Trung Quốc mạnh tay "làm luật" để bảo vệ Xiaomi và Huawei
Cập nhật: 07/04/2021
Các tòa án ở Trung Quốc đang ngày càng chú ý đến lời kêu gọi của Bắc Kinh để bảo vệ lợi ích quốc tế cho công ty trong nước.
Việc Trung Quốc và những quốc gia khác đang tìm cách sử dụng quyền tài phán vượt ra ngoài lãnh thổ đã khiến các chuyên gia trên thế giới phải lên tiếng cảnh báo, đặc biệt sau phán quyết gây tranh cãi của một tòa án địa phương Trung Quốc đối với tranh chấp giữa nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi và một công ty cấp bằng sáng chế công nghệ của Mỹ.
Sự việc bắt đầu vào tháng 6/2020, khi Xiaomi đưa đơn kiện lên Tòa án Nhân dân Trung Quốc Vũ Hán để yêu cầu phán quyết tranh chấp về chi phí cấp phép với InterDigital, công ty cấp bằng sáng chế công nghệ của Mỹ. Trong cùng thời gian đó, InterDigital cũng kiện Xiaomi tại tòa án Delhi, Ấn Độ. Điều này đã khiến tòa án Vũ Hán đưa ra lệnh ngăn chặn bất thường, hoặc là công ty Mỹ tiếp tục tiến hành vụ kiện bên ngoài Trung Quốc, hoặc là có nguy cơ bị phạt 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 152.000 USD) mỗi ngày.
InterDigital sau đó đã đưa đơn kháng cáo nhưng bị từ chối. Không chùn bước, InterDigital vẫn theo đuổi vụ kiện Xiaomi ở nước ngoài về việc vi phạm bằng sáng chế và cuối cùng giành được phán quyết có lợi ở Ấn Độ.
Tuy nhiên, những gì xảy ra đã dấy lên tiếng chuông báo động trong giới chuyên gia pháp lý. Theo Henry Gao, Giáo sư luật thương mại tại Đại học Quản lý Singapore, diễn biến trên phản ánh cách tiếp cận ngày càng quyết đoán của tòa án Trung Quốc trong việc bảo vệ lợi ích của các công ty trong nước. “Vụ Xiaomi và InterDigital có khả năng trở thành tiền lệ quan trọng cho các tòa án ở Trung Quốc, khi họ đang tìm cách làm theo lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc thúc đẩy hơn nữa pháp quyền ở cả Trung Quốc cũng như nước ngoài để bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích cốt lõi”, Giáo sư Gao nói.
Khi căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và các nước phương Tây, đặc biệt là việc Mỹ áp đặt lệnh hạn chế đối với các công ty Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã cố gắng đáp trả bằng biện pháp pháp lý. Tháng 1/2021, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố quy định mới được tạo ra để chống lại luật pháp nước ngoài "cấm hoặc hạn chế một cách vô cớ" các cá nhân hoặc thực thể Trung Quốc hoạt động kinh doanh bình thường, với lý do cần phải bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia. Cụ thể hơn, họ sẽ trừng phạt các công ty toàn cầu vì tuân thủ yêu cầu thắt chặt hạn chế của Mỹ đối với doanh nghiệp Trung Quốc.
Tòa án Vũ Hán không phải trường hợp cá biệt tuân theo chỉ thị từ phía Bắc Kinh. Tháng 8/2020, Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành lệnh cấm Conversant, công ty quản lý sở hữu trí tuệ của Mỹ, thi hành phán quyết của tòa án Đức đối với hãng viễn thông Huawei Technologies trước khi một vụ án đồng thời kết thúc ở đại lục. Phán quyết này được cơ quan tư pháp Trung Quốc hết sức ca ngợi, như cách bảo vệ “quyền hợp pháp” cho khả năng sáng tạo của các công ty trong nước.
Trọng tâm cuộc chiến pháp lý của cả Xiaomi và Huawei trong việc chống lại các chủ sở hữu bằng sáng chế ở nước ngoài nằm ở câu hỏi ai có thể đặt ra mức phí bản quyền cho những bằng sáng chế được gọi là tiêu chuẩn thiết yếu. Đây vốn là những bằng sáng chế bảo vệ cho các phát minh được áp dụng trong toàn bộ ngành công nghệ rộng lớn, chẳng hạn như 5G. Ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, chủ sở hữu cấp phép các bằng sáng chế này được yêu cầu tính phí trên cơ sở được gọi là FRAND, viết tắt của “Fair, Reasonable And Non-Discrimintory”, nghĩa là "công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử".
Tuy nhiên, vì tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc, các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc từ lâu đã có thể đưa ra mức giá thấp hơn. Ví dụ, Huawei trong nhiều năm đã được giảm giá đặc biệt từ InterDigital và Conversant. Áp lực ngày càng gia tăng đối với các công ty Trung Quốc trong việc thay đổi cách làm này. Tháng 8/2020, Tòa án Tối cao Vương quốc Anh đã đưa ra phán quyết lịch sử đối với ba vụ việc liên quan đến Huawei và ZTE, một công ty viễn thông lớn khác của Trung Quốc.
Phán quyết có hiệu lực buộc các công ty Trung Quốc phải chấp nhận mức giá cao hơn nếu họ muốn tiếp tục sử dụng hai bằng sáng chế do Conversant và công ty công nghệ Unwired Planet của Mỹ nắm giữ trong các sản phẩm bán ở Anh. Song, phán quyết này cũng tạo cảm giác cấp bách cho cơ quan tư pháp Trung Quốc để bảo vệ Xiaomi trong cuộc chiến chống lại InterDigital.
“Các tòa án ở Trung Quốc đang nói, nếu bạn định đặt giá và tỷ lệ, thì chúng tôi cũng làm vậy, bởi vì tất cả hoạt động sản xuất đều diễn ra ở Trung Quốc và chúng tôi là nơi có thị trường. Mặt khác, một phần của cách làm này cũng phản ánh sự mệt mỏi, thất vọng, phản kháng từ phía Trung Quốc về việc các công ty nước ngoài dùng tòa án nước ngoài để ra lệnh công ty địa phương, đặt giá cao một cách bất công cho tiền bản quyền”, Doug Clark, trưởng bộ phận giải quyết tranh chấp toàn cầu tại công ty tư vấn sở hữu trí tuệ Rouse & Co, nói.
Quay lại lệnh của toàn án Vũ Hán, lệnh này đã khiến người ta phải kinh ngạc vì phạm vi của nó. Angela Zhang, Phó giáo sư luật tại Đại học Hồng Kông, nhận xét lệnh của tòa án Vũ Hán là rất bất thường và gây tranh cãi. Trong khi đó, ông Doug Clark nói rằng vụ việc cuối cùng có thể leo thang thành một tranh chấp quốc tế giữa Trung Quốc và Mỹ. “Giải pháp duy nhất thực sự sẽ là khiếu nại theo các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hoặc một hiệp ước đầu tư của quốc gia này chống lại quốc gia kia”.
Eeva Hakoranta, Giám đốc bộ phận cấp phép của InterDigital, cho biết công ty sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình. Bà Hakoranta tiết lộ Xiaomi đã từ chối trả đủ tiền bản quyền cho InterDigital trong nhiều năm. Công ty Mỹ sẽ sẵn sàng tham gia quy trình của WTO nếu không có giải pháp khả thi nào.
“Trung Quốc không chơi theo luật của một sân chơi bình đẳng. Họ đang tạo ra luật của riêng mình, và họ đang sử dụng hệ thống tòa án của mình để áp bức người khác. Rất buồn khi thấy điều này xảy ra”, bà Eeva Hakoranta nói./.
Từ khóa: Xiaomi, Trung Quốc, Huawei, InterDigital, kiện tụng, bằng sáng chế
Thể loại: Khoa học - Công nghệ
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN