Trẻ mắc cúm, khi nào nên đưa đi bệnh viện?
Cập nhật: 18/08/2022
Phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường (24/11/2024)
Loại quả nhỏ bé nhưng lại “siêu bổ dưỡng”, không khí lạnh tràn về càng nên ăn
VOV.VN - Trẻ bị cúm, nếu xuất hiện một trong số các dấu hiệu như: sốt cao li bì, khó đánh thức, trẻ nôn và buồn nôn, tiêu chảy, mệt lả, bỏ bú, co giật... phải đưa ngay đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
Làm thế nào để phân biệt trẻ mắc cúm, Covid-19 hay sốt xuất huyết?
Gần đây, số bệnh nhi mắc cúm tại các bệnh viện đang gia tăng. Theo các chuyên gia y tế, thời gian qua, việc tiêm phòng vaccine cúm không được chú trọng đã tạo ra khoảng trống miễn dịch trong cộng đồng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều người lớn và trẻ em đều bị mắc bệnh.
Tuy nhiên, trong điều kiện đang có nhiều dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành cùng lúc, khi thấy trẻ có biểu hiện đau mỏi người, sốt cao kèm theo viêm tai, viêm họng… nhiều bậc cha mẹ bối rối không biết trẻ mắc Covid-19, sốt xuất huyết hay là cúm A.
Theo bác sĩ Vũ Quốc Đạt - giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội, đặc điểm chung của 3 bệnh lý này là đều do virus gây ra. Vì vậy, trong 3 ngày đầu rất khó phân biệt do bệnh cảnh lâm sàng và các triệu chứng tương đối giống nhau. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ có thể dựa vào tiền sử tiếp xúc của trẻ đối với nguồn lây để bước đầu chẩn đoán trẻ mắc bệnh gì. “Chẳng hạn trước đó trẻ tiếp xúc với người bệnh Covid-19 thì nguy cơ cao là trẻ cũng mắc Covid-19. Tương tự, nếu trẻ từng tiếp xúc với người mắc cúm A thì có thể chẩn đoán trẻ mắc cúm A” - BS Đạt cho biết.
Sau 3 ngày đầu, khi các biểu hiện của bệnh xuất hiện rầm rộ hơn thì các bậc cha mẹ có thể phân biệt được trẻ mắc sốt xuất huyết hay cúm. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào triệu chứng thì rất khó phân định giữa cúm và Covid-19. Nếu gia đình có sẵn que test nhanh Covid-19 thì có thể tự xét nghiệm tại nhà cho trẻ. Song bác sĩ Đạt cũng lưu ý, việc tự xét nghiệm có thể cho kết quả không chính xác, dẫn đến tâm lý chủ quan và điều trị sai cách. Do đó, điều quan trọng nhất vẫn là theo dõi sát sao các biểu hiện bệnh của trẻ để xử trí và điều trị kịp thời.
“Đối với trẻ bị sốt kèm theo các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thì chúng ta sẽ thiên về xu hướng trẻ nhiễm cúm. Trong những ngày đầu của bệnh, hoàn toàn có thể theo dõi và chăm sóc trẻ tại nhà. Đa số trẻ mắc cúm sẽ khỏi bệnh trong vòng 5 -7 ngày. Tuy nhiên, cũng có một số trẻ gặp các biến chứng nặng như viêm thanh quản, viêm phổi, suy hô hấp, viêm cơ tim và viêm não. Do đó, khi thấy trẻ xuất hiện một trong số các dấu hiệu cảnh báo như: sốt cao liên tục, li bì, khó đánh thức, trẻ nôn và buồn nôn, tiêu chảy, mệt lả, tím tái thì ngay lập tức cần phải đưa trẻ đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời. Ngoài ra, đối với những trường hợp trẻ rất nhỏ, trẻ sơ sinh khi thấy những biểu hiện như trẻ bỏ bú hoặc co giật thì các bậc cha mẹ cũng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức” – BS Vũ Quốc Đạt hướng dẫn.
BS Vũ Quốc Đạt cho biết thêm, nguy cơ bệnh lý cúm chuyển nặng thường tập trung vào một số nhóm trẻ nhất định. Đó là những trẻ bị suy dinh dưỡng. Bởi tình trạng suy dinh dưỡng là một yếu tố làm cho trẻ dễ bị nhiễm trùng và dễ có nguy cơ tiến triển nặng khi mắc bệnh. Đồng thời, những trẻ béo phì, trẻ có các bệnh lý nền khác, như các bệnh về tim, phổi, thận mạn tính cũng có nguy cơ trở nặng nếu mắc cúm. Với những trẻ này, khi có biểu hiện mắc bệnh, các bậc cha mẹ cần phải cảnh giác và nên đưa con đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán, khám và theo dõi kịp thời.
Điều trị cúm cho trẻ: Không tự ý sử dụng kháng sinh và Tamiflu
Bác sĩ Vũ Quốc Đạt cũng lưu ý, các bậc cha mẹ tuyệt đối không nên tự ý mua kháng sinh hoặc Tamiflu để điều trị cho trẻ. “Các thuốc kháng sinh đều có những tác dụng phụ nhất định. Nếu cho trẻ sử dụng mà không có chỉ định của bác sĩ có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Ví dụ, kháng sinh khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa và xuất hiện tiêu chảy. Tự ý dùng kháng sinh còn dẫn đến tình trạng vi khuẩn kháng thuốc. Thuốc kháng virus Tamiflu cũng có nhiều tác dụng phụ. Chúng ta đã từng ghi nhận trẻ có những biểu hiện của tình trạng rối loạn tâm thần khi sử dụng Tamiflu. Do đó chúng ta nên phòng tránh những tác dụng phụ đó bằng cách không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh cũng như các thuốc kháng virus cúm khi không có chỉ định của bác sĩ” – BS Đạt nhấn mạnh.
Vị chuyên gia về truyền nhiễm cũng cho biết, ở khu vực miền Bắc nước ta, dịch cúm thường diễn biến theo chu kỳ và theo mùa. Thông thường đỉnh dịch sẽ rơi vào tháng 7, tháng 8 và tháng 1 hằng năm. Vì vậy, để phòng tránh căn bệnh truyền nhiễm này, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng cúm trước thời điểm xảy ra dịch từ 2 đến 4 tuần để vaccine phát huy tác dụng bảo vệ. Trong thời gian xảy ra dịch cúm, nếu trẻ nào chưa kịp tiêm phòng thì vẫn có thể tiêm để phòng bệnh./.
Từ khóa: trẻ mắc cúm đi bệnh viện khi nào, dấu hiệu nhận biết trẻ bị cúm A, nhận biết cúm A ở trẻ, mắc cúm, Covid-19, sốt xuất huyết, Tamiflu
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN