Trí tuệ nhân tạo kéo dài “thời gian vàng” điều trị cho người đột quỵ
Cập nhật: 25/09/2019
Loại quả nhỏ bé nhưng lại “siêu bổ dưỡng”, không khí lạnh tràn về càng nên ăn
Loại quả Việt đi đâu cũng thấy, ăn vào buổi sáng lại bổ dưỡng không ngờ
VOV.VN -Trí tuệ nhân tạo RAPID trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ sẽ kéo dài thời gian vàng điều trị người bị đột quỵ não đến 24 giờ.
Ngày 8/7 vừa qua, bệnh nhân nam (60 tuổi, ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng mất ý thức, cứng tứ chi, đã được bác sĩ bệnh viện tuyến dưới đặt ống nội khí quản. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ, sau đó chỉ định chụp cộng hưởng từ và sử dụng RAPID.
Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo RAPID sẽ kéo dài thời gian vàng điều trị người bị đột quỵ não đến 24 giờ kể từ khi có dấu hiệu đầu tiên. |
Hình ảnh RAPID phát hiện gần như toàn bộ vùng thân não bệnh nhân bị tổn thương, thể tích lõi nhồi máu đến 10 ml. Với tổn thương này, RAPID nhận định không thể chỉ định can thiệp cho bệnh nhân mà phải tiếp tục theo dõi tại bệnh viện.
Hệ thống trí tuệ nhân tạo RAPID trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Trung tâm Đột Quỵ (Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ) là nơi đầu tiên áp dụng công nghệ này, sau đó là Bệnh viện 115 (TP HCM).
Theo các chuyên gia y tế, với phương pháp truyền thống, khi bệnh nhân bị đột quỵ cần cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng” (khoảng từ 4 - 6 giờ) sau khi khởi phát các triệu chứng đột quỵ. Đây là khoảng thời gian tối đa cho phép người bệnh đến điều trị. Tuy nhiên, chỉ rất ít bệnh nhân đột quỵ đến cơ sở y tế trong khoảng thời gian này, còn phần lớn đã quá "thời gian vàng", khiến việc điều trị vô cùng khó khăn.
Cơ hội giúp bệnh nhân đột quỵ tìm lại sự sống
Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo RAPID sẽ kéo dài thời gian vàng điều trị người bị đột quỵ não đến 24 giờ kể từ khi có dấu hiệu đầu tiên (tăng hơn 18h so với phương pháp điều trị thông thường). Bên cạnh đó, phần mềm cho phép dựng sơ đồ mạch 3D, đánh giá vùng tổn thương một cách chính xác, nhanh chóng.
Bác sĩ Hoàng Quốc Việt- Trung tâm Đột Quỵ (Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ) cho biết, bệnh nhân bị đột quỵ trong 1 phút, có thể khiến 10.000 tế bào não bị tổn thương. “Việc chẩn đoán điều trị qua hệ thống trí tuệ nhân tạo RAPID chỉ mất khoảng 2 phút so với gần 1 giờ như trước kia, sẽ giúp cơ hội phục hồi của bệnh nhân cao hơn trước"- bác sĩ Hoàng Quốc Việt cho biết.
Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo RAPID trong quá trình điều trị đột quỵ não, đem đến hiệu quả điều trị khả quan cho nhiều người bệnh. |
Sau 2 tháng đưa vào hoạt động, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo RAPID trong quá trình điều trị đột quỵ não, đem đến hiệu quả điều trị khả quan cho gần 100 bệnh nhân.
Ths.Bs Nguyễn Quang Ân – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ cho biết, kết quả hình ảnh chụp MRI não của người bệnh được đưa vào phần mềm RAPID này sẽ giúp các bác sĩ xác định những vùng não bị tổn thương. Bác sĩ cũng thấy được những vùng nhu mô não sẽ chết trong những giờ tiếp theo vốn rất khó xác định bằng các phương pháp hình ảnh học thông thường. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Đồng thời, thể hội chẩn dựa trên hình ảnh qua ứng dụng điện thoại, có thể gửi các bác sĩ tuyến trên hội chẩn trong những trường hợp đột quỵ phức tạp./.
Hệ thống trí tuệ nhân tạo RAPID được phát triển bởi Đại học Stanford - Hoa Kỳ hiện phổ biến trên toàn thế giới với 1.200 bệnh viện lắp đặt tại 40 quốc gia. Tại nhiều nước trên thế giới, trong 100 ca áp dụng phần mềm RAPID có thể điều trị thành công 49 ca. Tuy nhiên, nếu không có phần mềm này, chỉ có 19 ca điều trị thành công.
Hiện, một số nước trong khu vực Đông Nam Á có nền kinh tế phát triển như Thái Lan, Singapore cũng đang được áp dụng hệ thống này.
Từ khóa: đột quỵ, trí tuệ nhân tạo, bệnh nhân đột quỵ, thời gian vàng điều trị đột quỵ,
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN