Trung Quốc bị tố theo dõi tình báo đối với hải quân Australia
Cập nhật: 19/08/2020
Apple lần đầu bán iPhone 15 Pro với giá thấp hơn
Lonely Planet picks out Hanoi of Vietnam among 10 dream trips in Asia
VOV.VN - Căng thẳng chính trị và tình báo giữa Trung Quốc và Australia giờ đã lan sang cả lĩnh vực an ninh của các dự án hải quân Australia.
Chính phủ Australia đang đứng trước áp lực phải ngăn chặn các hoạt động “tình báo” tại một phái đoàn ngoại giao của Trung Quốc ở Adelaide (Australia) sau khi có các cảnh báo về một mối đe dọa cực lớn đối với dự án của Australia trị giá 65 tỷ USD nâng cấp năng lực tác chiến hải quân của nước này.
Chiến hạmvà thủy thủ thuộc hải quân Australia. Ảnh: AFP. |
Phát hiện các âm mưu đánh cắp bí mật hải quân
Bộ Quốc phòng Australia đã nêu một số âm mưu của các nhóm phi vũ trang muốn đánh cắp bí mật quân sự liên quan đến các dự án hải quân.
Trước yêu cầu thông tin theo luật của Australia, Bộ này thông báo rằng “các đối thủ nói trên tích cực hoạt động để tiếp cận thông tin liên quan đến năng lực hàng hải hiện nay và tương lai của Australia nhằm thúc đẩy lợi ích riêng của họ và phá hoại năng lực của Australia”.
Dẫn các hoạt động của “các cơ quan tình báo nước ngoài”, Bộ Quốc phòng Australia khẳng định thông tin mật bị đánh cắp nói trên “có thể được dùng để làm tổn hại lợi ích của Australia một cách trực tiếp hoặc gián tiếp”.
Australia có kế hoạch đóng 54 tàu chiến trong 20 năm tới, trong khuôn khổ nâng cấp quốc phòng lớn nhất của nước này kể từ Thế chiến 2. Hầu hết hoạt động xây dựng diễn ra tại các cơ sở quanh xưởng tàu hải quân Osborne ở ngoại ô Adelaide.
Hồi tháng 2/2020, xưởng tàu trên đã bàn giao chiếc tàu cuối cùng trong số 3 tàu khu trục phòng không và xưởng cũng xúc tiến chế tạo 9 tàu hộ vệ, chiếc cuối cùng trong số này sẽ được bàn giao vào năm 2039.
Ngoài ra, 12 tàu ngầm sẽ được chế tạo ở đó từ năm 2022-2023, và khoảng một nửa trong số 21 tàu tuần tra đang được bổ sung cho hoạt động giám sát bờ biển.
Các hãng của Mỹ đang cung cấp các hệ thống vũ khí và thiết bị điện tử cho các tàu hộ vệ, với gói tác chiến trị giá 1,5 tỷ USD được Washington phê chuẩn hồi tháng 1.
Các cơ quan tình báo nước ngoài được cho là đang nhắm tới hàng loạt nhà thầu đóng xung quanh Osborne, bao gồm các chi nhánh địa phương của các hãng sản xuất nước ngoài như BAE Systems (Anh), Raytheon (Mỹ), Babcock (Anh), và Naval Group (Pháp).
Adelaide cũng có một căn cứ không quân theo dõi hoạt động hàng hải ở vùng biển nằm về phía Tây Nam Australia và bãi thử tuyệt mật Woomera nằm về phía bắc vùng này. Còn có các căn cứ khác nằm ở khu vực Tây Australia gần đó.
Hình ảnh minh họa về cuộc đối đầu tình báo giữa Trung Quốc và Australia. Ảnh: Facebook. |
Nghi ngờ đổ dồn về Trung Quốc, với mối đe dọa “chưa từng thấy”
Bộ Quốc phòng Australia không nêu danh tính cụ thể của bất cứ quốc gia nào đứng đằng sau hoạt động gián điệp này nhưng giới phân tích cho rằng thủ phạm chính là Trung Quốc – nước có mối quan hệ với Australia xấu đi đáng kể do một loạt vấn đề chính trị.
Tàu ngầm và tàu mặt nước của Trung Quốc sử dụng cho nhiệm vụ trinh sát điện tử được phát hiện đang gia tăng tần suất hoạt động ở vùng biển ngoài khơi Tây Bắc Australia.
Bắc Kinh mở lãnh sự quán thường trực ở Adelaide vào năm 2017 – quanh thời điểm này, Australia công bố quá trình hiện đại hóa hạm đội của mình. Và từ đó tới nay, lãnh sự quán này đã được mở rộng. Trung Quốc nói rằng khu vực lãnh sự quán của họ, với diện tích 5.600 m2 và ít nhất 4 tòa nhà, sẽ được dùng làm “văn phòng và nơi ở”.
Thượng nghị sĩ Australia Rex Patrick cho biết: “Tôi vẫn nhớ lãnh sự quán đó được dựng lên cùng năm với việc chính phủ liên hiệp công bố một chương trình lớn về đóng tàu hải quân”. Theo ông này, quy mô của lãnh sự quán thực sự là quá mức. Nghị sĩ Rex Patrick cho rằng “đây rõ ràng là một mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng và chính phủ phải làm bất cứ điều gì có thể để giảm thiểu và loại bỏ mối đe dọa đó”.
Các nghị sĩ Australia khác đã hối thúc chính phủ nước này yêu cầu giảm số lượng nhân viên tại cơ quan ngoại giao nói trên hoặc là đóng cửa hẳn cơ quan đó. Hồi tháng 7/2020, Mỹ đã ép Trung Quốc đóng cửa một lãnh sự quán ở Houston với các lý do tương tự.
Một tòa án của Mỹ đã kết án hai nhân viên Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc đã tấn công mạng vào các hệ thống máy tính chính quyền và thương mại, bao gồm các cơ sở của một công ty quốc phòng Australia không được nêu tên.
Australia rúng động vì cáo buộc “mạng tình báo Trung Quốc” xâm nhập
Trong khi đó, một số chính trị gia đối lập tin rằng chính quyền Australia đang sử dụng các tuyên bố về gián điệp để ngăn ngừa việc thanh tra hoạt động nâng cấp hải quân, vốn đã vấp phải nhiều cáo buộc về quản lý kém, với chi phí đội lên rất nhiều. Các nhà phân tích an ninh nghi ngờ về tính hiệu quả của các tàu ngầm và thời gian bàn giao các tàu đó. Các tàu này được đóng dựa trên bản thiết kế của Pháp vốn chỉ được dùng để chế tàu hạt nhân trong khi Australia chỉ dùng động cơ diesel.
Lãnh đạo Australia chưa bình luận về các hoạt động tại lãnh sự quán Adelaide của Trung Quốc, họ đang tránh bị Trung Quốc trả đũa về mặt ngoại giao. Nhưng có các thành viên trong liên minh cầm quyền hối thúc phải hành động đáp trả.
Thượng nghị sĩ Concetta Fierravanti-Wells nói: “Nếu cơ quan tình báo Australia ASIO và các cơ quan thực thi pháp luật phát hiện có sự vi phạm pháp luật ở đây thì các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Adelaide phải bị trục xuất”.
Mike Burgess, người đứng đầu Tổ chức Tình báo An ninh Australia (ASIO) – cơ quan phản gián của Australia, cảnh báo vào hồi tháng 2/2020 rằng mối đe dọa do tình báo nước ngoài tạo ra là “chưa từng có tiền lệ”.
Ông Burgess nói thêm: “Mối đe dọa đó giờ cao hơn cả thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh. Thực sự thì một số chiến thuật mà đối phương sử dụng để chống lại chúng ta rất tinh vi, cứ như là nhảy ra từ các trang tiểu thuyết về Chiến tranh Lạnh”.
Nhà lãnh đạo cơ quan phản gián Australia cho hay, Australia đã trở thành một mục tiêu cho gián điệp nước ngoài bởi vì “chúng ta đang sắp xếp và nâng cấp toàn diện lực lượng quốc phòng và cơ sở công nghiệp quốc phòng”./.
Từ khóa: Trung Quốc, hải quân Australia, theo dõi tình báo, Australia-Trung Quốc, đánh cắp bí mật quân sự
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN