Trung Quốc kêu gọi nhân tài công nghệ về quê phát triển nông thôn

Cập nhật: 25/02/2021

Trung Quốc đang tìm cách khai thác tiềm năng kinh tế của vùng nông thôn bằng các đổi mới trong công nghệ kỹ thuật số.

Trong tài liệu chính sách mới nhất công bố hôm 23/2, Bắc Kinh đặt ra một kế hoạch lớn để khuyến khích các tài năng công nghệ của đất nước chuyển về vùng nông thôn, giúp chuyển đổi thị trường phát triển rộng lớn này bằng công nghệ số, bao gồm 5G, Internet vạn vật (IoT) và thương mại điện tử, theo South China Morning Post.

Mặc dù có vẻ giống với sáng kiến của Trung Quốc trong những năm 1960 và 1970 khi yêu cầu khoảng 16 triệu thanh niên thành thị phải về nông thôn làm việc và cải tạo, bản kế hoạch mới lần này thiết kế một loạt nguyên tắc chính sách rộng mở hơn để thu hút nhân tài công nghệ tham gia vào quá trình “phục hồi nông thôn” đầy tham vọng của đất nước.

Kế hoạch trên là giải pháp của Trung Quốc trước những thách thức trong ngoài mà nước này đang phải đối mặt. Sau nhiều thập niên chảy máu chất xám và đầu tư giảm sút, nông thôn đã trở thành điểm yếu trong phát triển kinh tế của Trung Quốc. Mặc dù đây là nơi sinh sống của 44% dân số cả nước, nhưng thu nhập bình quân đầu người của nông thôn trong năm ngoái chỉ bằng 39% của khu vực thành thị. Bắc Kinh hiện muốn sử dụng quyền lực nhà nước để chuyển hướng lao động lành nghề, đặc biệt là nhân lực trong lĩnh vực công nghệ, để thúc đẩy và khai thác tiềm năng nông thôn.

Tài liệu chính sách mới đề nghị chính quyền địa phương nên trau dồi, bồi dưỡng thêm nhân tài nông thôn trong lĩnh vực thương mại điện tử, cải thiện các biện pháp khuyến khích và đưa ra "kế hoạch thu hút nhân tài" để có nhiều nhân tài công nghệ hơn đến các vùng nông thôn. Nó cũng kêu gọi sự phát triển nhanh chóng của tài năng công nghệ trong nông nghiệp bằng cách thiết lập các bằng cấp học thuật phù hợp trong các trường đại học và các cơ sở đào tạo bậc cao khác.

Mặc dù nông nghiệp đã là một chủ đề trong Tài liệu số 1 của Trung Quốc từ năm 2003, nhưng các nguồn lực của nước này vẫn tiếp tục tập trung ở các khu vực đô thị, đặc biệt là các thành phố lớn. Tuy nhiên, lời kêu gọi mới nhất về việc ươm mầm tài năng công nghệ nông thôn đã trở nên có ý nghĩa hơn khi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn hoạt động thương mại lương thực toàn cầu, khiến Trung Quốc phải tìm cách tự lực sản xuất lương thực.

Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu lao động công nghệ sẽ chuyển về nông thôn, nhưng một bộ phận đáng kể trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc thời gian qua đã tự nhận thấy vai trò của mình trong việc giúp vùng nông thôn đối phó với tình trạng dân số già và di cư lao động. Theo Justin Gong, người đồng sáng lập XAG, một nhà sản xuất máy bay không người lái nông nghiệp, công nghệ chính là câu trả lời cho các vấn đề nông thôn của Trung Quốc. Ông Gong nói các sản phẩm công nghệ như máy bay không người lái có thể giúp gieo hạt, trồng trọt và đảm bảo đầu ra lương thực ổn định cho dân số đô thị ngày càng tăng.

Các ông lớn công nghệ Trung Quốc cũng đang có động thái chuyển hướng mạnh mẽ sang lĩnh vực nông nghiệp, cố gắng đưa công nghệ về nông thôn. Alibaba Group Holding đã quảng bá “làng Taobao” kể từ năm 2009 để giúp người dân nông thôn bán trực tuyến sản phẩm của họ. Pinduoduo, một nền tảng mua sắm trực tuyến đang phát triển nhanh chóng, cung cấp các chương trình đào tạo kéo dài một tuần về tài chính, hoạt động kinh doanh và tiếp thị trực tuyến cho các thương gia nông thôn. Trong khi đó, JD.com, hãng thương mại điện tử lớn, đã tạo ra các trung tâm dịch vụ nông thôn sử dụng máy bay không người lái và các công nghệ khác để mở rộng khả năng hậu cần của công ty. Huawei Technologies gần đây cũng đang khởi động một dự án nuôi heo theo công nghệ trí tuệ nhân tạo như một trong những hướng đi mới vào các lĩnh vực tăng trưởng khác bên ngoài điện thoại thông minh.

Hiện, Trung Quốc có khoảng 13 triệu thương nhân thương mại điện tử có trụ sở tại khu vực nông thôn và nước này dự kiến sẽ cần nhiều hơn nữa trong những năm tới./.

Từ khóa: Trung Quốc, Covid-19, nhân tài công nghệ, nông thôn, máy bay không người lái

Thể loại: Khoa học - Công nghệ

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập