Trẻ tái mắc sốt xuất huyết: Bệnh diễn tiến nhanh, dễ gặp biến chứng

Cập nhật: 1 ngày trước

VOV.VN - Trẻ từng mắc sốt xuất huyết khi tái nhiễm có nguy cơ bệnh nặng hơn. Các bác sĩ cảnh báo, cha mẹ cần đặc biệt chú ý các dấu hiệu ở trẻ như sốt cao kéo dài, nôn nhiều, đau bụng... để kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện.

Cảnh báo 3 giai đoạn của sốt xuất huyết ở trẻ

Chị Nguyễn Kiều Mai (Hà Nội) cho biết, con trai chị là M.V.H (8 tuổi) có tiền sử sốt xuất huyết lần 1 cách đây 4 năm. 2 tuần trước, cháu H xuất hiện tình trạng sốt cao 39 - 40 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt, đau mỏi người, nôn nhiều, đau bụng, đau đầu, ăn uống kém. Gia đình đã cho cháu nhập viện để điều trị. Chị Mai cho hay: “Thời điểm nhập viện, con sốt cao liên tục, vùng mặt xuất hiện nhiều chấm sốt xuất huyết, sau đó xuất hiện mạch nhanh, khó bắt, huyết áp tụt, tiểu cầu giảm, men gan tăng…”. Các bác sĩ đã tiến hành điều trị cho cho cháu H theo phác đồ của Bộ Y tế về sốt xuất huyết Dengue nặng. Sau khi điều trị, tình trạng sức khỏe của H ổn định, tỉnh táo, bé được ra viện sau 10 ngày điều trị.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại siêu vi trùng có tên là Dengue gây ra. Đây là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác khi bị muỗi vằn mang mầm bệnh đốt. Virus gây bệnh sốt xuất huyết Dengue có 4 loại tương ứng với 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Trẻ em mắc sốt xuất huyết có biểu hiện đa dạng khác nhau. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi.

Ở giai đoạn sốt, là giai đoạn đầu của bệnh, trẻ thường xuất hiện triệu chứng sốt cao đột ngột, liên tục. Trẻ nhỏ thường có biểu hiện bứt rứt, quấy khóc; trẻ lớn hơn hay kêu đau đầu, chán ăn, buồn nôn, da sung huyết (quan sát có thể thấy những chấm xuất huyết dưới da), đau cơ khớp, nhức ở hai hố mắt, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

Sau giai đoạn sốt, trẻ mắc bệnh tiến vào giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết (thường rơi vào khoảng ngày thứ 3 - 7 sau khi mắc bệnh). Giai đoạn này, biểu hiện sốt có thể thuyên giảm, bệnh nhi bị thoát huyết tương. Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện dễ nhận thấy như: vật vã, bứt rứt, lờ đờ, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít, tụt huyết áp hoặc không thể đo được huyết áp… Đặc biệt, trẻ bị xuất huyết dưới da hoặc xuất hiện các mảng bầm tím, các nốt xuất huyết nằm rải rác hoặc tập trung ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn; xuất huyết ở niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiểu ra máu…

Trong khi chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết, cha mẹ cần chú ý đưa trẻ tới cơ sở y tế để xử trí kịp thời nếu trẻ có một trong các dấu hiệu cảnh báo nặng, như: Trẻ vật vã, lờ đờ, đau bụng liên tục ở vùng gan; trẻ buồn nôn và nôn trên 3 lần/giờ, hoặc trên 4 lần/giờ; xuất huyết niêm mạc, chảy máu chân răng, tiểu cầu giảm nhanh; chảy máu chân răng, chảy máu mũi, hành kinh sớm và kéo dài (đối với trẻ nữ); tiểu ít, đi ngoài phân đen.

Sau giai đoạn nguy hiểm khoảng 2 - 3 ngày là giai đoạn phục hồi, trẻ hết sốt, tình trạng cải thiện nhiều, biểu hiện thèm ăn, huyết áp ổn định hơn và tiểu nhiều hơn. Khi xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu tăng nhanh, số lượng tiểu cầu dần trở về mức bình thường, nhưng thường chậm hơn so với bạch cầu.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ, bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ tránh để trẻ bị muỗi đốt; cho trẻ ngủ màn, kể cả ban ngày; không cho trẻ chơi ở những chỗ tối, ẩm ướt; nên cho trẻ mặc quần áo dài tay, dùng kem, dầu chống muỗi.

Các gia đình cũng chú ý diệt loăng quăng, bọ gậy trong nhà; đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ

“Trong khi chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết, cha mẹ cần chú ý đưa trẻ tới cơ sở y tế để xử trí kịp thời nếu trẻ có một trong các dấu hiệu cảnh báo nặng, như: Trẻ vật vã, lờ đờ, đau bụng liên tục ở vùng gan; trẻ buồn nôn và nôn trên 3 lần/giờ, hoặc trên 4 lần/giờ; xuất huyết niêm mạc, chảy máu chân răng, tiểu cầu giảm nhanh; chảy máu chân răng, chảy máu mũi, hành kinh sớm và kéo dài (đối với bé gái); tiểu ít, đi ngoài phân đen”, TS.BS Nguyễn Văn Lâm

trứng; thu dọn các đồ vật có đọng nước quanh nhà như vỏ đồ hộp, chai lọ… để tránh phát sinh muỗi vằn truyền bệnh. Đồng thời, các gia đình cần dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo nhiều quần áo để tránh làm chỗ cho muỗi ẩn nấp.

Nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết trong năm nay rất lớn

Theo ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), dịch bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết hiện tại đang rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, nên nguy cơ số ca mắc tiếp tục gia tăng trong thời gian tới là hoàn toàn có thể xảy ra. Trên cơ sở kinh nghiệm thực tế nhiều năm, ông Sơn lưu ý số ca mắc thường có xu hướng tăng từ tháng 6 đến tháng 12 hằng năm - trùng với thời kỳ mưa nhiều trên cả nước.

Một điểm đáng lo ngại khác là chu kỳ bùng phát dịch sốt xuất huyết trong những năm gần đây đang rút ngắn, từ khoảng 5 năm một lần xuống còn 3 - 4 năm. Đợt dịch gần nhất xảy ra vào năm 2022 với hơn 370.000 ca mắc. “Do đó, nếu các địa phương không triển khai biện pháp phòng chống quyết liệt ngay từ đầu mùa, nguy cơ dịch bùng phát trở lại trong năm 2025 là rất lớn”, ông Sơn cảnh báo.

Trong suốt nửa đầu năm 2025, Bộ Y tế đã liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo toàn hệ thống y tế và chính quyền địa phương vào cuộc chủ động phòng, chống dịch với tinh thần “từ sớm, từ xa”.

Không chỉ hệ thống y tế, cả hệ thống chính trị ở cơ sở cũng được huy động. Chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ tổ dân phố, người có uy tín tại cộng đồng đều tham gia vào chiến dịch tuyên truyền, hướng dẫn và cùng người dân loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy ngay tại hộ gia đình. Nhiều địa phương tổ chức phát động phòng dịch tận xã, phường, đến từng hộ dân - đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện vệ sinh môi trường còn hạn chế.

Bên cạnh đó, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur cũng đã liên tục cử các đoàn công tác đến hỗ trợ, kiểm tra, hướng dẫn địa phương có nguy cơ cao thực hiện đúng kỹ thuật xử lý ổ dịch, giám sát ca mắc sớm và xử lý kịp thời ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên. Theo ông Sơn, sự chủ động này giúp “khoanh gọn, dập nhanh” các ổ dịch tiềm ẩn, góp phần kiểm soát tốt tốc độ lây lan.

Từ khóa: sốt xuất huyết, sốt xuất huyết, trẻ mắc sốt xuất huyết, bệnh sốt xuất huyết, phòng tránh sốt xuất huyết, điều trị sốt xuất huyết, dấu hiệu sốt xuất huyết

Thể loại: Xã hội

Tác giả: nguyễn hà/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập