Trồng cây ăn quả vùng ĐBSCL vẫn chạy theo phong trào

Cập nhật: 25/09/2019

Năm qua, vườn cây ăn trái của khu vực ĐBSCL trúng mùa nhưng giá cả, đầu ra vẫn chưa ổn định, tái diễn tình trạng “cung vượt cầu”.

Trong năm qua, do thời tiết thuận lợi và áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên vườn cây ăn quả ở vùng ĐBSCL đạt năng suất rất cao. Điển hình như sầu riêng, cam sành đạt hơn 20 tấn/ha, thanh long, mít trên 30 tấn/ha.

Tuy nhiên, so với các năm trước thì giá cả trái cây không ổn định, đầu ra bấp bênh. Minh chứng như trái sầu riêng nghịch vụ vào tháng 11 giá trên 70.000 đồng/kg, đến đầu tháng 12 giá giảm còn trên dưới 30.000 đồng/kg. Hay trái thanh long ruột đỏ có thời điểm giá gần 50.000 đồng/kg, nhưng có lúc giá chỉ còn vài nghìn đồng/kg.

Tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang có hàng trăm tấn trái thanh long phải làm thức ăn cho gia súc hoặc phải đổ bỏ. Ông Lê Văn Lập, nhà vườn trồng cây thanh long ở xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang tâm tư: “Thanh long năm nay giá quá thấp. Để phát triển bền vững cây thanh long tôi kiến nghị, một là làm sao xuất khẩu được đến nhiều nước; hai là phải quy hoạch vùng để trồng thanh long đừng để “cung vượt cầu”.

trong cay an qua vung dbscl van chay theo phong trao hinh 1
Nhà vườn huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang "xử lý" cho cây thanh long ra hoa nghịch vụ.

Trái sầu riêng ở vùng ĐBSCL giá giảm mạnh là do thị trường Trung Quốc tiêu thụ chậm; doanh nghiệp trong nước chỉ xuất khẩu qua đường tiểu ngạch. Ông Dương Phước Hưng, Chủ tịch UBND xã Long Trung, huyện Cai Lậy- nơi có hơn 1.000 ha cây sầu riêng chuyên canh của tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Đầu ra của trái sầu riêng rất khó khăn, thứ nhất là do hàng xuất khẩu không qua được cửa khẩu. Thứ hai, lượng trái sầu riêng tới tuổi cắt chỉ đi con đường tiểu ngạch, không đi được đường chính ngạch do đó giá bị giảm xuống. Địa phương đề xuất tỉnh, Trung ương nghiên cứu ký kết hiệp định, hiệp thương như thế nào để đầu ra trái sầu riêng đi theo con đường bài bản để dân an tâm hơn. Nếu không tháo gỡ vấn đề này dân hết sức hoang mang”.

Hiện nay, vùng ĐBSCL có hơn 300.000 ha vườn cây ăn trái, chiếm 38% diện tích cây ăn trái cả nước, sản lượng trái năm qua đạt hơn 3,5 triệu tấn. Các địa phương có diện tích cây ăn trái lớn như: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng…

Để phục vụ nhu cầu thị trường ngày càng cao, nhất là xuất khẩu, nhà vườn trong khu vực đã trồng được khoảng 9.400ha thanh long, trên 150ha xoài, gần 50ha sầu riêng, 126ha nhãn đạt chứng nhận VietGAP hoặc GlobalGAP. Tuy nhiên, so với tổng diện tích là mô hình hữu cơ còn hạn chế. Đặc biệt chỉ có 8 loại trái cây được xuất khẩu qua thị trường Trung quốc; số trái cây đạt tiêu chuẩn xuất qua thị trường Châu Âu còn thấp.

trong cay an qua vung dbscl van chay theo phong trao hinh 2
Thu hoạch trái Hồng Xiêm tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Do khâu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ vẫn lỏng lẻo, kém bền vững. Sản xuất manh mún, nhà vườn trồng cây ăn quả vẫn “chạy theo phong trào”, không theo quy hoạch, dẫn đến tình trạng “trồng - chặt” liên tục xảy ra; công tác giống và quản lý chất lượng còn nhiều bất cập. Ngoài xuất khẩu trái cây tươi thì trái cây qua chế biến chưa được nhân rộng.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Oanh Yến, Phó Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam cho rằng: “Về vấn đề chế biến, hiện nay để xuất khẩu sản phẩm không đạt chuẩn, không xuất khẩu tươi được thì đưa qua chế biến, đây là mảng mà chúng ta rất lạc hậu, do đó chúng ta cần đẩy mạnh nghiên cứu. Ở viện đã đề nghị Bộ môn sau thu hoạch, phải đẩy mạnh vấn đề chế biến. Mình cần thực hiện, đòi hỏi phải có sự chung tay của doanh nghiệp”.

Do đó, để nâng cao giá trị trái cây thương phẩm ở vùng ĐBSCL, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà vườn, nhà khoa học- nhà nước và nhà doanh nghiệp trong việc quy hoạch vùng trồng, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến để nâng chất lượng trái cây, bao tiêu sản phẩm, xử lý sau thu hoạch, chế biến xuất khẩu…Trong đó, vấn đề chất lượng trái cây được đặt lên hàng đầu.

trong cay an qua vung dbscl van chay theo phong trao hinh 3
Trái sầu riêng ở vùng ĐBSCL chỉ xuất khẩu đường tiểu ngạch, đầu ra khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, chủ cơ sở kinh doanh trái cây xuất khẩu Huỳnh Mai tại xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre tâm tư: “Hiện nay, trái cây càng ngày càng đòi hỏi chất lượng cao, thành ra nhà nông cần phải làm ra hàng đạt tiêu chuẩn cao mới xuất khẩu được”.

Rút kinh nghiệm trong việc sản xuất trái cây thời gian qua, hiện nay, chính quyền và ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nhà vườn từng bước chuyển đổi phương thức trồng cây ăn trái theo hướng cạnh tranh, xuất khẩu. Trong đó, chú trọng khâu con giống tốt, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, mô hình Tổ hợp tác, hợp tác xã, tiêu chuẩn GAP để tiến dần đến các thị trường “khó tính”.

Tại tỉnh Tiền Giang, mô hình sản xuất trái vú sữa sang Hòa Kỳ bước đầu đạt hiệu quả cao. Đến nay, toàn tỉnh đã có 6 doanh nghiệp “liên kết” với gần 400 nhà vườn trồng 130 ha cây vú sữa xuất sang Hoa Kỳ, với giá trị cao hơn tiêu thụ nội địa gấp nhiều lần.

Ông Huỳnh Văn Thọ, chủ vườn cây vú sữa ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang chuẩn bị xuất sang Hoa Kỳ chia vui: “Xuất khẩu vú sữa có nhiều cái lợi. Thứ nhất là giá cả rất đạt cho nông dân mình. Bởi vì trước đây nông dân hay “trồng, chặt, trồng chặt”. Nếu xuất khẩu được thì đà đi lên rất thuận lợi. Năm nay,thời tiết thuận lợi, cây vú sữa ra hoa, đậu trái rất sớm, sẽ thu hoạch trước tết Nguyên Đán, đạt năng suất hơn những năm trước”.

Tuy nhiên, việc sản xuất cây ăn quả ở khu vực ĐBSCL hiện nay còn vướng những “rào cản” những cơ chế, chính sách cần sự quan tâm, tháo gỡ từ cấp Trung ương. Đó là việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu, quy hoạch vùng sản xuất… để tránh lập lại điệp khúc “ được mùa, rớt giá”./.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Từ khóa: cây ăn quả ĐBSCL, cung vượt cầu, được mùa mất giá, đặc sản ĐBSCL,

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập