Triển khai NQ02/CP: Cải cách cần vượt lên trên sự tuân thủ

Cập nhật: 03/03/2022

VOV.VN - Bài học kinh nghiệm trong cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh chính là việc nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, ngành và địa phương cũng như các doanh nghiệp.

Cải cách cần vượt lên trên sự tuân thủ. Đây là tư duy cần được xác định để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 02 của Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thông điệp này được đưa ra tại Hội nghị: Nghị quyết số 02-2022 của Chính phủ - Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức sáng nay (3/3) tại Hà Nội. Hội nghị diễn ra trực tiếp và có sự tham gia trực tuyến của hơn 300 đại biểu đến từ các Bộ, ngành và địa phương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước tham dự.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về Nghị quyết số 02/NQ - CP (Nghị quyết 02) nhằm đưa ra những giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Theo đánh giá chung, chuỗi Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 02 từ năm 2014 đến nay, đã thúc đẩy các Bộ, ngành và địa phương nỗ lực tháo gỡ nhiều rào cản, cải thiện môi trường đầu tư trong và ngoài nước. Chẳng hạn, tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan giảm từ khoảng 26% xuống còn 19%. Qua 8 năm nỗ lực cải cách, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu cũng được nâng lên đáng kể.

03-03_nq02_-_pic_01_-_copy.jpg

Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu một xu hướng đáng quan ngại, hiện nay, nhiều dự thảo văn bản pháp luật ở các cấp đang có xu hướng xiết chặt hơn các điều kiện kinh doanh. “Quá trình cải cách điều kiện kinh doanh thời gian qua đã mang lại rất nhiều thành tích và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao, nhưng trong quá trình hoạt động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận được khá nhiều dự thảo sửa đổi từ luật, nghị định đến thông tư, dường như có xu hướng quay trở lại chặt chẽ và ngặt nghèo trước đây”, ông Đậu Anh Tuấn thông tin.

Ông Đậu Anh Tuấn nêu ví dụ, Bộ Công Thương đang đề xuất quay trở lại điều kiện kinh doanh áp đặt quy mô, về kho bãi đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Hay thủ tục khai báo hóa chất nhập khẩu, hiện nay đang tự động trên Cổng dịch vụ công trực tuyến nhưng dự thảo đề nghị sửa là phải có xác nhận của Bộ Công Thương.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, duy trì tư duy cải cách mới là cơ sở để các Bộ, ngành và địa phương thời gian qua, như Tập đoàn Điện lực EVN và tỉnh Quảng Ninh, dẫn đầu về cải cách môi trường kinh doanh.

“Tôi thấy ở EVN ở Quảng Ninh họ luôn có sáng kiến, luôn chưa hài lòng với bản thân mình dù họ luôn là số 1 về cải cách môi trường kinh doanh. Tư duy này rất quan trọng trong thực thi cải cách, ngôn ngữ quốc tế gọi là vượt lên trên sự tuân thủ, có nghĩa là không chỉ làm để đảm bảo yêu cầu của Chính phủ, mà vì lợi ích của chính các doanh nghiệp”, ông Hiếu chỉ rõ.

03-03_nq02_-_pic_02_-_copy.jpg

Tại hội nghị, các chuyên gia kinh tế cũng chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh giai đoạn, trong đó nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, ngành và địa phương. Các đại biểu nhấn mạnh, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, những nỗ lực về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được kỳ vọng là những giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững, là trợ lực hữu hiệu cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển; qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 11 năm 2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 năm của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Hội nghị về Nghị quyết số 02-2022 của Chính phủ - Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sẽ diễn ra trong cả ngày hôm nay. Hội nghị có thêm phiên thảo luận kỹ thuật của Dự án tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ nhằm đánh giá kết quả 6 năm thực hiện cải cách (giai đoạn 2015-2020) và định hướng cải cách giai đoạn 2021-2025. Tiếp đó, các đại biểu cùng thảo luận và tìm giải pháp cho những vấn đề vướng mắc trong việc thực hiện Nghị quyết 02.

Từ năm 2018, Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ đã hỗ trợ cải cách môi trường kinh doanh, với trọng tâm là kiểm tra chuyên ngành. Trong giai đoạn 2020-2021, Dự án đã hỗ trợ đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 02; thiết kế và xây dựng khuôn khổ cải cách môi trường kinh doanh cho giai đoạn tiếp theo (2021 - 2025).

Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ với tổng vốn hơn 21,7 triệu USD thời gian thực hiện trong 5 năm (2018-2023) nhằm hỗ trợ chính phủ Việt Nam áp dụng cách tiếp cận dựa trên quản lý rủi ro đối với thủ tục hải quan và kiểm tra chuyên ngành, từ đó tăng cường việc thực thi Hiệp định thương mại tự do của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Dự án làm việc trực tiếp với Tổng Cục Hải Quan - Bộ Tài Chính nhằm hướng đến mục tiêu chuẩn hóa các thủ tục hành chính, tăng cường sự phối kết hợp giữa trung ương và địa phương cũng như nâng cao năng lực cho cán bộ hải quan. Dự án hướng đến mục tiêu giúp Việt Nam cải thiện mội trường thương mại và đầu tư hấp dẫn hơn cho cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài./.

Từ khóa: nghị quyết 02, môi trường đầu tư kinh doanh, điều kiện kinh doanh, thuận lợi cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập