Trung Đông dậy sóng với Thỏa thuận thế kỷ của Mỹ

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Cố vấn Tổng thống Mỹ tiết lộ, thỏa thuận thế kỷ sẽ không tuân theo các quy tắc của Sáng kiến Arab về hòa bình Trung Đông do khối Arab soạn ra năm 2002.

Với mục tiêu giải quyết hòa bình cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, chính quyền Mỹ đã kỳ công xây dựng Kế hoạch Hòa bình Trung Đông, hay còn được biết đến với tên gọi “Thỏa thuận thế kỷ” trong hơn 2 năm qua. Tuy nhiên, thông qua Hội nghị Kinh tế tại Bahrain trong hai ngày 25 và 26/6, Mỹ hôm qua (25/6) mới chính thức công bố phần nội dung về Kinh tế - 1 trong 2 nội dung quan trọng của bản thỏa thuận thế kỷ. Dư luận đã có những phản ứng đầu tiên về kế hoạch của Mỹ.

trung dong day song voi thoa thuan the ky cua my hinh 1
Con rể Jared Kushner của Tổng thống Mỹ. Ảnh: Reuters.

Phát biểu tại Hội nghị Kinh tế tại Bahrain, Cố vấn cấp cao, đồng thời là con rể của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Jared Kushner cho biết, ông muốn biến một khu vực – một “nạn nhân” của các cuộc xung đột trong quá khứ, thành mô hình thương mại và tiến bộ cho toàn thế giới. Và kế hoạch đầu tư số tiền lên tới 50 tỉ USD cho người Palestine tại các vùng lãnh thổ và ở nước ngoài, sẽ là một “tiền đề cần thiết”, để chấm dứt cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, vốn đã kéo dài hàng thập kỷ qua.

Ông Kushner nói: “Hội nghị sẽ không bao gồm các vấn đề chính trị. Những vấn đề đó sẽ được công bố vào 1 thời điểm thích hợp. Mục tiêu của hội nghị này là bắt đầu suy nghĩ giải quyết vấn đề theo 1 cách mới, theo 1 lăng kính khác để phát triển 1 kế hoạch cụ thể”.

Theo ông Kushner, kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế cho Palestine sẽ hướng tới 4 mục tiêu chính, bao gồm tăng hơn gấp đôi giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho Palestine, tạo ra hơn 1 triệu việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp và giảm đói nghèo cho người dân Palestine.

Thông qua hội nghị tại Bahrain, Mỹ hy vọng những quốc gia Arab sẽ thể hiện sự quan tâm đối với kế hoạch này, đồng thời mong muốn nhận được nguồn tài trợ từ các quốc gia và nhà đầu tư. Theo kế hoạch, các nước tài trợ và nhà đầu tư sẽ đóng góp khoảng 50 tỷ USD trong vòng 10 năm, trong đó, 28 tỷ USD sẽ rót về các vùng lãnh thổ của Palestine gồm Bờ Tây và Dải Gaza.

Đây mới chỉ phần nội dung kinh tế của Thỏa thuận thế kỷ do Mỹ soạn ra. Tuy nhiên, phần còn lại về chính trị trong kế hoạch này hiện vẫn là một ẩn số.Trả lời phóng vấn hãng tin Al Jazeera ngày 24/6, Cố vấn Tổng thống Mỹ tiết lộ, thỏa thuận thế kỷ sẽ không tuân theo các quy tắc của Sáng kiến Arab về hòa bình Trung Đông do các nước Arab soạn ra năm 2002.

Hiện các nước Arab tham gia hội nghị kinh tế tại Bahrain chưa nêu ra quan điểm của mình. Trong khi Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố, sẽ mở lòng cho những đề xuất từ phía Mỹ.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm qua (25/6) khẳng định: “Sẽ là bi kịch nếu giải pháp chính trị không thể thỏa mãn nhu cầu và nguyện vọng của cả người Palestine và Israel. Tôi xin nhắc lại, điều quan trọng của việc thúc đẩy nỗ lực theo đuổi hòa bình là hiện thực hóa giải pháp “hai nhà nước” – Palestine và Israel, sống bên cạnh nhau một cách hòa bình”.

Hôm qua (25/6), hàng nghìn người dân Palestine tại các vùng lãnh thổ Bờ Tây và Gaza, hay những người Palestine tị nạn ở Jordan, Lebanon, Syria đã đồng loạt xuống đường để phản đối kế hoạch hòa bình của Mỹ, cho rằng không có bất kỳ giải pháp kinh tế nào có thể thay thế cho sự “tự do” và những nguyện vọng chính đáng của người Palestine. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khẳng định: “Tiền rất quan trọng, nền kinh tế cũng rất quan trọng song giải pháp chính trị còn quan trọng hơn nhiều”.

Trong khi Thủ lĩnh phong trào Hamas Ismael Haniyeh - lực lượng vũ trang kiểm soát dải Gaza, cũng lên án mục đích đằng sau của thỏa thuận thế kỷ của Mỹ:“Thỏa thuận thế kỷ của Mỹ hướng tới các mục đích sau: thứ nhất, nó kết thúc sự nghiệp của người Palestine; thứ hai đây là tín hiệu đèn xanh để người người Israel mở rộng sự chiếm đóng và kiểm soát Bờ Tây; thứ ba nó chỉ mở ra cánh cửa bình thường hóa quan hệ giữa các nước Arập và lực lượng chiếm đóng”.

Ông Haniyeh khẳng định, người Palestine sẽ chống lại thỏa thuận thế kỷ của Mỹ đến cùng. Giấc mơ về một quốc gia Palestine độc lập là trên hết và các vùng lãnh thổ của Palestine sẽ không bị chia tách rời cho các quốc gia Arab khác./.

Từ khóa: Trung Đông, thỏa thuận thế kỷ, Mỹ, Arab, Cố vấn Tổng thống Mỹ Jared Kushner,

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập