Triển khai dịch vụ công trực tuyến vẫn còn nhiều hạn chế

Cập nhật: 22/10/2019

VOV.VN - Luôn đứng trong tốp đầu xếp hạng mức độ sẵn sàng phát triển ứng dụng CNTT, Quảng Ninh vẫn gặp nhiều khó khăn trong triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Hướng tới Chính quyền số - một nền hành chính "không giấy tờ", người dân, doanh nghiệp nhiều địa phương đang được cung ứng dịch vụ công trực tuyến ở các mức độ 3 và 4, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Tuy vậy, tại nhiều khu vực miền núi, biên giới, hải đảo... việc triển khai dịch vụ công trực tuyến chưa đạt như kỳ vọng.

trien khai dich vu cong truc tuyen van con nhieu han che hinh 1
Cổng dịch vụ công trực tuyến của Quảng Ninh hoạt động từ tháng 7/2016.

Truy cập vào địa chỉ dichvucong.quangninh.gov.vn, người dân, doanh nghiệp tại Quảng Ninh có thể tra cứu, nộp hồ sơ và theo dõi quá trình giải quyết thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi, nhanh và tiện lợi.

Ở mức độ 3, người dân chỉ cần đến Trung tâm Hành chính công 1 lần để thanh toán và nhận kết quả, còn ở mức độ 4 có thể thanh toán trực tuyến và nhận kết quả qua đường bưu điện.

Anh Đỗ Trung Kiên, nhân viên một trung tâm tiếng Anh, TP Hạ Long cho biết, dịch vụ công trực tuyến không chỉ giúp giảm thời gian đi lại và còn bớt phần chi phí.

"Cách này rất nhanh, khi gửi lên là có phản hồi giải quyết ngay, rất tiện lợi đối với việc thường xuyên phải thực hiện thủ tục hành chính như trung tâm của chúng tôi", anh Kiên nói.

Tính đến ngày 15/10/2019, hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận và xử lý hơn 180.000 hồ sơ thủ tục hành chính. Còn tại cấp huyện, số lượng và tỷ lệ hồ sơ được giải quyết cũng tăng nhanh.

trien khai dich vu cong truc tuyen van con nhieu han che hinh 2
Tại nhiều địa phương, người dân vẫn giữ thói quen đến tận nơi để được hướng dẫn và nộp hồ sơ trực tiếp.

Ông Nguyễn Văn Ngoãn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều cho biết, nếu như năm 2017, Trung tâm Hành chính công thị xã mới chỉ tiếp nhận hơn 1.400 hồ sơ trực tuyến (chiếm 9,6%) thì chỉ riêng 9 tháng qua, con số này đã lên hơn 7.800 hồ sơ (tỷ lệ gần 43%).

"Để người dân được tiếp cận dịch vụ này, chúng tôi tổ chức các đoàn lưu động xuống các thôn để tuyên truyền về thủ tục, lợi ích của dịch vụ công trực tuyến. Chúng tôi cũng thường xuyên rà soát, đơn giản hóa và cắt giảm các thủ tục không cần thiết để tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp", ông Ngoãn nói.

Tuy nhiên, Quảng Ninh vẫn gặp nhiều khó khăn trong triển khai dịch vụ công trực tuyến dù là địa phương luôn đứng trong TOP đầu bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin ICT Index. Tính từ đầu năm đến nay, số lượng hồ sơ trực tuyến được tiếp nhận là 19%, gần đạt so với chỉ tiêu 20% trong Nghị quyết 17 của Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử.

Ông Ngô Quang Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh cho rằng, một trong những nguyên nhân là do mặt bằng dân trí và ý thức trở thành “công dân điện tử” vẫn còn hạn chế.

"Ngoài trình độ công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế thì thói quen của người dân, doanh nghiệp vẫn muốn đến tận nơi để được hướng dẫn cụ thể. Đối với Quảng Ninh thì sự chênh lệch vùng miền rất lớn, nhiều khu vực miền núi hải đảo tiếp cận dịch vụ công trực tuyến rất khó. Do đó trong công tác tuyên truyền phải làm thay đổi nhận thức và thói quen của người dân khi sử dụng dịch vụ và giao dịch với cơ quan Nhà nước", ông Hưng cho biết.

Để dịch vụ công trực tuyến ngày càng phổ biến, tỉnh Quảng Ninh đã bố trí bộ phận tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ người dân làm quen, sử dụng dịch vụ tại các Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện và tăng cường tuyên truyền, vận động đến từng khu dân cư.

trien khai dich vu cong truc tuyen van con nhieu han che hinh 3
Người dân được hướng dẫn và hỗ trợ làm thủ tục trực tuyến khi đến các trung tâm hành chính công các cấp, giải pháp được kỳ vọng sẽ giúp tỷ lệ sử dụng cao hơn trong thời gian tới.

Cùng với đó là nâng cao các tiện ích, dịch vụ hỗ trợ như tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích; liên kết với các ngân hàng để người dân thanh toán lệ phí qua Internet Banking, máy POS hoặc mã QR; Hệ thống hạ tầng internet, thiết bị tại một số địa phương cũng sẽ được đầu tư đồng bộ, tránh tình trạng hoạt động không ổn định dẫn đến nguy cơ mất an toàn thông tin.

Có thể thấy, để đạt được mục tiêu như chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:"Dịch vụ công trên nền tảng số phải thuận tiện, bởi nếu người dân không sử dụng, coi như Chính phủ điện tử thất bại", không chỉ Quảng Ninh mà các địa phương khác trên cả nước vẫn còn rất nhiều việc phải làm./.

Từ khóa: hành chính công, thủ tục 1 cửa, Dịch vụ công, Trung tâm Hành chính công

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập