Trẻ hay ốm, cha mẹ nên làm thế nào?
Cập nhật: 11/11/2024
Loại quả nhỏ bé nhưng lại “siêu bổ dưỡng”, không khí lạnh tràn về càng nên ăn
Loại quả Việt đi đâu cũng thấy, ăn vào buổi sáng lại bổ dưỡng không ngờ
VOV.VN - Hầu như trẻ nào cũng có lúc sẽ bị ốm. Đó chính là quá trình cơ thể trẻ phản ứng, chống lại các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, nếu như bé thường xuyên đau ốm và tái đi tái lại thì đó là điều không bình thường.
Sáng sớm, chị Ngọc Anh ở Hà Nội đã đưa con đến Viện Dinh dưỡng để khám và tư vấn về chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng. Bé Hoàng Phương, con trai chị 11 tháng tuổi nhưng nặng chưa đầy 7kg và cao 70cm. Chị Ngọc Anh cho biết, khi sinh ra, bé được gần 3kg và khỏe mạnh bình thường như bao trẻ khác. Tuy nhiên, từ tháng thứ 5 trở đi, hầu như tháng nào bé cũng bị ho, sốt và càng ngày càng lười ăn nên việc chăm sóc rất vất vả.
Cũng lo lắng, sốt ruột vì con thường xuyên đau ốm, chị Kim Phượng ở tỉnh Thanh Hóa đưa con ra Bệnh viện Nhi Trung ương để thăm khám. Chị cho biết, chính vì hay đau ốm nên bé Thế Anh con trai chị bị còi cọc, chậm phát triển thể chất, cân nặng và chiều cao đều kém so với các bạn cùng độ tuổi.
Theo TS.BS chuyên khoa nhi Lê Thị Thu Hương, việc trẻ thỉnh thoảng bị ốm sốt là chuyện bình thường. Bởi trẻ nhỏ, đặc biệt là các bé dưới 3 tuổi, hệ miễn dịch của chưa hoàn thiện nên dễ bị mắc bệnh. Đó chính là quá trình cơ thể trẻ phản ứng, chống lại các tác nhân gây bệnh trong môi trường. Tuy nhiên, nếu như bé thường xuyên đau ốm và tái đi tái lại thì đó là điều không bình thường.
“Trẻ hay bị ốm thường có hai lý do. Thứ nhất, đó là những em bé có cơ địa dị ứng, nhất là những trẻ hay bị viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm kết mạc dị ứng, mỗi khi gặp phải tác nhân kích thích là em bé sẽ có biểu hiện bệnh, đặc biệt khi thời tiết thay đổi. Lý do thứ hai hay gặp nữa đó là những em bé có hệ miễn dịch kém”, TS.BS Lê Thị Thu Hương giải thích.
Với mong muốn giúp con khỏe mạnh, hạn chế bị ốm, hiện nay, nhiều bà mẹ tự mua các chế phẩm hoặc các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo là tăng cường miễn dịch để cho con uống. Về điều này, TS.BS Lê Thị Thu Hương cho biết, thực chất, thành phần của các sản phẩm này là các loại vitamin và khoáng chất. Đối với trẻ hay bị ốm đau, việc bổ sung vitmian, khoáng chất sẽ giúp cho các cơ quan trong cơ thể hoạt động cách hài hòa và đều đặn, giúp cơ thể tăng cường chuyển hóa, hấp thu dưỡng chất từ thực phẩm thông qua chế độ ăn uống. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng nào cho trẻ.
“Các bậc cha mẹ nên hiểu rằng, không có bất cứ một loại thuốc nào mà khi uống vào giúp cải thiện được hệ miễn dịch ngay được. Việc tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ cần có kế hoạch, đó là cả một quá trình liên quan đến dinh dưỡng, vận động và chế độ chăm sóc”, TS.BS Lê Thị Thu Hương nhấn mạnh.
Cũng theo TS.BS Lê Thị Thu Hương, việc tăng cường miễn dịch cho trẻ cần được chú ý ngay từ thời điểm người mẹ mang thai. Giai đoạn bào thai và 6 tháng đầu đời, em bé sẽ nhận được kháng thể phòng bệnh từ mẹ qua nhau thai và sữa mẹ. Do đó, nếu người mẹ được ăn uống đầy đủ, được chăm sóc tốt thì sẽ giúp cả mẹ và bé khỏe mạnh, hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Từ tháng thứ 6, hệ miễn dịch của trẻ bắt đầu phát triển và hoàn thiện dần khi bé được 3 tuổi. Do đó, để trẻ có sức đề kháng tốt, phòng chống bệnh tật, chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn này hết sức quan trọng. Em bé cần được ăn uống đầy đủ và cân đối các nhóm dưỡng chất từ thực phẩm, với khẩu phần phù hợp theo từng độ tuổi.
"Có những em bé nhìn rất bụ bẫm nhưng rất hay ốm. Nguyên nhân có thể là do chế độ ăn của bé thiếu cân đối, chưa được cung cấp đủ chất đạm mà lại giàu chất béo hoặc ăn nhiều đồ ngọt. Do đó, bữa ăn của trẻ cần đủ 4 nhóm thực phẩm gồm chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitmain và khoáng chất từ các loại rau củ quả", BS. Lê thị Thu Hương phân tích.
Trẻ cũng cần được vận động và tham gia các hoạt động ngoài trời để giúp cơ thể phát triển, cơ bắp cứng cáp. Bên cạnh đó, chất lượng giấc ngủ cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của em bé và các tế bào miễn dịch. Do đó, trẻ cần được ngủ đủ giấc, đúng giờ để hệ miễn dịch hoạt động tốt, đủ sức chống đỡ các tác nhân gây bệnh.
Giai đoạn chuyển mùa như hiện nay là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn cũng như các yếu tố kích ứng phát triển, khiến trẻ dễ bị ốm. Để phòng bệnh cho các bé, TS.BS Lê Thị Thu Hương hướng dẫn các bậc cha mẹ nên lưu ý tiêm phòng đầy đủ cho con, giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, ngăn ngừa khói bụi, hướng dẫn trẻ thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, hàng ngày nên vệ sinh mũi họng cho trẻ…nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm vius, vi khuẩn và bụi trong không khí.
Từ khóa: chăm sóc, chắm sóc trẻ hay ốm, trẻ thường xuyên ố đau, tăng cường miễn dịch, giao mùa
Thể loại: Y tế
Tác giả: ánh tuyết/vov2
Nguồn tin: VOVVN