Trẻ em tiếp tục bị bạo hành dù có 17 cơ quan bảo vệ?

Cập nhật: 10/03/2023

VOV.VN - 17 cơ quan bảo vệ trẻ em, có trách nhiệm phòng chống, giải quyết các vấn đề xâm hại trẻ em xuất phát từ Luật Trẻ em năm 2016, Nghị định số 56 của Chính phủ năm 2017 và Nghị định số 80 năm 2017 của Chính phủ về xây dựng trường học an toàn, lành mạnh.

Vụ việc 2 bảo mẫu bạo hành bé trai 17 tháng tuổi tử vong tại Hà Nội chưa lắng xuống thì mới đây sự việc người mẹ dìm chết 2 con gái nhỏ xuống sông Ninh Cơ tại tỉnh Nam Định lại một lần nữa gây rúng động dư luận. Bạo hành, xâm hại trẻ em không còn là câu chuyện hiếm gặp trong thời gian gần đây. Vậy đâu là nguyên nhân, trong khi các chế tài pháp lý đầy đủ. Bức xúc, phẫn nộ có làm chúng ta vô can? Đâu là những bài học mà mỗi người lớn, mỗi bậc làm cha làm mẹ cần chiêm nghiệm sâu sắc sau liên tiếp những vụ bạo hành trẻ em thời gian qua? Để có thêm góc nhìn về câu chuyện này, PV VOV có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội).

 Bạo hành trẻ em là hành vi không thể tha thứ

PV: Từ sự việc 2 bảo mẫu ở huyện Thanh Trì bạo hành trẻ, khiến bé 17 tháng tuổi tử vong, ông có suy nghĩ gì về hành vi bạo lực thời gian qua?

Ông Đặng Hoa Nam: Bất cứ hành vi xâm hại trẻ em nào, gồm cả những hành vi bạo lực gây tổn hại cho trẻ em đều phải xử lý nghiêm minh theo chế tài của pháp luật. Đối với trẻ em càng nhỏ tuổi, không có sức phản kháng, không có sức tự vệ thì hành vi gây tổn hại cho các em phải bị xem xét là tình tiết tăng nặng hình phạt. Trước pháp luật và các cơ quan tư pháp, hành vi phạm tội, đặc biệt là đối với trẻ em cần xem xét hậu quả gây ra. Ở vụ việc tại huyện Thường Tín, Hà Nội, đây là cái chết của đứa trẻ 17 tháng tuổi, theo tôi mọi lời khẩn cầu của kẻ phạm tội đều quá muộn màng và không có giá trị.

PV: Nhóm trẻ tự phát ở huyện Thường Tín từng 2 lần bị UBND xã Vạn Điểm xử phạt, yêu cầu đóng cửa, do không đảm bảo điều kiện hoạt động. Vậy nhưng, cơ sở này vẫn lén lút hoạt động. Ông Nam nhìn nhận thế nào về trách nhiệm của chính quyền địa phương ?

Ông Đặng Hoa Nam: Chúng ta thấy có rất nhiều vụ việc bạo lực trẻ gây hậu quả nghiêm trọng diễn ra ở các cơ sở giáo dục mầm non, hay nói đúng ra là các cơ sở trông giữ trẻ ngoài công lập, cơ sở trông giữ trẻ tự phát.

Có thể nói, các quy định về quản lý cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em đều đã có, và khá cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, các tổ chức, cá  nhân có liên quan.

Ví dụ về chuyên môn, về tiêu chuẩn, điều kiện để một cơ sở mần non có điều kiện tiếp nhận trẻ thuộc về các cơ quan quản lý giáo dục. Còn việc thanh tra, kiểm tra, ra quyết định đình chỉ hoặc chấm dứt hoạt động của các cơ sở này thuộc trách nhiệm của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sơ như xã phường, thị trấn.

Ở đây cần xem xét việc có hay không việc thiếu thanh tra, kiểm tra của các cơ sở này một cách thấu đáo, cụ thể. Trong đó, trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục, chính quyền các cấp. Đặc biệt, đối với các cơ sở mần non, việc này cần kiên quyết, kịp thời hơn.

Trẻ bị bạo hành ở mầm non ngoài công lập: Cần xem xét trách nhiệm quy hoạch dân cư

Ông Đặng Hoa Nam: Mỗi vụ việc xâm hại trẻ em, gây tổn hại cho em, đặc biệt gây hậu quả nghiêm trọng như vụ việc chúng ta đang đề cập thì phải xem xét trách nhiệm của tất các các cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan, liên đới trực tiếp để xử lý theo quy định của pháp luật.

Các quy định của pháp luật đã có đầy đủ, nhưng chúng ta phải xem xét để phòng ngừa, giải quyết những vấn đề này tận gốc, trước mắt cũng như lâu dài.

Có một câu chuyện, thiếu quy hoạch, thiếu đầu tư trong tốc độ đô thị hóa rất nhanh hiện nay, đặc biệt chúng ta phát triển các khu công nghiệp, các khu dân cư tập trung đông người lao động, nhất là các nữ công nhân trong độ tuổi có con nhỏ phải có hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội đồng bộ.

Chính vì sự phát triển không đồng bộ mà những người công nhân, những người mẹ có con nhỏ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo họ không biết gửi con mình vào đâu, họ không đủ tiền để gửi con mình vào các cơ sở  hoạt động có phép, chất lượng. Cho nên, để đảm bảo công ăn việc làm, đảm bao ca kíp, họ phải gửi con họ vào những cơ sở như vậy.

Trong quá trình đi kiểm tra một số nơi, chúng tôi có nghe chính quyền địa phương nói “nếu chúng tôi đóng cửa những cơ sở hoạt động vi phạm, không phép dẫn đến hậu quả bà mẹ đến phản ứng với chính quyền phường”.

Từ câu chuyện này, chúng ta cần phải xem xét trách nhiệm cấp cao hơn nữa, đó là trách nhiệm về quy hoạch, trách nhiệm về phát triển hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, phát triển cơ sở giáo dục mầm non đồng bộ với việc thu hút các nguồn lực lao động di cư từ nơi khác về các khu công nghiệp, các đô thị như vậy.

Thiếu hiểu biết về pháp luật về bảo vệ trẻ em

PV: Thực tế đáng buồn là số vụ bạo hành trẻ em vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Từ những vụ việc, dì ghẻ, bố dượng đánh chết con, rồi vụ thầy giáo xâm hại học sinh, vụ 2 bảo mẫu bạo hành chết cháu bé, hay mới đây nhất, mẹ ruột dìm chết con mình... Ông có bình luận gì về mức độ phức tạp của các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em ở rất nhiều môi trường với các cấp độ khác nhau?

Ông Đặng Hoa Nam: Xâm hại trẻ em luôn luôn là hành vi bị xử lý nghiêm khắc, luôn luôn bị áp dụng chế tài tăng nặng theo quy định của pháp luật cho dù đó là xử lý vi phạm hành chính hay hình sự.

Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng, các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em lại xảy ra thường xuyên bởi rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân chính, như thiếu hiểu biết về pháp luật về bảo vệ trẻ em nói chung; thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc và bảo vệ trẻ em, coi trẻ em là đối tượng phụ thuộc, yếu thế để trút bỏ, áp đặt những cơn nóng giận, bực tức, hận thù, những ham muốn vô lý, vô luân lên một đứa trẻ.

Đặc biệt, không chỉ ở Việt Nam, mà ở nhiều quốc gia khác có một hiện tượng khá phổ biến cha mẹ, giáo viên, những người chăm sóc trẻ em, những người trực tiếp tiếp xúc với trẻ thường xuyên lại là những người có nguy cơ gây xâm hại cho trẻ nhiều nhất. Chính vì vậy, mỗi một vụ việc xâm hại trẻ em do người thân, do người có trách nhiệm đáng lẽ phải yêu thương, chăm sóc lại gây hại cho trẻ thường gây bức xúc và phẫn nộ trong dư luận xã hội.

PV: Theo ông, đâu là những bài học mà mỗi người lớn, mỗi bậc làm cha làm mẹ cần chiêm nghiệm sâu sắc, sau liên tiếp những vụ bạo hành trẻ em thời gian qua?  

Ông Đặng Hoa Nam: Nói đến trách nhiệm bảo vệ trẻ em của các bậc làm cha mẹ, của các thành viên trong gia đình, đây không phải là trách nhiệm đạo lý mà đây là trách nhiệm pháp lý đã được luật hóa. Muốn bảo vệ con em mình, thì cha mẹ, ông bà phải quan tâm đến mọi diễn biến, dấu hiệu khác thường về thể chất, tinh thần, tâm lý của một đứa trẻ. Cùng với đó, chúng ta phải cập nhật, học hỏi những kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em.

Tôi thấy rằng, những kiến thức về kỹ năng hiện nay không thiếu, được phổ biến trên khá nhiều các kênh khác nhau.

Mặt khác tôi thấy các cơ quan bảo vệ trẻ em cũng cần phải tăng cường truyền thông, giáo dục đến từng gia đình, trường, lớp học, cộng đồng dân cư về các kỹ năng phòng ngừa, phát hiện sớm các dấu hiệu, nguy cơ trẻ bị xâm hại, đặc biệt trẻ bị bạo lực, hay xâm hại tình dục.

Trong một số vụ trẻ bị xâm hại tình dục, chúng ta cũng phải xem xét trách nhiệm bảo vệ trẻ của các bậc làm cha mẹ, hay trách nhiệm của những người nhận chăm sóc, bảo vệ trẻ thay cho cha mẹ hoặc cùng cha mẹ

Có rất nhiều vụ việc, vụ án xâm hại trẻ em chúng ta thấy rằng, rõ ràng cha mẹ thiếu sự quan tâm, quan sát, thiếu kiểm tra sự bất thường của đứa trẻ dẫn đến đứa trẻ bị bạo hành, xâm hại nhiều lần và lặp đi lặp lại.

Trẻ em tiếp tục bị bạo hành dù có 17 cơ quan bảo vệ?

PV: Chúng ta có đến 17 cơ quan liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhưng nạn bạo hành con trẻ không vì thế mà giảm bớt. Và mỗi khi nổi lên sự vụ, không thấy ai phải chịu trách nhiệm. Cần làm gì để thay đổi thực tế này, thưa ông Đặng Hoa Nam?

Ông Đặng Hoa Nam: 17 cơ quan bảo vệ trẻ em, có trách nhiệm phòng chống, giải quyết các vấn đề xâm hại trẻ em được báo chí và dư luận nhắc đến, xuất phát từ Luật Trẻ em năm 2016, từ Nghị định số 56 của Chính phủ năm 2017 và từ Nghị định số 80 năm 2017 của Chính phủ về xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện với trẻ em phòng chống bạo lực học đường.

Tiếp đó, Quốc hội có giám sát tối cao về thực chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em và đã ra Nghị quyết 121 của QH khóa XIV về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em. Từ đây, cũng đã chỉ ra rất cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức xã hội, chính quyền các cấp, người đứng đầu. Vậy, tôi cho rằng, khi một vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra, như vụ việc chúng ta nhắc đến ở đây và vụ việc khác hoàn toàn có thể chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Vấn đề ở chỗ, các cơ quan có thẩm quyền, chính quyền các cấp theo thẩm quyền về xác minh, kiểm tra, thanh tra, điều tra có làm rõ, xử lý kiên quyết, đến cùng hay không mà thôi.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!./.

 

Từ khóa: bạo hành trẻ em, bạo hành trẻ em ở huyện Thường Tín, mẹ kế bạo hành con, bố dượng bạo hành con, ông Đặng Hoa Nam, nguyên nhân bạo hành trẻ em

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập