Trung Quốc rút khỏi hợp đồng dầu khí 5 tỷ USD với Iran
Cập nhật: 07/10/2019
VOV.VN - Iran xác nhận hôm 6/10 rằng Tập đoàn Dầu Quốc gia Trung Quốc đã rút khỏi hợp đồng dầu khí trị giá 5 tỷ USD với nước này.
Công ty dầu khí nhà nước của Trung Quốc đã rút khỏi một hợp đồng trị giá 5 tỷ USD như một phần trong dự án phát triển mỏ khí tự nhiên ngoài khơi Iran, Bộ trưởng Dầu mỏ của Tehran cho biết ngày 6/10. Đây cũng là thỏa thuận mà công ty Total SA của Pháp đã rút khỏi trước đó vì các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Iran xác nhận Trung Quốc rút khỏi hợp đồng 5 tỷ USD vì lệnh trừng phạt của Mỹ. Ảnh: Reuters |
Việc Trung Quốc rút khỏi hợp đồng khí đốt South Pars với Iran là diễn biến mới nhất trong chiến dịch gây sức ép tối đa của Washington với Tehran sau khi Tổng thống Trump năm 2018 đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Sự việc trên cũng diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt khi Washington và Bắc Kinh áp hàng tỷ USD thuế quan lên hàng hóa của nhau.
Hãng thông tấn Iran SHANA dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ Bijan Zangeneh cho biết ngày 6/10 rằng Tập đoàn Dầu Quốc gia Trung Quốc "đã không còn trong dự án".
Ông Zangeneh không đưa ra bất kỳ lý do nào cho sự rút khỏi hợp đồng của Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh cũng chưa lên tiếng về quyết định này.
Tuy nhiên, cũng trong ngày 6/10, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã chỉ trích về chiến lược của Mỹ với Iran cũng như tác động của nó đến hoạt động đầu tư nước ngoài.
"Chúng tôi đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong lĩnh vực đầu tư do chính sách gây sức ép tối đa của Mỹ. Chúng tôi đang nỗ lực giải quyết các vấn đề này", Ngoại trưởng Zarif phát biểu tại ủy ban nghị viện nước này.
Nhà phân tích chính trị tại Tehran Saeed Leilaz cho biết ông tin rằng mặc dù Trung Quốc rút khỏi dự án song nước này vẫn sẽ là "đối tác thương mại quan trọng của Iran".
Chuyên gia Leilaz lý giải rằng điều đó là bởi một lượng lớn doanh thu dầu mỏ trước đây của Trung Quốc vẫn ở quốc gia này, một kế hoạch nhằm giúp Tehran có thể mua hàng hóa cần thiết từ Trung Quốc mà không cần nhận tiền từ Iran và do đó có thể tránh được lệnh trừng phạt của Mỹ với hệ thống ngân hàng của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Iran có nguồn dự trữ khí tự nhiên lớn thứ 2 thế giới và nguồn dự trữ dầu mỏ lớn thứ 4 thế giới.
Phần lớn lượng khí tự nhiên của Iran đến từ mỏ South Pars khổng lồ mà Iran khai thác cùng với Qatar. Dự án này được cho là sẽ khai thác được gần 57 tỷ lít khí tự nhiên/ngày.
Theo hợp đồng South Pars, công ty Total của Pháp có 50,1% cổ phần, tập đoàn của Trung Quốc có 30% cổ phần và công ty Petropars của Iran có 19,9% cổ phần. Sau khi cả 2 công ty của Pháp và Trung Quốc đều rút khỏi hợp đồng, Petropars sẽ phải xoay xở một mình với dự án này.
Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran cách đây 1 năm, Washington đã áp các lệnh trừng phạt lên Tehran nhằm ngăn chặn Iran bán dầu ra nước ngoài và bóp nghẹt nền kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Iran cũng đáp trả bằng cách cắt giảm các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân. Hồi cuối tháng 9/2019, Mỹ đã trừng phạt các công ty vận chuyển Trung Quốc với cáo buộc chở dầu thô Iran. Washington cũng đổ lỗi cho Tehran về một loạt các vụ tấn công ở Trung Đông.
Căng thẳng leo thang ngày 14/9 khi một tên lửa và 1 máy bay không người lái tấn công cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia, khiến giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
Mặc dù nhóm vũ trang Houthi ở Yemen đã đứng ra nhận trách nhiệm song Saudi Arabia cáo buộc lực lượng này “rõ ràng đã được Iran tài trợ”. Tehran phủ nhận mọi trách nhiệm và cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công đáp trả nào nhằm vào nước này đều có thể dẫn đến một cuộc "chiến tranh toàn diện"./.Từ khóa: hơpk đồng Trung Quốc Iran, hợp đồng tỷ đô, lệnh trừng phạt của Mỹ, chiến tranh toàn diện, vòng xoáy vùng Vịnh
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN