Trung Đông chờ đợi sự trở lại của “bậc thầy đàm phán” Donald Trump
Cập nhật: 09/11/2024
Mẹ ném con 3 tháng tuổi xuống mương nước
Xung đột Nga-Ukraine có nguy cơ đẩy thế giới vào thế chiến III?
VOV.VN - Trong khi các đồng minh của Mỹ là Israel và Ai Cập đã ăn mừng sự trở lại của ông Donald Trump, Iran và các thành viên trong “trục kháng chiến” do Tehran đứng đầu lại có phản ứng toàn toàn trái ngược.
Nếu nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump tại Nhà Trắng là một dấu hiệu thì Tổng thống đắc cử của Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục ưu tiên vấn đề Trung Đông trong chương trình nghị sự của ông.
Dù vậy, Trung Đông đã thay đổi đáng kể kể từ khi ông Trump rời nhiệm sở vào năm 2021 và tất cả các bên liên quan trong khu vực đều đang theo dõi chặt chẽ cách vị tổng thống thứ 47 của Mỹ sẽ có chính sách như thế nào trong bối cảnh hiện nay.
Theo các nhà quan sát, ông Trump chắc chắn sẽ muốn tiếp tục chính sách Trung Đông vốn được đánh giá khác biệt của ông.
“Ông Trump thường tự coi mình là ‘bậc thầy đàm phán’. Ông ấy sẽ muốn tiếp tục làm nốt những gì ông đã bỏ dở”, Neil Quilliam, chuyên gia về Trung Đông và Bắc Phi tại tổ chức tư vấn Chatham House có trụ sở tại London, nói với DW.
Theo ông Quilliam, ông Trump có 3 kế hoạch chính trị lớn cho Trung Đông. Đầu tiên, ông sẽ tập trung vào việc chấm dứt các cuộc xung đột giữa Israel với Hamas ở Gaza và với Hezbollah ở Lebanon. Đạt được thỏa thuận với Iran là mục tiêu chính trị lớn thứ ba của ông.
Tuy nhiên, việc chấm dứt xung đột ở Gaza, thành lập chính quyền tương lai tại Dải Gaza và khả năng thành lập nhà nước Palestine rất có thể sẽ gắn liền với tầm nhìn thứ hai của Trump về Trung Đông.
“Ông Trump sẽ muốn thổi luồng sinh khí mới vào Hiệp ước Abraham và tăng số lượng các quốc gia đã bình thường hóa quan hệ với Israel”, chuyên gia Quilliam nhận định, đồng thời nói thêm rằng “Saudi Arabia là mục tiêu chính của ông nhưng Riyadh sẽ phản đối trừ khi ông Trump cam kết thực hiện dự án dài hạn là thành lập một nhà nước Palestine”, ông Quilliam nói.
Hiệp ước Abraham bao gồm loạt các thỏa thuận do Mỹ làm trung gian giữa các quốc gia Arab và Israel được khởi xướng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Vào năm 2020 và 2021, Israel đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Morocco, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Sudan.
Saudi Arabia cũng đang trên đường bình thường hóa quan hệ với Israel vào năm 2023. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán này đã bị đình trệ khi phong trào Hamas thực hiện cuộc tấn công vào miền Nam Israel ngày 7/10/2023, khởi đầu vòng xoáy xung đột ở Trung Đông hiện nay, trong đó có cuộc chiến ở Gaza và xung đột giữa Israel với lực lượng vũ trang Hezbollah ở Lebanon.
Burcu Ozcelik, một chuyên gia về phân tích rủi ro địa chính trị và an ninh ở Trung Đông của Viện RUSI có trụ sở tại London, cho biết trong khi ông Trump sẽ tìm cách thể hiện sức mạnh của Mỹ và chứng minh “lợi thế” đặc biệt của mình với tư cách là một “bậc thầy đàm phán”, nhưng ông ấy sẽ thấy điều đó trở nên khó khăn hơn ở thời điểm hiện tại. Trung Đông sau sự kiện 7/10/2023 đã rất khác với giai đoạn nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud và Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia đã chúc mừng chiến thắng của ông Trump, trong khi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cho biết: “UAE và Mỹ đoàn kết với nhau thông qua quan hệ đối tác lâu dài dựa trên tham vọng chung về sự tiến bộ”.
Tuy nhiên, Kristin Smith Diwan, một học giả cấp cao tại Viện Các quốc gia Arab vùng Vịnh (trụ sở ở Washington), cho rằng, cuộc chiến ở Gaza và hàng nghìn thường dân Palestine, Lebanon thiệt mạng trong các chiến dịch tấn công của Israel, mà hầu hết người dân vùng Vịnh cho là được chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden hỗ trợ, đã làm giảm thiện cảm về Mỹ ở UAE.
Nếu như năm 2016 nhiều người ở UAE ủng hộ chiến thắng của đảng Cộng hòa và ông Donald Trump, thì vào năm 2024, phản ứng của người dân ở vùng Vịnh lạnh nhạt hơn. Tuy nhiên, theo bà Diwan, có khả năng ông Trump có thể thay đổi cục diện khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025.
“Sự nổi tiếng của Trump với nhiều người Arab vùng Vịnh không chỉ bắt nguồn từ chính sách đối ngoại của ông mà còn từ tính cách của ông: luôn thể hiện sức mạnh và nói thẳng nói thật”, bà Diwan cho biết.
Ashraf El-Ashari, một nhà phân tích chính trị Trung Đông người Ai Cập, nói rằng ông hy vọng “sẽ chứng kiến mối quan hệ gần gũi hơn giữa ông Trump và các nước Arab như Ai Cập, Saudi Arabia, UAE và Jordan do sự hòa hợp chính trị giữa ông Trump và các nhà cầm quyền Arab”.
Không có gì ngạc nhiên khi sự trở lại của ông Trump nhận được sự thờ ơ của các đối thủ trong khu vực là Iran và “trục kháng chiến” do Tehran hậu thuẫn gồm Hamas ở Gaza, Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen và các nhóm Shiite ở Iraq.
Iran hạ thấp tầm quan trọng của cuộc bầu cử ở Mỹ, nói rằng “không có sự khác biệt đáng kể” cho dù ai trở thành tổng thống thứ 47 ở Mỹ. Người phát ngôn của chính phủ Iran, Fatemeh Mohajerani, nói rằng “chính sách chung của cả Mỹ và Iran đều sẽ không thay đổi”.
“Ông Trump có lập trường cứng rắn chống lại các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn và có thể sẽ đe dọa gây ra thương vong nặng nề cho các nhóm này nếu quân nhân hoặc lợi ích của Mỹ trong khu vực bị nhắm mục tiêu”, chuyên gia Ozcelik tại Viện RUSI cho biết.
Nhưng bà Ozcelik không cho rằng ông Trump sẽ có xu hướng kéo Mỹ vào một cuộc đối đầu trực tiếp với Iran, ngay cả khi căng thẳng giữa Israel và Iran đang nóng lên sau các đòn tấn công ăn miếng trả miếng trực tiếp vào lãnh thổ của nhau.
Theo chuyên gia Quilliam của Chatham House, đạt được thỏa thuận với Iran là mục tiêu chính trị lớn thứ ba của ông Trump.
“Để làm được điều đó, ông Trump sẽ tiếp tục gây sức ép tối đa khi biết rằng Iran hiện đang suy yếu và nỗi lo về một cuộc tấn công lớn của Israel vào giới lãnh đạo cũng như chương trình hạt nhân của nước này sẽ khiến họ chấp nhận thỏa thuận hơn”, ông Quilliam nhận định.
Bà Ozcelik cũng có chung quan điểm.
“Đảng Cộng hòa dễ chấp nhận lập trường cứng rắn hơn, bao gồm cả việc ủng hộ các cuộc tấn công quân sự của Israel vào các mục tiêu nhạy cảm của Iran, chẳng hạn như các cơ sở hạt nhân hoặc cơ sở hạ tầng năng lượng”, bà nói.
Tuy nhiên, bà cũng tin rằng ông Trump có thể cân nhắc đàm phán với Tehran để thúc đẩy việc giảm leo thang nếu ông muốn mình là người làm được điều mà chưa một tổng thống Mỹ nào từng làm được: đạt được hòa bình ở Trung Đông.
Một yếu tố quan trọng trong mối quan hệ giữa Iran và tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ là cách ông Trump phản ứng với các báo cáo tình báo gần đây của Mỹ cho rằng Tehran đã tìm cách ám sát ông. Iran bác bỏ, gọi những cáo buộc này là vô căn cứ.
“Ông Trump có thể cảm thấy việc đánh bại Iran tại bàn đàm phán là một mục tiêu hấp dẫn bởi đó sẽ là phép thử cuối cùng đối với vai trò ‘bậc thầy đàm phán’ của ông”, Ali Vaez, giám đốc Dự án Iran đồng thời là cố vấn cấp cao tại Nhóm khủng hoảng quốc tế, cho biết.
Ông Vaez cũng nhấn mạnh rằng, trong nhiệm kỳ đầu tiên, viễn cảnh đạt được thỏa thuận với Iran là một mục tiêu hấp dẫn đối với ông Trump.
“Iran chưa bao giờ thắng trong chiến tranh, nhưng chưa bao giờ thua trong đàm phán”, ông Trump từng viết như vậy trên Twitter vào năm 2020.
Từ khóa: Trump, bậc thầy đàm phán, Trung Đông, Iran, Arab vùng Vịnh, Israel, Tổng thống Trump, kết quả bầu cử Mỹ 2024
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả: hoàng phạm/vov.vn (biên dịch)
Nguồn tin: VOVVN