Trực tiếp: Nhân lực là yếu tố nền tảng cho sự phát triển của một quốc gia
Cập nhật: 05/11/2020
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
UAV cáp quang Nga bay thẳng vào lòng thiết giáp Ukraine từ phía sau
VOV.VN - Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, đoàn Hà Tĩnh cho rằng, nhân lực là yếu tố nền tảng cho sự phát triển của một quốc gia. Để đạt được mục tiêu đề ra cần thiết phải quan tâm đến vấn đề quy hoạch nguồn nhân lực.
Hôm nay (5/11), Quốc hội tiếp tục ngày làm việc toàn thể thứ 3, với 29 đại biểu đã đăng ký tham gia thảo luận, trong đó tập trung vào dự thảo Nghị quyết về kinh tế - xã hội, điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 và các nội dung quan trọng khác.
Tại phiên họp, các đại biểu khẳng định, 10 tháng qua, chúng ta đã vượt qua rất nhiều khó khăn khi phải đối mặt với dịch bệnh Covid 19 và thiên tai, nhất là vừa qua bão, lũ liên tiếp thiệt hại nặng nề ở khu vực miền Trung, miền núi,. Trong hoàn cảnh đó toàn Đảng, toàn dân toàn quân đã chung sức đồng lòng và nhất là cách điều hành hiệu quả của Chính phủ và chính quyền các cấp đã đảm bảo ổn định về kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng.
Để đánh giá chính xác thành tựu kinh tế - xã hội trong 5 năm, qua nhiều đại biểu cho rằng, cần chia rõ 2 giai đoạn là trước dịch Covid 19 và trong giai đoạn Covid 19. Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn thành phố Hà Nội đề nghị, trong chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cần tập trung đầu tư đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, phát triển các Tập đoàn lớn làm trụ cột chuỗi giá trị, tăng đầu tư phát triển.
"Cần ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Chỉ có đổi mới sáng tạo mới có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị cao để tăng năng suất lao động. Phải tập trung nguồn lực đầu tư hỗ trợ để phát triển những tập đoàn kinh tế mạnh làm trụ cột cho các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế. Tôi rất đồng tình với ý tưởng của Hà Nội đề xuất xây dựng tuyến metro số 5 Văn Cao- Hòa Lạc với mục tiêu vừa thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc, đồng thời đây chính là cơ sở để thúc đẩy ngành công nghiệp đường sắt. Cũng cần lưu ý rằng, các tập đoàn kinh tế tư nhân, nếu được hỗ trợ của Chính phủ thì có thể thực hiện được những mục tiêu này nhanh hơn hiệu quả hơn nhiều so với các tập đoàn doanh nghiệp Nhà nước"- ông Cường nêu ý kiến.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, đoàn Hà Tĩnh cho rằng, báo cáo của Chính phủ đề ra định hướng thời gian tới cần hình thành hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo theo chuẩn mực quốc tế để triển khai và áp dụng công nghệ 4.0, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, nền kinh tế số… Điều đó có nghĩa là toàn bộ nền kinh tế đang rất cần một lượng lớn những người được đào tạo trong nhiều lĩnh vực có chất lượng, tuy nhiên, chính sách, kế hoạch cân đối chuẩn bị nguồn nhân lực không được thực hiện ở các cấp mà chủ yếu phụ thuộc ở nhân lực tốt nghiệp ở các ngành nộp đơn thi xét tuyển, đến khi không đủ số lượng và chất lượng theo yêu cầu thì các báo cáo lại tiếp tục đánh giá tồn tại là do nguồn nhân lực chưa đủ và chưa đáp ứng yêu cầu công việc.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, đoàn Hà Tĩnh nêu ý kiến: "Nhân lực là yếu tố nền tảng cho sự phát triển của một quốc gia. Trong công tác quy hoạch, cơ cấu lại vùng kinh tế giai đoạn 2021-2016 để đạt được mục tiêu đề ra cần thiết phải quan tâm đến vấn đề quy hoạch nguồn nhân lực. Theo đó có chính sách, lộ trình đào tạo, bố trí sắp xếp, thu hút nguồn nhân lực trong các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp một cách có hiệu quả và đúng hướng. Đồng thời cần có sự tính toán dự báo nhu cầu nguồn nhân lực đến các ngành, lĩnh vực để quá độ người học đăng ký vào các ngành, thị trường cần đáp ứng nhu cầu xã hội nhằm đạt được các mục tiêu đề ra".
Một số đại biểu cũng nhận định, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu và là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội. Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đoàn Lạng Sơn cần sửa đổi Luật Khoa học công nghệ phù hợp với thực tiễn, đổi mới. Đồng thời, phân bố ngân sách khoa học công nghệ cho các địa phương ít nhất gấp 2 lần hiện nay.
"Cơ chế thủ tục quản lý trong khoa học công nghệ nói chung còn phức tạp. Nhất là về cơ chế tài chính và có nhiều điểm quy định chưa phù hợp, chưa tạo động lực, thậm chí gây nản lòng những nhà khoa học chân chính. Nguồn lực khoa học rất hạn chế, chương trình nông thôn miền núi của Bộ Khoa học công nghệ trung bình chỉ có 300 tỷ đồng 1 năm và nhiều ngân sách nhiều tỉnh chỉ bố trí được 10 tỷ đồng 1 năm là con số quá ít ỏi trong khi luật định quy định là 2%"- Đại biểu Thành nêu thực tế.
Từ thực tiễn vùng miền núi phía Bắc, đại biểu Vương Ngọc Hà, đoàn Hà Giang nêu ý kiến, vẫn còn chênh lệch lớn giữa miền núi và đồng bằng, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Vì vậy cần sớm triển khai xây dựng quy hoạch vùng gắn với quy hoạch các tỉnh, xác định những lợi thế và khó khăn của vùng để quy hoạch hợp lý các ngành kinh tế ở các lĩnh vực địa bàn trọng điểm. Quan trọng nhất là xây dựng một hệ thống các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô để định hướng thống nhất trong phát triển kinh tế xã hội toàn vùng làm cơ sở cho công tác hoạch định chính sách đầu tư trọng tâm, trọng điểm.
"Đề nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, đây là nhiệm vụ trọng tâm đột phá nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội một cách toàn diện. Chính phủ ban hành chính chính sách đặc thù và đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư tập trung vào các ngành, lĩnh vực mà vùng có thế mạnh như: lâm nghiệp, nông nghiệp với những sản phẩm đặc trưng và liên kết theo chuỗi chế biến sâu, tạo thành những vùng hàng hóa tập trung khu vực sản xuất giống vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến, nhất là liên kết trong sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo không bị giới hạn bởi rào cản địa giới hành chính từng tỉnh, hình thành không gian kinh tế vùng"- đại biểu đoàn Hà Giang kiến nghị./.
Trong ngày làm việc 4/11, nghị trường tiếp tục nóng lên với chủ đề sách giáo khoa (SGK), theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giải trình, làm rõ một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Phó Thủ tướng ghi nhận những ý kiến tâm thuyết, trách nhiệm với mong muốn góp ý cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho ngành giáo dục để có bộ SGK tốt, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Trước nhiều ý kiến bức xúc của dư luận và đóng góp của các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng nói riêng và Bộ GD-ĐT nói chung phải hết sức chú ý, bởi những sai sót đấy có thể tránh được thì rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc, để quy trình biên soạn SGK lớp 2, lớp 6 năm nay và các năm tiếp theo không xảy ra tình trạng này.
"Bộ GD-ĐT phải tận dụng công nghệ thông tin, đưa bản thảo các bộ SGK lên sớm trước khi phê duyệt, thậm chí trong quá trình thẩm định để mọi người dân góp ý, qua đó tiếp thu, chắt lọc những ý kiến đúng. Những ý kiến chưa đúng có thể giải thích lại để toàn xã hội đồng thuận", Phó Thủ tướng nói.
Tham gia giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói về các dự án thủy điện nhỏ và vừa. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, thủy điện có tính 2 mặt và có tác động đến rừng: "Thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo rất quan trọng, độ ô nhiễm ít. Chính vì vậy, quản lý và khai thác được nguồn năng lượng tái tạo này như thế nào để đảm bảo giảm thiểu những tác động môi trường và phát huy tối đa hiệu quả là việc rất quan trọng".
Tranh luận vấn đề liên quan đến vận hành đập hồ thủy điện trong phòng, chống lụt bão để giảm thiểu tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân địa phương, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) đồng tình với Bộ trưởng Bộ Công Thương việc thủy điện đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển, và tính 2 mặt của thuỷ điện.
"Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng ta lấy thước đo nào để khẳng định mặt tốt là ưu việt và mặt xấu chỉ là tạm thời. Tôi không chống lại vấn đề làm thủy điện nhưng làm thế nào để đất nước không đau đớn, không thấy xót xa?", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói./.
Từ khóa: Quốc hội Khoá XIV, Ngân sách nhà nước, Quốc hội thảo luận kinh tế xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN