Trẻ sốt cao, cha mẹ cần làm gì?
Cập nhật: 19/07/2022
Phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường (24/11/2024)
Loại quả nhỏ bé nhưng lại “siêu bổ dưỡng”, không khí lạnh tràn về càng nên ăn
VOV.VN - Nhiều bậc cha mẹ cho rằng sốt là có hại và thường tự ý cho con uống thuốc hạ sốt mà không tham khảo ý kiến bác sĩ, quan niệm này cần được thay đổi.
Sốt là một dấu hiệu lâm sàng quan trọng, việc đầu tiên khi xử trí sốt là tìm nguyên nhân gây sốt, khi đã tìm được nguyên nhân gây sốt, việc hạ sốt nhằm mục đích đem lại sự thoải mái cho trẻ.
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng sốt là có hại và thường tự ý cho con uống thuốc hạ sốt mà không tham khảo ý kiến bác sĩ, quan niệm này cần được thay đổi.
Những điều cha mẹ cần lưu ý khi con bị sốt
Thuốc hạ sốt được dùng phổ biến cho trẻ em là gì?
Thuốc hạ sốt được sử dụng phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên là acetaminophen và ibuprofen.
ACETAMINOPHEN
ACETAMINOPHEN hay còn được gọi là paracetamol (hapacol là thuốc phổ biến nhất trên thị trường), được khuyên dùng đầu tiên vì tính hiệu quả và an toàn trong liều điều trị.
- Liều điều trị 10-15mg/kg cân nặng. Uống mỗi 4 đến 6 giờ (không quá 5 liều trong khoảng thời gian 24 giờ).
- Acetaminophen bắt đầu phát huy tác dụng sau 30 đến 60 phút và đạt hiệu quả cao nhất (giảm nhiệt độ từ 1 đến 2°C) sau 3 đến 4 giờ. Thời gian tác dụng là 4 đến 6 giờ.
IBUPROFEN
Liều ibuprofen là 10 mg/kg mỗi liều uống mỗi 6 giờ. Ibuprofen bắt đầu phát huy tác dụng sau <60 phút và đạt hiệu quả cao nhất (giảm nhiệt độ từ 1 đến 2°C) sau 3 đến 4 giờ. Thời gian tác dụng là 6 đến 8 giờ.
Tác dụng ngoài ý muốn của Ibuprofen bao gồm viêm dạ dày và xuất huyết tiêu hóa tuy nhiên khi được dùng với liều lượng thích hợp và dùng cùng với thức ăn, ibuprofen thường an toàn.
Lưu ý: Việc sử dụng đồng thời hoặc xen kẽ 2 loại thuốc này không được khuyến khích. Bác sĩ có thể khuyên bạn chuyển từ acetaminophen sang ibuprofen nếu acetaminophen không có tác dụng hạ sốt hoặc lời khuyên sẽ được đưa ra theo chiều ngược lại.
Trẻ dưới 3 tháng tuổi cần nhận được lời tư vấn của bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại thuốc hạ sốt nào.
Lúc nào nên “chườm” cho trẻ
Trong y văn trên thế giới cụm từ được sử dụng là “External cooling” có thể hiểu là: giảm nhiệt từ bên ngoài. Đây là phương pháp điều trị cho đột quỵ nhiệt (heat stroke), cần phải hạ nhiệt một cách nhanh chóng để tránh tình trạng tổn thương cơ quan nội tạng do tăng thân nhiệt quá mức.
Theo bác sỹ Nguyễn Xuân Đạt, đột quỵ nhiệt là do trẻ tiếp xúc với môi trường nhiệt độ cao (ví dụ: ở lâu dưới trời quá nắng nóng, bị nhốt trong oto đóng kín…), nhiệt độ cơ thể ≥40 đến 40,5°C - Đột quỵ nhiệt khác hoàn toàn với sốt đơn thuần.
Về cơ bản khi trẻ trước đó khỏe mạnh và bị sốt thì việc chườm không quá cần thiết. Chườm bên ngoài có thể được sử dụng như một biện pháp hỗ trợ cho liệu pháp hạ sốt cho trẻ em cần giảm nhiệt độ cơ thể nhanh hơn và nhiều hơn so với chỉ có thể đạt được khi dùng thuốc hạ sốt. Trong những trường hợp như vậy, thuốc hạ sốt nên được dùng ít nhất 30 phút trước khi chườm bên ngoài. Thuốc hạ sốt là cần thiết để thiết lập lại điểm đặt điều hòa nhiệt trong cơ thể, nếu không có thuốc việc chườm bên ngoài sẽ dẫn đến tăng sản lượng nhiệt.
Chườm có thể dùng đồng thời hạ sốt và làm giảm nhiệt cơ học ở trẻ em bao gồm:
- Không chắc chắn về nguyên nhân của nhiệt độ tăng cao.
- Sốt kết hợp với một phần nguyên nhân của bệnh nhiệt (ví dụ, do quấn quá nhiều…)
- Rối loạn thần kinh tiềm ẩn, phản ứng kém với thuốc hạ sốt.
Nhiệt độ chườm thích hợp thường khoảng 30°C. Không chườm lạnh cho trẻ vì nước lạnh có thể làm cho trẻ khó chịu, run rẩy, kích động, ngoài ra còn có thể dẫn đến hạ thân nhiệt quá mức và nhịp tim chậm ở trẻ em.
Vị trí chườm là: Cổ, nách, bẹn./.
Từ khóa: trẻ sốt cao cần làm gì, cần làm gì khi trẻ sốt cao, thuốc hạ sốt cho trẻ, chườm cho trẻ lúc nào
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN