Trực tiếp:Quốc hội "nóng" vấn đề phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền

Cập nhật: 31/10/2019

VOV.VN -Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch giải trình trong phiên họp hôm nay.

Hôm nay 31/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Đây là ngày thứ 2 Quốc hội tập trung thảo luận về nội dung này. Phiên họp được tường thuật trực tiếp trên Kênh Thời sự (VOV1) của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Sáng nay có 66 đại biểu đăng ký phát biểu ý kiến. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch giải trình trong phiên thảo luận này.

Cần quan tâm tới thị trường trong nước

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá căng thẳng thương mại Mỹ - Trung mang lại những tác động cả thuận lợi và không thuận lợi tới Việt Nam. Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ khiến Việt Nam nhập siêu hàng hóa tăng cao, kéo theo nhiều vấn đề như gian lận thương mại. Tuy nhiên cũng mang lại thuận lợi là khi hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế cao. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng lưu ý cần quan tâm tới phát triển thương mại trong nước.

truc tiep: quoc hoi tiep tuc thao luan ve kinh te- xa hoi va ngan sach hinh 1
Đại biểu Trần Hoàng Ngân

“ Hiện nay nhiều nước đang bảo hộ mậu dịch, tạo ra nhiều rào cản thương mại, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa thị trường trong nước. Cần triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tiến tới người Việt thích dùng hàng Việt Nam. Tuy nhiên Chính phủ, doanh nghiệp cần chú ý đến chất lượng, mẫu mã, bên cạnh đó, bộ, ngành địa phương phải triển khai có hiệu quả các hiệp định FTA”

Đại biểu Nguyễn Thành Công, đoàn Ninh Bình cho rằng, thế giới đang bước vào cách mạng công nghiệp mới với những đột phá diễn ra trong nhiều lĩnh vực, tạo ra thế giới được số hóa, tự động hóa… Đối với nước ta, Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai các hoạt động để tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, song đang gặp nhiều bất lợi do là quốc gia đi sau và tiềm lực công nghệ, đầu tư tài chính cho đổi mới công nghệ còn nhiều hạn chế...

truc tiep: quoc hoi tiep tuc thao luan ve kinh te- xa hoi va ngan sach hinh 2
Đại biểu Nguyễn Thành Công, đoàn Ninh Bình

Đại biểu Nguyễn Thành Công đề nghị: "Nhà nước cần có những chính sách hợp lý để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy các thành tựu công nghệ, giúp Việt Nam tăng tốc và thu hẹp khoảng cách với các quốc gia. Hiện nay, các khung khổ pháp lý, văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư mạo hiểm, khởi nghiệp sáng tạo, quản lý tài sản kỹ thuật số….vẫn chưa được quan tâm ban hành đầy đủ, chính vì vậy mong Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm sớm có kế hoạch để hoàn thiện thể chế trong thời gian tới.

Bày tỏ lo ngại về giá trị xuất khẩu chủ yếu vẫn thuộc về khối đầu tư trực tiếp nước ngoài, đại biểu Phạm Phú Quốc, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cần có chiến lược phát triển sản xuất trong nước, đặc biệt là đối với các thành phần kinh tế tư nhân.

“Tiếp tục đẩy mạnh kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao chiếm tỷ trọng 42% GDP, 30% thu ngân sách, 85% lực lượng lao động xã hội. Hội nghị trung ương 5 khóa 12 đã thông qua nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Vấn đề cần thực hiện là thực chất cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các quy định chồng chéo giữa các luật, đầu tư và nuôi dưỡng môi trường khởi nghiệp. Tạo lập phát triển thị trường vốn, tăng cường các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp phát triển.”

truc tiep: quoc hoi tiep tuc thao luan ve kinh te- xa hoi va ngan sach hinh 3
Bộ trưởng Bộ KH và CN Chu Ngọc Anh

Thúc đẩy doanh nghiệp chuyển giao công nghệ

Giải trình thêm về một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến khoa học công nghệ, Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, các công trình nghiên cứu và các chương trình đầu tư về khoa học công nghệ hướng đến mục tiêu có nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ cao, nhiều doanh nghiệp đổi mới công nghệ với tăng năng suất sản phẩm công nghệ cao.

“Chúng tôi đã tham mưu cho tiểu ban kinh tế xã hội để xây dựng chiến lược kinh tế xã hội 10 năm và đưa vào cả chỉ tiêu chung và chỉ tiêu cụ thể đối với khoa học công nghệ để có tác động. Chúng tôi muốn báo cáo 2 khó khăn hạn chế lớn nhất mà chúng ta cần chung sức giải quyết. Thứ nhất doanh nghiệp nhu cầu tự thân cho đổi mới công nghệ và các hoạt động khác còn nhiều hạn chế và yếu. Chúng tôi đã chuẩn bị cụ thể là tháng 12 tới có hội nghị chuyển dịch chính sách toàn quốc để thực sự thúc đẩy doanh nghiệp chuyển giao công nghệ và đổi mới công nghệ hướng tới sáng tạo công nghệ do Thủ tướng chủ trì để làm sao rà soát tất cả những vướng mắc về thể chế để chúng ta tập trung vào đối tượng quan trọng này"- Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết.

truc tiep: quoc hoi tiep tuc thao luan ve kinh te- xa hoi va ngan sach hinh 4
Phiên thảo luận sáng 31/10 có 66 đại biểu đăng ký phát biểu

Cũng trong phiên thảo luận sáng 31/10, nội dung bảo vệ, xây dựng Tổ quốc được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm.

Có sách lược phù hợp để bảo vệ chủ quyền, độc lập

Các đại biểu bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, đồng thời khẳng định những gì thuộc về độc lập chủ quyền chúng ta không bao giờ nhân nhượng.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, đoàn Tiền Giang nêu rõ khát vọng lớn nhất của chúng ta hiện nay là giữ vững độc lập chủ quyền và thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Khát vọng đó đang đứng trước những thời cơ lớn xong cũng là quá trình liên tục lâu dài phải phấn đấu, phải vượt qua nhiều thách thức. Một trong những thách thức đó là bảo vệ chủ quyền biển đảo.

truc tiep: quoc hoi tiep tuc thao luan ve kinh te- xa hoi va ngan sach hinh 5
Đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa, đoàn Tiền Giang

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, chúng ta kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, nhưng trong từng tình huống cụ thể chúng ta phải có sách lược phù hợp, phải khẳng định tính đúng đắn, chính nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc, đất nước, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế.

“Chúng ta phải tiếp tục làm rõ và tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trong hệ thống chính trị và nhân dân để nhân dân ta hiểu vai trò tích cực, mặt tiến bộ, xu hướng thời đại của internet và mạng xã hội. Đồng thời phải nhận diện rõ mặt trái, những mặt tiêu cực mà chúng ta phải đấu tranh. Phải chủ động rà soát lại các giải pháp để chủ động ngăn ngừa đấu tranh kịp thời. Chúng tôi đề nghị phải tăng cường hơn nữa việc hợp tác quốc tế trên lĩnh vực bảo vệ tổ quốc, lĩnh vực kinh tế xã hội khi mà không gian mạng ngày càng phát triển” - Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị.

Cũng liên quan đến vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, đại biểu Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai mong muốn: “Dân tộc chúng ta có cả một chiều dài lịch sử, không chỉ là chiến tranh bảo vệ Tổ quốc mà có cả một thời kỳ rất dài của hòa hiếu quan hệ Việt – Trung. Chúng ta có đầy đủ kinh nghiệm của ông cha chúng ta để giữ được tư thế của mình trong quan hệ ấy, để bảo đảm môi trường hòa bình phát triển của dân tộc. Những năm tháng chiến tranh cực kỳ ngắn so với gần một thiên niên kỷ chúng ta tự chủ. Tôi mong rằng, những bài học lịch sử ấy sẽ thấm đậm trong thực tiễn hoạt động của thế hệ chúng ta. ”

truc tiep: quoc hoi tiep tuc thao luan ve kinh te- xa hoi va ngan sach hinh 6
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP.HCM

Nêu rõ đối với các tỉnh vùng phên dậu Tổ quốc cần dành ưu tiên lớn nhất đến vấn đề bảo vệ chủ quyền, bảo vệ rừng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn thành phố Hồ Chí Minh đề nghị: “Tôi cho rằng GDP không nên là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá năng lực lãnh đạo và thành tích của các địa phương. Ví dụ như ở những vùng chúng ta cần bảo vệ môi trường, những vùng phên dậu của đất nước, thì chúng ta đánh giá người lãnh đạo ở đó khác, không thể chạy theo GDP, nó sẽ dẫn đến chuyện chạy theo con số được đo bằng tiền. Và tăng trưởng bằng cách đổ vốn ra làm công trình này kia mà không quan tâm đến những nhiệm vụ chính của vùng miền đó.”/.

Từ khóa: quốc hội, tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước

Thể loại: Nội chính

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập