Trực tiếp: Quốc hội thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách

Cập nhật: 27/10/2022

VOV.VN - Trong 2 ngày 27, 28/10, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội tập trung phân tích những kết quả đạt được, các mặt hạn chế cũng như kiến nghị các giải pháp trong thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách.

Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Các đại biểu làm rõ Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý).

Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu

Báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc kiểm soát được dịch COVID-19 là nền tảng quan trọng để mở cửa nền kinh tế, đưa đời sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, nhiệm vụ phát triển KTXH ngày càng nặng nề hơn.

Cả năm dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao. Cụ thể, vượt 6 chỉ tiêu đề ra, nhất là về tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%) tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021-2025.

"Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát an toàn. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Cụ thể như hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, nguyên liệu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất cao.

Xuất hiện tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành, lĩnh vực tại một số địa phương là trung tâm công nghiệp trọng điểm, áp lực lớn lạm phát từ bên ngoài; nghỉ việc trong khu vực công có xu hướng gia tăng. Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro.

Dự báo tình hình năm 2023, Chính phủ tin tưởng nền kinh tế tiếp tục phục hồi, các hoạt động KTXH chuyển từ trạng thái thích ứng, phục hồi sang phát triển nhanh và ổn định hơn. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là áp lực lạm phát gia tăng, nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, thiên tai, biến đổi khí hậu bất thường.

Đánh giá kỹ hơn về chứng khoán, trái phiếu, xăng dầu

Trình bày thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh những kết quả trên là đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhiều thách thức lớn hơn so với dự báo.

Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề. Trong đó có tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm, ước giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/9/2022 chỉ đạt 46,7%, riêng vốn ODA chỉ đạt khoảng 15%. Có tới 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình (46,70%), trong đó có 14 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.

“Có ý kiến cho rằng việc tăng giá xăng dầu trong năm qua có nguyên nhân quan trọng từ thiếu hụt nguồn cung trong nước” – ông Vũ Hồng Thanh lưu ý và đề nghị đánh giá kỹ hơn về thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng có nhiều biến động và tiềm ẩn rủi ro.

Bên cạnh đó là tình trạng chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực khác; nhiều công chức, viên chức trong ngành y tế, giáo dục thôi việc hoặc bỏ việc gây lo ngại trong dư luận xã hội ngay sau thời gian dài chống dịch COVID-19.

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện công ở nhiều địa phương, ảnh hưởng lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ theo dõi chặt diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát trong nước, nhất là giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất. Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát.

Thu ngân sách tăng, trình Quốc hội nâng lương cơ sở

Chính phủ cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước bằng 94% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 88,9% dự toán, thu dầu thô đạt 113% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,8% dự toán. Đánh giá cả năm thu ngân sách ước tăng 14,3% so với dự toán.

Về chi ngân sách, ước thực hiện hết tháng 9 đạt 60,9% dự toán, trong đó chi đầu tư, phát triển đạt 48,1% dự toán. Đánh giá cả năm, chi ngân sách nhà nước bằng 114,1% dự toán, trong đó giải quyết vốn đầu tư công ước đạt 96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Chi trả nợ lãi đạt 96,1%, chi thường xuyên đạt 100,7% dự toán.

Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh tổng số thu cân đối NSNN vượt dự toán khá cao, tăng 14,3% so với dự toán, tăng 2,9% so với ước thực hiện năm 2021. Trong đó, cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đều vượt dự toán.

Chi NSNN năm 2022 đã bảo đảm các nhiệm vụ chỉ quản lý nhà nước, quốc phòng - an ninh, đối ngoại và thanh toán đầy đủ các chế độ, chính sách an sinh xã hội và các nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết.

Về dự toán NSNN năm 2023, Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý, bối cảnh năm 2023 dự kiến thế giới tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều các yếu tố rủi ro, bất định, khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng.

Cơ quan này cũng nhất trí với mức tăng lương cơ sở (lên 1,8 triệu đồng/tháng) và tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án Chính phủ trình./.

Từ khóa: Quốc hội thảo luận kinh tế xã hội, chỉ tiêu kinh tế xã hội 2022, nguy cơ lạm phát, tăng lương cơ sở, giá xăng dầu

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập