Triển vọng phát triển các dự án nhà ở xã hội từ “cú hích” chính sách
Cập nhật: 03/09/2024
63 năm truyền thống ngành dầu khí Việt Nam: “Một đội ngũ - Một mục tiêu”
Quảng Ninh chuẩn bị sản phẩm OCOP phục vụ Tết Nguyên đán (28/11/2024)
VOV.VN - Thị trường nhà ở xã hội được nhận định đang có rất nhiều cơ hội phát triển khi các chính sách đang tác động tích cực tới thị trường, khi mới đây Chính phủ ban hành Nghị định 100/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Theo đó, ngoài các quy định chi tiết “gỡ khó" cho các doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở xã hội (NOXH) điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội cũng được điều chỉnh theo hướng nới lỏng hơn cho người có nhu cầu.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) việc ban hành Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội - NĐ100/2024/NĐ-CP là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan quản lý địa phương áp dụng triển khai, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội trong thời gian tới, sau thời gian ngưng trên vừa qua do vướng mắc về các thủ tục pháp lý. Tại nhiều tỉnh, thành đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng phân khúc nhà ở này.
Ông Trần Ngọc Thủy, Trưởng ban điều hành Hội Môi giới BĐS tại Hà Nam, cho biết, luật mới được ban hành tạo điều kiện rất tốt cho phát triển các dự án nhà ở xã hội của tỉnh, nhất là khi tỉnh có nhiều khu công nghiệp. "Tương lai các dự án nhà ở xã hội rất phát triển trong tương lai” - ông nói.
Còn ông Nguyễn Quang Văn, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng, phân tích, Hải Phòng đang phát triển khoảng hơn 15.000 căn nhà ở xã hội cũng là một thử thách rất lớn. Chính vì vậy, thủ tục mua bán khi được cải cách sẽ tạo điều kiện cho người mua tiếp cận với nhà ở xa hội hơn. Ông cho rằng, biện pháp tháo gỡ thủ tục cho người mua nhà sẽ được tháo gỡ theo hướng thuận tiện hơn với các thủ tục thông thoáng hơn sẽ đạt mục tiêu.
Theo Luật Nhà ở mới có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, chủ đầu tư không phải thực hiện thực hiện xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Các chính sách này sẽ tạo bước chuyển đáng kể, tạo “cú hích” quan trọng để phát triển các dự án nhà ở xã hội trong tương lai. Đặc biệt, Nghị định mới ban hành rút ngắn quy trình thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội một cách đáng kể, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư tiết kiệm thời gian, chi phí khi triển khai dự án.
“Một số chính sách khác như miễn giảm thuế, ưu tiên đảm bảo thực hiện các dự án nhà ở xã hội làm sao đảm bảo chất lượng, tiện nghi như an ninh như vườn hoa, cây cảnh, các loại dịch vụ công tiện ích khác. Điều này thì Thủ tướng nói rất rõ. tôi cho rằng cách làm trên thực tế hiện nay một số tập đoàn nước ngoài cũng đã đầu tư về nhà ở xã hội tại Việt Nam. Họ muốn tham gia thị trường này, muốn liên doanh với các công ty để xây dựng khu nhà ở xã hội hiện đại, văn minh” - chuyên gia kinh tế, TS.Lê Xuân Nghĩa phân tích.
Một điểm mới đáng chú ý khác được ông Nguyễn Hoàng Nam, thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường của Hội Môi giới BĐS Việt Nam chỉ ra, đó là theo quy định mới, chủ đầu tư nhà ở xã hội không còn phải bắt buộc dành ra 20% phần diện tích để cho thuê, sau 5 năm mới được bán. Điều này sẽ tăng khả năng hấp dẫn đối với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội trong tương lai.
Mặt khác, các thủ tục pháp lý về thuê mua nhà ở xã hội cũng đã có những quy định cởi mở hơn, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư và chính những người có nhu cầu tiếp cận với nhà ở xã hội thuận tiện hơn, dần hiện thực hóa mục tiêu phát triển các dự án nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của công nhân, người lao động.
Từ khóa: nhà ở xã hội, nhà ở xã hội, dự án nhà ở xã hội, chính sách, thị trường nhà ở xã hội, bất động sản
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: hà nho/vov1
Nguồn tin: VOVVN