Trung Quốc có thể đối mặt với các vụ kiện liên quan đến Biển Đông

Cập nhật: 18/07/2020

VOV.VN - Việc Mỹ vừa điều chỉnh chính sách về Biển Đông có thể khích lệ nhiều nước liên quan tiến hành biện pháp pháp lý đối với Trung Quốc.

Vừa rồi Mỹ đã điều chỉnh chính sách theo hướng cứng rắn hơn với Trung Quốc trên Biển Đông. Thông cáo của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 13/7 đã bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược này, coi đó là bất hợp pháp. Và sau khi có tuyên bố đó, một số nước trong khu vực đã tuyên bố rằng Bắc Kinh nên tuân thủ luật pháp quốc tế liên quan đến Biển Đông.

trung quoc co the doi mat voi cac vu kien lien quan den bien dong hinh 1
Khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam. Ảnh: AFP.

Căng thẳng ở khu vực giàu tài nguyên này gia tăng sau khi cả các nước Đông Nam Á và Mỹ đều nói rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng trái phép và củng cố thế đứng quân sự ở đây, còn Mỹ thì tăng cường sự hiện diện quân sự, đưa tàu bè và máy bay tới các vùng biển nhạy cảm này để trông chừng hoạt động của Trung Quốc.

Tình hình căng hơn hẳn vào ngày 13/7 sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ đăng Thông cáo của Ngoại trưởng Mike Pompeo chính thức phản đối “đường 9 đoạn” do Trung Quốc tự tiện vạch ra trên Biển Đông và bao trọn gần hết Biển Đông. Lập trường của Mỹ nhất quán với phán quyết năm 2016 của một tòa trọng tài quốc tế ở La Hay (Hà Lan).

Giới ngoại giao Mỹ muốn cứng rắn với Trung Quốc trên Biển Đông

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á David Stilwell vào hôm 14/7 nói rằng Mỹ nên trừng phạt các quan chức và công ty Trung Quốc đã theo đuổi các yêu sách “phi pháp” ở Biển Đông.

Elizabeth Economy, giám đốc phụ trách nghiên cứu châu Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Mỹ, cho hay tuyên bố của ông Pompeo gửi đi thông điệp Washington sẵn sàng tăng cường sự ủng hộ của mình cho phán quyết của tòa trọng tài quốc tế nói trên và có khả năng sẽ “khuyến khích các nước cùng tích cực ủng hộ phán quyết đó”.

Theo Chuẩn đô đốc hải quân Mỹ Michael McDevitt, với việc bác bỏ yêu sách hàng hải của Trung Quốc, Mỹ đang phục vụ “lợi ích của những nước muốn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 làm nền tảng cho việc xác định quyền hàng hải ở Biển Đông”.

McDevitt, hiện là chuyên gia ở trung tâm nghiên cứu chiến lược CNA, nói: “Điều mà Washington muốn là Trung Quốc hãy tuân thủ luật pháp quốc tế đã được thừa nhận, bao gồm UNCLOS”.

UNCLOS tạo cơ sở cho vụ kiện của Philippines trình lên Tòa trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) năm 2012. Hồ sơ kiện của Philippines thách thức tính pháp lý trong các yêu sách “9 đoạn” của Trung Quốc đối với các vùng biển. Tòa được PCA chỉ định đã ra phán quyết vào năm 2016 phủ định các yêu sách đó, theo hướng ủng hộ Philippines, nhưng Trung Quốc đã từ chối công nhận phán quyết đó.

Tạo chỗ dựa cho các nước Đông Nam Á đấu tranh với Trung Quốc

Viện sĩ Richard Heydarian ở Manila nói rằng tuyên bố 13/7 của Mỹ có nhiều hàm ý lớn, đặc biệt là đối với các đồng minh của Mỹ như Philippines vì nó đã làm rõ cam kết của Mỹ ở Biển Đông.

Ông Heydarian nói: “Trong trường hợp Trung Quốc thực hiện hành động đơn phương khiêu khích hoặc gây hấn chống lại tàu bè và binh sĩ Philippines trong khu vực thì chúng ta có thể lập luận theo kiểu pháp lý rằng Lầu Năm Góc phải can thiệp nhân danh Philippines”.

Học giả Heydarian dự báo ít nhất một nước Đông Nam Á có thể đâm đơn kiện yêu sách của Trung Quốc trong thời gian tới.

Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề về Biển và Luật Biển tại Đại học Philippines, cũng cho rằng quan điểm cứng rắn hơn của Mỹ “mang lại thêm chỗ dựa cho một số quốc gia ASEAN trong đàm phán bởi họ biết rằng quan điểm của mình nhận được sự ủng hộ quốc tế rộng rãi hơn so với Trung Quốc”.

Batongbacal nói: “Tuyên bố rằng các yêu sách thái quá của Bắc Kinh cùng các hành động xác lập các yêu sách đó là bất hợp pháp tạo ra cơ sở biện minh cho hợp tác và điều phối chính sách giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á trước các hoạt động của Trung Quốc”.

Trong khi đó, Thomas Daniel, nhà phân tích cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Malaysia, nhận định rằng các nước thành viên ASEAN sẽ thận trọng trong cách ứng xử với Trung Quốc và trước tuyên bố của Mỹ. Vì theo ông, trên thực tế, Trung Quốc có ảnh hưởng lớn ở hầu hết các nước này và là một đối tác thương mại rất quan trọng của họ.

Trong quý 1 năm 2020, ASEAN đã thay thế EU và Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và đại dịch Covid-19.

Trước thực tế đó, Thomas Daniel cho rằng một số nước ASEAN cần giảm thiểu các tranh cãi nội bộ và tập trung vào những điểm chung khi đàm phán với Trung Quốc liên quan đến Biển Đông./.

Từ khóa: Phán quyết Biển Đông, lập trường của Mỹ, yêu sách hàng hải, đấu tranh với Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập