Trồng tre lục trúc giúp giảm thiệt hại kinh tế do tác động của biến đổi khí hậu
Cập nhật: 2 giờ trước
Hội nghị Thượng đỉnh Đổi mới Sáng tạo Việt Nam 2024 vừa diễn ra tại TP HCM (18/10/2024)
Đề nghị xử phạt 41 cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp Mẫn Xá ở Bắc Ninh
VOV.VN - Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng tre lục trúc tại thôn Bàng, xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch được thực hiện để chuyển đổi đất sản xuất vùng gò đồi kém hiệu quả, thích ứng biến đổi khí hậu tại vùng này. Mô hình trồng tre lục trúc lấy măng theo hướng sản xuất hàng hóa, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp giá trị, ổn định bền vững.
Bà Lê Thị Lan Hương, ở thôn Bàng, xã Hòa Trạch, chủ mô hình trồng tre lục trúc cho biết, mỗi hecta đất trồng được 1.000 gốc tre, những gốc măng dần trưởng thành đâm chồi phát triển thành khóm tre với 20-30 cây mỗi khóm, trung bình mỗi khóm tre cho thu hoạch từ 15-30kg măng tươi. Măng được thu hoạch trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 8, mỗi ha thu về khoảng 500 triệu đồng. Gần 2 hecta trồng tre lục trúc trên vùng đất gò đồi là mô hình do bà Hương chuyển đổi từ diện tích trồng cây cao su không hiệu quả. Tre lục trúc sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 98%, thích nghi với các bất lợi của môi trường như nắng nóng gay gắt kéo dài, gió, đất nghèo dinh dưỡng.
Theo bà Lê Thị Lan Hương, mô hình của bà cũng nhân giống tre lục trúc để chủ động cung ứng nguồn cây giống tại chỗ có chất lượng cho người dân, thử nghiệm mật độ trồng, hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng phù hợp với điều kiện vùng gò đồi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
“Sau 3 năm trồng tôi thấy cây tre phát triển rất tốt. Mùa đông, mùa mưa bão không ảnh hưởng đến, mùa hè nắng gắt cũng cho măng thu hoạch được nhiều”, bà Hương phấn khởi.
Những năm qua, nông dân tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều mô hình nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, hiệu quả kinh tế cao, sản xuất theo hướng VietGAP. Ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Bình cũng xây dựng sản phẩm OCOP với mục tiêu đưa sản phẩm tiêu thụ khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Từ năm 2022, Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp sạch Hưng Loan, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã đầu tư làm nhà màng và đưa công nghệ vào sản xuất rau theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Trên diện tích 8 hecta đất vùng cát, Hợp tác xã này đã đầu tư xây dựng 2 nhà màng để trồng dưa lưới, rau củ theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là một trong những mô hình được hưởng lợi thông qua chính sách hỗ trợ nhà màng sau đầu tư do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình triển khai thực hiện.
Bà Trần Thị Nga, Hợp tác xã Hưng Loan, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, toàn bộ cây ăn quả và rau dù được trồng ở nhà màng tuân thủ theo quy trình, ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Mô hình này làm khó nhưng hiệu quả đem lại cao hơn, mà bà con dùng an toàn hơn. Mỗi năm trồng hai vụ, thủy canh nước tưới tự động, chạy phân sinh học cả nên rất an toàn”, bà Trần Thị Nga chia sẻ.
Để giúp đỡ người dân sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều mô hình sinh kế bền vững, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa cây trồng. Các mô hình sản xuất đều theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hiện đại, thích ứng thời tiết bất lợi. Đơn vị này cũng khuyến khích người dân triển khai các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm và sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, khuyến cáo người dân tuân thủ việc áp dụng khoa học kỹ thuật một cách nghiêm ngặt để nâng cao chất lượng các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Việc triển khai các mô hình, chương trình sản xuất nông nghiệp đều dựa vào đặc điểm tự nhiên, xã hội của địa phương. Những vùng bị đất bồi lắng sau mưa lũ, người dân chuyển đổi phương pháp canh tác qua trồng bí đọt, bí đỏ, cây đậu xanh. Vùng chiêm trũng, bà con thực hiện các mô hình chuyển đổi sang trồng sen, lúa - cá, lúa -tôm. Vùng đất nhiễm mặn, trung tâm hỗ trợ bà con trồng cây dừa xiêm thích nghi với nhiễm mặn. Vùng gò đồi, nông dân chuyển đổi sang cây trồng dược liệu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và các loại cây ăn quả.
Đặc biệt, ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Bình đang xây dựng hàng chục mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP tại vùng đồng bằng, bảo vệ môi trường, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm sức lao động. Ông Lê Thuần Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình cho biết, phát triển các mô hình, chương trình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu được xem là chìa khóa phát triển sinh kế bền vững và giảm thiểu rủi ro do thiên tai tại cộng đồng.
“Sắp tới, chúng tôi cũng làm các mô hình mới, tăng cường chỉ đạo thực hiện các mô hình một cách hiệu quả. Song song đó, gắn kết tiêu thụ cho bà con nông dân cũng như đi tới những mô hình mang tính hữu cơ, bền vững”, ông Lê Thuần Trung thông tin.
Từ khóa: tre, tre trúc, trồng tre trúc, biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: thanh hiếu/vov-miền trung
Nguồn tin: VOVVN