Trực tiếp: Không cải tiến khâu chế biến, sẽ còn “được mùa mất giá“

Cập nhật: 06/11/2019

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp sẽ trả lời về xây dựng nông thôn mới, sản xuất gắn với thị trường, ứng dụng khoa học vào nông nghiệp...

Sáng nay 6/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Phiên chất vấn được phát thanh và truyền hình trực tiếp.

bo truong nong nghiep nguyen xuan cuong dang dan sang nay  hinh 1
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu tập trung nêu câu hỏi ngắn gọn, đúng trọng tâm; các Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời thẳng thắn, đặc biệt thể hiện trách nhiệm và có giải pháp cụ thể. Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn phiên chất vấn diễn ra dân chủ, sôi nổi, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân. Đặc biệt, trong 3 ngày chất vấn sẽ có sự tham dự của 86 học viên lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khoá XIII.

Trong sáng nay, có 66 câu hỏi chất vấn gửi đến Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

bo truong nong nghiep nguyen xuan cuong dang dan sang nay  hinh 2
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang, đoàn Quảng Ngãi

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Thu Trang, đoàn Quảng Ngãi về giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh vai trò hạt nhân trong liên kết sản xuất lớn; trong 3 năm qua, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp đã tăng 3 lần, từ hơn 3000 lên hơn 11.000 doanh nghiệp, trải đều khắp các vùng miền và các lĩnh vực, từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nông sản; trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào lĩnh vực này để nâng giá trị sản xuất nông nghiệp,... Tuy nhiên con số này vẫn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu, Bộ sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.

bo truong nong nghiep nguyen xuan cuong dang dan sang nay  hinh 3
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình đặt vấn đề: Thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới có tính đến những khó khăn cho biến đổi khí hậu hay không? Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: 10 năm qua chúng ta đã đạt được những kết quả lịch sử, tuy nhiên so với yêu cầu, nguyện vọng của thực tế, chúng ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là vấn đề về môi trường (sản xuất tự nhiên) trong khi mục tiêu đặt ra là hình thành sản xuất lớn, sản xuất liên kết, tái cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ... Tới đây, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để khắc phục các vấn đề này.

bo truong nong nghiep nguyen xuan cuong dang dan sang nay  hinh 4
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đăng đàn trả lời chất vấn

Đại biểu Ngô Thanh Danh, đoàn Đắk Nông đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cho tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa", thậm chí mất giá mất mùa như hạt tiêu, cà phê...

Bộ trưởng cho biết, những năm gần đây Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Về tổng thể kinh tế nông nghiệp đang đi theo chiều hướng tích cực. Tổng diện tích đất canh tác cả nước chỉ có 10 triệu ha, Việt Nam đã tạo ra được mức sản xuất lương thực 45 triệu tấn, 5,5 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn cá, một số loại cây công nghiệp đứng đầu thế giới về sản lượng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng bất cập lớn nhất của chúng ta là khâu chế biến và tổ chức thương mại, nếu không cải thiện được thì không thể khắc phục được tình trạng được mùa mất giá. Bộ trưởng nêu ví dụ, ở Tây Nguyên có 5 triệu ha đất, có 5 cây công nghiệp chủ lực, nhưng giai đoạn trước kia phát triển quá nóng. Riêng Việt Nam, sản lượng hồ tiêu đã là 350.000 tấn, chiếm đến 60% sản lượng của thế giới, như vậy là quá thừa.

bo truong nong nghiep nguyen xuan cuong dang dan sang nay  hinh 5
Đại biểu Ngô Thanh Danh, đoàn Đắk Nông

Do vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục tập trung các giải pháp để tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết; tổng rà soát lại, phát huy các ngành lợi thế của địa phương; đặc biệt việc tổ chức liên kết sản xuất phải tuân thủ theo quy luật thị trường; tập trung vào khâu chế biến, nhất là chế biến sâu và tổ chức thương mại; giảm diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả hoặc mất cân đối dẫn đến thừa nguồn cung, chuyển sang các loại cây trồng khác đem lại hiệu quả cao hơn...

Dự kiến, trong cả sáng nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường sẽ làm rõ những vấn đề liên quan đến chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; công tác mở cửa, phát triển thị trường nông sản, thủy sản. Công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, xử lý tồn tại, vướng mắc trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.

Cùng làm rõ những vấn đề nêu trên là các Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Trước đó, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhànước năm 2019 cũng như kế hoạch 2020 ngày 30/10, ông Lưu Thành Công - Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Vĩnh Long nêu 3 khó khăn trong phát triển nông nghiệp.

Khó khăn thứ nhất là sự ngăn cách thông tin giữa nông dân và thị trường. Theo đại biểu đoàn Vĩnh Long, người nông dân chỉ nhận được thông tin qua các kênh không chính thống, qua đại lý thu mua, thương lái... Khi giá cả thị trường chưa tới được với nông dân thì bi kịch giải cứu nông sản chưa thể chấm dứt.

Khó khăn thứ hai đối với sản xuất nông nghiệp là tích tụ ruộng đất và tập trung ruộng đất. Bên cạnh đó lại là tư duy kinh tế còn nhỏ lẻ.

Theo đại biểu Lưu Thành Công, hiện nay tập trung ruộng đất ở nước ta khá phổ biến, nông dân đồng tình. Đây là mô hình tiến bộ, nhân bản nhất, giải quyết tâm lý sở hữu đất của nông dân. Nông dân có thể yên tâm vì mình vẫn sở hữu đất, trong khi có thể tập trung canh tác quy mô lớn.

“Chúng ta cần khuyến khích mô hình tập trung ruộng đất theo quy mô phù hợp năng lực, trình độ sản xuất hiện nay do một nông dân, hợp tác xã đứng lại thuê để canh tác”. Đại biểu đoàn Vĩnh Long nêu thực tế và đề nghị Nhà nước cần có chính sách đặc thù, ưu đãi cho loại hình này. Nếu rào cản này được tháo gỡ sẽ tác động lớn đến nông nghiệp như giúp dễ tiếp cận công nghệ mới, tập trung ruộng đất, sản xuất giá trị cao./.

Từ khóa: bộ trưởng nông nghiệp, chất vấn, kỳ họp thứ 8 quốc hội khóa XIV, nguyễn xuân cường

Thể loại: Nội chính

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập