trong ngành công nghiệp vaccine nói rằng, trọng tâm ban đầu của Trung Quốc sẽ là đáp ứng nhu cầu nội địa. Tuy nhiên, theo bà Helen Chen thuộc công ty tư vấn LEK, “Chẳng có lý do gì các nhà sản xuất Trung Quốc không thể tăng tốc để bắt kịp nhu cầu của thế giới”. Trung Quốc có thể điều phối các cơ sở sản xuất vaccine vốn thường phụ trách chiến dịch chủng ngừa cho trẻ em sang sản xuất vaccine Covid-19.

Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, tính đến tháng 7/2020, có 13 công ty nước này đang xây dựng cơ sở để phục vụ việc sản xuất vaccine Covid-19. Tuy nhiên Bộ này không nêu rõ các cơ sở này có thể sản xuất được bao nhiêu liều vaccine.

Trong số các cơ sở sản xuất mới có 2 cơ sở được xây dựng bởi các công ty con của Sinopharm - công ty hiện đang có vaccine thử nghiệm giai đoạn 3 ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Một cơ sở ở Vũ Hán có thể sản xuất 100 triệu liều/năm, cơ sở còn lại ở Bắc Kinh có công suất 120 triệu liều/năm.

Sinovac, công ty có vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 3 ở Brazil, cũng đang xây dựng một nhà máy có thể sản xuất 100 triệu liều/năm.

Nếu một loại vaccine thử nghiệm thành công thì việc nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất “sẽ không phải là thách thức” bởi chỉnh phủ [Trung Quốc có thể đứng ra điều phối, theo bà Vicky Xia, Giám đốc BioPlan, một công ty nghiên cứu thị trường cho các hãng dược phẩm sinh học và khoa học đời sống.

Dù vậy, bà Vicky Xia cũng cho rằng trọng tâm đầu tiên của Trung Quốc vẫn là đáp ứng nhu cầu nội địa, và cuộc khủng hoảng hiện này có thể đóng vai trò như một tấm nhún cho Trung Quốc tại các thị trường nước ngoài.

“Trung Quốc có tham vọng xuất khẩu vaccine sang các thị trường nước ngoài về lâu dài”, bà nói.

Một lựa chọn khác để đáp ứng nhu cầu thế giới có thể bao gồm cả việc chuyển giao công nghệ, cho phép các nước khác sản xuất các loại vaccine đã được phát triển ở Trung Quốc, theo ông Donnelly.

Theo Reuters, các thỏa thuận như vậy có thể thực hiện giữa Sinovac và các nhà sản xuất ở Brazil hay Indonesia, viện dẫn việc thử nghiệm lâm sàng vaccine tiềm năng của Sinovac ở các nước này.

Rào cản từ những bê bối vaccine

Tuy nhiên, vẫn có rào cản đối với Trung Quốc. Ngành công nghiệp vaccine của Trung Quốc những năm gần đây bị ảnh hưởng bởi một số vụ bê bối về tính an toàn, trong đó có cả các loại vaccine không đạt tiêu chuẩn được bán cho các chương trình chủng ngừa trẻ em.

“Chắc chắn vẫn sẽ có những lo ngại pháp lý, nhất là khi dư luận đã từng chứng kiến các vụ bê bối liên quan tới vaccine ở Trung Quốc”, theo học giả Huang tại Hội đồng quan hệ đối ngoại.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp vaccine nói chung ngày càng trở nên cạnh tranh hơn. “Trung Quốc cũng nhận thức được rằng, trong việc phát triển vaccine [ngừa Covid-19] thì an toàn là yếu tố then chốt”, ông Huang nói./.

Từ khóa: Trung Quốc, ngoại giao vaccine, vaccine Covid-19, SARS-CoV-2, thử nghiệm vaccine

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập