Trung Quốc do dự trước thềm đàm phán thương mại quan trọng với Mỹ
Cập nhật: 07/10/2019
VOV.VN - Trong những cuộc họp gần đây với Mỹ, phía Trung Quốc đã thể hiện quan điểm giảm đáng kể số lượng những lĩnh vực thương mại mà họ sẵn sàng đàm phán.
Trung Quốc được cho là đang trở nên do dự hơn trong việc theo đuổi một thỏa thuận thương mại rộng lớn với Mỹ giữa lúc hai bên đang chuẩn bị bước vào vòng đàm phán quan trọng vào ngày 10/10 tới, vốn được kỳ vọng về một giải pháp hóa giải bất đồng thương mại bấy lâu nay giữa hai siêu cường kinh tế này.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ảnh: Youtube. |
Trong những cuộc họp gần đây giữa hai nước, phía Trung Quốc đã thể hiện rõ quan điểm rằng số lượng những lĩnh vực mà họ sẵn sàng đàm phán đã giảm đáng kể.
Theo tờ Bloomberg, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người sẽ dẫn đầu các cuộc đàm phán khởi động từ thứ 5 tuần này, đã nói với thành viên đoàn đàm phán rằng ông sẽ đến Washington với đề nghị đàm phán không bao gồm những cam kết cải tổ chính sách công nghiệp của Trung Quốc hay thay đổi chính sách trợ cấp vốn bao lâu nay hứng chịu nhiều chỉ trích từ phía Mỹ. Như vậy, một trong những yêu cầu quan trọng nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không được đáp ứng.
Trong những cuộc họp gần đây giữa hai nước, Trung Quốc đã đưa ra những chủ đề mà họ sẵn sàng thảo luận, tuy nhiên những chủ đề này đã có sự thu hẹp đáng kể so với trước đó. Theo một số nhà phân tích, việc Trung Quốc thu hẹp chủ đề thảo luận là một bằng chứng nữa cho thấy cả hai bên đều đang cứng rắn hơn trên bàn đàm phán. Mỹ và Trung Quốc có vẻ như ngày càng có lý do để đi đến thỏa thuận nhỏ nhằm tránh leo thang căng thẳng, hơn là một thỏa thuận toàn diện giải quyết triệt để những bất đồng thương mại bấy lâu nay.
Thái độ ngần ngại của Trung Quốc để đi tới một thỏa thuận thương mại toàn diện với Mỹ cho thấy có vẻ như Bắc Kinh đang ở “cửa trên” trong cuộc đàm phán với Washington giữa lúc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối diện với khủng hoảng mới. Giới quan sát nhận định, việc Trung Quốc bất ngờ thay đổi thái độ phải chăng là vì nước này muốn gây sức ép lên chính quyền Tổng thống Trump trong bối cảnh nhà lãnh đạo này đang phải đối mặt với cuộc điều tra luận tội. Dẫu vậy, không ít ý kiến cho rằng, sẽ là sai lầm của Trung Quốc khi suy tính rằng cuộc điều tra luận tội đang làm suy yếu vị thế của Tổng thống Trump hay ít nhất là khiến ông chủ Nhà Trắng mất tập trung, từ đó có thể đưa ra những quyết định nhượng bộ đáng kể trong tiến trình đàm phán thương mại với Trung Quốc.
Bởi lẽ, Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây vẫn liên tục khẳng định chỉ chấp nhận một thỏa thuận toàn diện với Trung Quốc và nếu thỏa thuận không có lợi 100% cho Mỹ thì ông sẽ không chấp nhận:
“Tôi muốn thực hiện một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc nhưng chỉ với điều kiện đó cũng phải là một thỏa thuận thương mại tuyệt vời cho đất nước chúng tôi.”
Nhiều ý kiến cho rằng bất đồng thương mại Mỹ-Trung kéo dài suốt hơn 1 năm qua đã đẩy hai nước này bước vào một cuộc thương chiến lâu dài và tốn kém. Nền kinh tế toàn cầu cũng bị sứt mẻ nghiêm trọng do các tác động tiêu cực từ cuộc so găng thương mại giữa hai nền kinh tế nhất nhì thế giới này. Vì vậy, việc hai bên sớm đi tới thỏa thuận thương mại, làm hòa với nhau càng sớm càng tốt, vì điều này không chỉ mang lại lợi ích cho cả Mỹ và Trung Quốc mà cả đối với nền kinh tế toàn cầu. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa cảnh báo, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gây sức ép lớn lên hoạt động đầu tư và niềm tin của các doanh nghiệp, khiến tăng trưởng kinh tế thế giới nguy cơ chạm đáy 1 thập kỷ./.
Từ khóa: Trung Quốc-Mỹ, cuộc chiến thương mại, đàm phán thương mại, Lưu Hạc
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN