Trung Quốc sẽ không tiếp tục “mạnh tay” phá giá đồng Nhân dân tệ?
Cập nhật: 25/09/2019
Phụ nữ khởi nghiệp vì sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững (24/11/2024)
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
VOV.VN - Trung Quốc được cho là sẽ không để đồng Nhân dân tệ giảm giá sâu, nhằm ngăn dòng vốn rút ra ồ ạt như đã từng xảy ra vào năm 2015 và 2016.
Trung Quốc đã từng hạ giá đồng Nhân dân tệ rất sâu vào năm 2003 và 2014 nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Song, có lẽ quốc gia này sẽ không "mạnh tay" như vậy trong thời điểm hiện nay cho dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã liên tục hạ giá đồng Nhân dân tệ trong thời gian vừa qua.
Lần đầu tiên, dưới sức ép gia tăng của cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã có động thái phá giá đồng nội tệ, khiến tỉ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) so với đồng đô la Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua - ở mức 7 NDT/USD. (Ảnh minh họa: KT) |
Giá đồng Nhân dân tệ trên thị trường đã vượt mốc 7 CNY/USD từ hai tuần trước, lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Động thái này được cho là cú hích cho xuất khẩu và bù đắp một số tác động của thuế quan mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc.
Việc Trung Quốc liên tục hạ giá đồng nội tệ đã khiến Mỹ lên tiếng cáo buộc Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Ngay sau đó,Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã ra tuyên bốphản đối mạnh mẽ, và cho rằng đây là hành động cảm tính, không có căn cứ.
Giới chức Trung Quốc nhận thức được rõ ràng về rủi ro đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh bất ngờ sẽ khiến cho nhiều người giàu có rút tiền ra khỏi nước này.
Hãng đánh giá rủi ro Eurasia Group nhận định,việc Trung Quốc hạ giá Nhân dân tệ quá mốc 7 CNY/USD đã làm dấy lên cho lo ngại về chính sách làm yếu nội tệ, gây sức ép lên các đồng tiền khác ở châu Á.
Tuy nhiên, Eurasia Groupcho rằng Bắc Kinh sẽ không để Nhân dân tệ giảm sâu, nhằm ngăn dòng vốn rút ra ồ ạt như đã từng xảy ra vào năm 2015 và 2016.
Trung Quốc được dự đoán là sẽ không tiếp tục “mạnh tay” phá giá đồng Nhân dân tệ. (Ảnh minh họa: KT) |
Trong vài năm qua, đồng nhân dân tệ không ngừng chịu áp lực bán. Nếu Bắc Kinh hoàn toàn để cho thị trường quyết định tỷ giá đồng Nhân dân tệ, đồng nhân dân tệ sẽ yếu hơn so với hiện nay.
Theo chuyên gia nghiên cứu cao cấp Fred Bergsten tại Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE), năm 2013, Trung Quốc đã can thiệp để làm yếu đồng tiền, nhưng từ đó đến nay Trung Quốc đã can thiệp vào cả hai chiều, Trung Quốc cũng có lúc bán USD để ngăn đồng nhân dân tệ suy yếu.
Thay đổi trong chính sách tiền tệ của Bắc Kinh có thể được nhìn thấy rõ trong cách xử lý tỷ giá tham chiếu hàng ngày. Mỗi ngày giao dịch, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đều phải đặt tỷ giá đồng Nhân dân tệ so với nhiều loại tiền khác trong giỏ tiền tệ.
Về vấn đề này, trên Bloomberg, ông Frances Cheung - Trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô châu Á của Westpac Banking Corp. - nhận định, sự mất giá của đồng Nhân dân tệ sẽ không giúp chống lại thuế quan nhiều bởi mức thuế suất khá cao.
Theo Reuters, ở thời điểm hiện tại, chỉ số REER (chỉ số được sử dụng xác định giá trị đồng tiền nội địa với các đồng tiền khác, sau khi điều chỉnh lạm phát) cho thấy đồng Nhân dân tệ đang mạnh hơn một chút so với giá trị trung bình trong những năm qua.
Dữ liệu vào cuối tháng 6/2019 cho thấy, chỉ số REER đối với đồng Nhân dân tệ đã cao hơn 4,9% so với trung bình 10 năm và 13,4% so với trung bình 15 năm. Trong khi đó, chỉ số REER đối với đồng USD cao hơn 11,2% so với trung bình 10 năm và 10,3% so với trung bình 15 năm qua.
Những khác biệt trong chính sách tiền tệ, điều tiết tỷ giá của Trung Quốc đặc biệt là những chính sách hạn chế đối với đầu tư nước ngoài, kèm theo việc kiểm soát dòng nội tệ nghiêm ngặt đã khiến câu hỏi "đâu là giá trị thật của đồng Nhân dân tệ?" trở thành chủ đề gây nhiều tranh cãi.
Giới phân tích cảnh báo các biện pháp "ăn miếng trả miếng" giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc có thể gia tăng ở cả phạm vi và mức độ nghiêm trọng, qua đó tiếp tục ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Đồng nhân dân tệ để mất khoảng 1,6% giá trị so với đồng USD trong hai tuần qua, song có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng bình ổn đồng nội tệ trong những ngày gần đây./.
Từ khóa: phá giá nhân dân tệ, nhân dân tệ giảm sâu, hàng hóa Trung Quốc, Donald Trump, áp thuế lên hàng trung quốc
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN