Triều Tiên bác bỏ đối thoại với Hàn Quốc: Đàm phán liên Triều bế tắc?
Cập nhật: 25/09/2019
London (Anh): Ấn tượng triển lãm về sao Hỏa (25/11/2024)
Bầu cử tổng thống Romania: ứng cử viên độc lập bất ngờ dẫn đầu trong các cuộc thăm dò (25/11/2024)
VOV.VN - Ngay sau khi tuyên bố không muốn tiếp tục đối thoại với Hàn Quốc, Triều Tiên đã phóng 2 vật thể bay về phía biển Nhật Bản.
Triều Tiên hôm 16/8 tuyên bố không có mong muốn tiếp tục đối thoại với Hàn Quốc, đồng thời bác bỏ cam kết của Hàn Quốc trước đó về việc theo đuổi đối thoại để đạt được thống nhất bán đảo Triều Tiên vào năm 2045.
Tên lửa Triều Tiên. Ảnh: Nikkei. |
Cùng với tuyên bố bác bỏ đối thoại, Triều Tiên sáng sớm 16/8 tiếp tục phóng 2 vật thể bay về phía biển Nhật Bản, cho thấy những thách thức trong việc cải thiện quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng này. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều rất quan ngại về động thái này.
Hãng tin KCNA trích thông báo của người phát ngôn Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên khẳng định: Hàn Quốc đang "ảo tưởng" khi nghĩ rằng cuộc đối thoại liên Triều sẽ được tiếp tục, sau khi cuộc tập trận quân sự với Mỹ kết thúc. Triều Tiên không có mong muốn đối thoại với Hàn Quốc.
Triều Tiên cũng đổ lỗi cho việc đối thoại giữa hai miền mất động lực và sự đình trệ trong việc thực hiện Thỏa thuận liên Triều là trách nhiệm của Hàn Quốc. Các cuộc tập trận quân sự Mỹ- Hàn là dấu hiệu thù địch của Hàn Quốc chống lại Triều Tiên.
Có những tuyên bố cứng rắn nhằm vào Hàn Quốc – quốc gia xây cầu nối mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên thời gian qua, nhưng Triều Tiên lại có các tuyên bố khá mềm mỏng với Mỹ, khi tiếp tục để ngỏ khả năng đối thoại với Mỹ.
Tuyên bố của Triều Tiên đưa ra 1 ngày sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết đạt được thống nhất trên bán đảo Triều Tiên vào năm 2045. Tổngthống Moon Jae-in cho rằng bất chấp hàng loạt các hành động đáng lo ngại của Triều Tiên gần đây nhưng động lực đối thoại không bị ảnh hưởng và ưu tiên của chính phủ hiện nay đó là đối thoại chứ không phải đối đầu.
Phản ứng trước tuyên bố mới nhất của Triều Tiên, Phó phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Euhan cho rằng, điều này không có lợi cho việc thúc đẩy cải thiện quan hệ liên Triều.
“Những tuyên bố này không phù hợp với tinh thần chung Bàn Môn Điếm và Tuyên bố Chung Bình Nhưỡng, không giúp thúc đẩy phát triển mối quan hệ liên Triều. Các cuộc đối thoại giữa Hàn Quốc và Triều Tiên là cách duy nhất để thực hiện Tuyên bố chung liên Triều và có thể đưa ra những quan điểm của mình. Đây là lập trường không thay đổi của Hàn Quốc và chúng tôi hối thúc Triều Tiên cần phản ứng tích cực”.
Với tuyên bố bác bỏ đối thoại với Hàn Quốc và thực hiện hàng loạt các vụ phóng liên tiếp của Triều Tiên gần đây phủ bóng lên triển vọng về cuộc gặp thượng đỉnh thứ 4 giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc có thể diễn ra trong tương lai gần. Theo giới chuyên gia, ngoài việc bày tỏ sự phản đối với các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, những bước đi mới nhất của Triều Tiên có thể là cách gia tăng áp lực với Hàn Quốc cần đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy các cuộc đối thoại hạt nhân với Mỹ hoặc thúc đẩy các dự án hợp tác kinh tế liên Triều đang bị đình trệ.
Giáo sư Yang Moo-jin của trường Đại học nghiên cứu về Triều Tiên tại Seoul cũng cho rằng đây cũng có thể là một thông điệp gián tiếp của Triều Tiên nhằm tìm kiếm thêm sự nhượng bộ của Mỹ trong bất kì các cuộc đối thoại tương lai nào về chương trình hạt nhân của nước này, trong đó có việc nới lỏng lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên./.
Từ khóa: Triều Tiên-Hàn Quốc, phóng tên lửa, đàm phán hòa bình, tập trận Mỹ-Hàn, thống nhất bán đảo Triều Tiên
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN