Trẻ em nên tránh những thói quen gì để phòng tránh viêm nhiễm vùng tai mũi họng?
Cập nhật: 19/08/2021
Phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường (24/11/2024)
Loại quả nhỏ bé nhưng lại “siêu bổ dưỡng”, không khí lạnh tràn về càng nên ăn
VOV.VN - 40-60% trẻ em nhóm dưới 6 tuổi mắc các bệnh thuộc chuyên khoa tai mũi họng. Ngoài những yếu tố như thời tiêt, khí hậu, môi trường, khói bụi, các thói quen không tốt cũng gây nên các bệnh lý tai mũi họng ở trẻ.
1. Ngoáy mũi
Đây là thói quen thường gặp ở trẻ nhỏ. Thói quen này tuy không nguy hiểm nhưng mất vệ sinh khiến trẻ gặp một số bệnh lý như:
- Chảy máu mũi rất thường gặp ở những trẻ hay ngoáy mũi do làm tổn thương các mạch máu nhỏ vùng mũi trước (điểm mạch kisselbach).
- Ngoáy mũi thường xuyên có thể gây tổn thương da và lông vùng tiền đình mũi gây viêm loét, nhọt tiền đình mũi, rụng mất hệ thống lông bảo vệ mũi do gây viêm chân lông.
- Ngoáy mũi là con đường đưa virus, vi khuẩn, nấm mốc... từ tay vào mũi khiến trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh lý viêm mũi- viêm mũi xoang.
Nguyên nhân khiên trẻ ngoáy mũi có thể do trẻ đang chán nản, căng thẳng hoặc do trẻ khô, vướng mũi, ngứa mũi.
Bố mẹ cần làm gì?
- Không trách mắng khi trẻ ngoáy mũi. Đối với trẻ lớn có thể thường xuyên nhắc nhở trẻ không nên ngoáy mũi.
- Cắt móng tay cho trẻ, dặn trẻ thường xuyên rửa tay sạch sẽ.
- Hướng dẫn trẻ vệ sinh mũi đúng cách như lau mũi nhẹ nhàng bằng khăn hoặc giấy sạch ẩm.
- Nếu trẻ bị ngứa, khô mũi đặc biệt vào mùa hanh, khô hoặc trẻ thường xuyên nằm điều hòa có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý.
- Bố mẹ không ngoáy mũi, không nên bơm rửa mũi. Tránh tổn thương lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc mũi.
- Đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để xem trẻ có bị viêm nhiễm mũi không nếu kèm theo ngoáy mũi trẻ lại bị hắt hơi, chảy nước mũi hoặc hay có nhiều dử mũi...
2. Xì mũi
Hầu hết mọi người đều cho rằng xì mũi thật mạnh để đẩy dịch, chất bẩn ở mũi ra ngoài. Do đó nhiều bố mẹ hướng dẫn con xì mũi khi thấy con bị chảy mũi, tạo nên thói quen không tốt.
- Xì mũi không đúng cách vô tình tạo áp suất lớn trong hốc mũi, khiến cho dịch mũi bao gồm virus, vi khuẩn, vi nấm mốc, bụi hoá chất… bị đẩy vào trong xoang hoặc tai giữa qua vòi tai gây viêm mũi xoang cấp, tai giữa cấp, viêm tai ứ dịch, viêm tắc vòi nhĩ…
- Xì mũi mạnh có thể gây vỡ các mạch máu nhỏ ở mũi gây chảy máu mũi.
Khi trẻ bị chảy dịch mũi, ngạt mũi báo hiệu trẻ có bệnh lý mũi xoang. Bố mẹ nên cho trẻ đi khám và điều trị sớm.
Tuyệt đối không tự ý hướng dẫn trẻ xì mũi tránh gây các biến chứng nặng hơn. Thay vào đó bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ khịt mũi (hít vào) để dịch mũi chảy xuống họng, sau đó khạc nhẹ nhàng ra ngoài hoặc uống nước ấm để dịch trôi theo đường tiêu hóa.
3. Cho đồ vật vào mũi-tai-miệng
Thường gặp ở những trẻ ở độ tuổi đi nhà trẻ. Do trẻ hiếu động, tò mò với những vật tròn, nhỏ, bắt chước các bạn khác và trẻ chưa ý thức được về hành động của mình mà tự nhét các đồ vật tai, mũi, miệng của bản thân hoặc của bạn trong lớp.
Nếu không được người lớn phát hiện, dị vật ở lâu trong tai, mũi sẽ gây đau, viêm ống tai ngoài, viêm loét mũi tại chỗ, viêm mũi xoang, chảy máu mũi… Nguy hiểm hơn nếu trẻ cho vật nhỏ vào miệng có thể khiến dị vật rơi vào đường thở, nguy hiểm tính mạng.
Bố mẹ và nhà trẻ nên làm gì để phòng tránh?
- Tránh cho các bạn chơi những đồ chơi, vật dụng có kích thước nhỏ (hạt cườm, nút cao su, nhựa, khuy áo, pin, giấy, hạt chống ẩm, hạt đỗ, đậu…). với một số đồ chơi bao giờ nhà sản xuất cũng ghi chú loại đồ chơi đó cho trẻ bao nhiêu tuổi.
- Phát hiện sớm, đưa trẻ đến bệnh viện, phòng khám để lấy dị vật.
4. Ăn uống đồ lạnh
Đặc biệt vào mùa hè nắng nóng, trẻ thường xuyên ăn kem, nước uống đá lạnh… làm cho nhiệt độ ở họng giảm thấp, gây hiện tượng co mạch các mạch máu trong họng, làm giảm các hoạt động của các tuyến tiết dịch. Dẫn đến tình trạng họng khô, rát là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus có sẵn trong họng phát triển. Nhất là những trẻ có cơ địa dị ứng sẽ rất hay tạo điều kiện cho họng trở nên viêm do không thích ứng được với sự chệnh lệch nhiệt độ.
Bố mẹ cần làm gì?
- Hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn, uống quá lạnh.
- Hướng dẫn trẻ khi ăn, uống đồ lạnh nên ngậm trong miệng 5 giây rồi mới nuốt để làm giảm bớt độ lạnh khi đi qua họng.
- Sau khi ăn, uống đồ lạnh nên uống 1 cốc nước ấm để cân bằng nhiệt độ ở họng và cơ thể.
5. Cắn móng tay- mút ngón tay
Tay và móng tay chứa rất nhiều virus, vi khuẩn. Cắn- mút ngón tay sẽ khiến trẻ mắc bệnh tai mũi họng như: viêm amydal cấp, viêm loét họng do virus… Ngoài ra trẻ có thể mắc các bệnh về răng miệng, tiêu hóa, bệnh truyền nhiễm.
Nguyên nhân trẻ cắn móng tay thường do trẻ chán nản, căng thẳng, lo lắng.
- Đối với trẻ nhỏ thường mút tay, bố mẹ cần vệ sinh tay trẻ sạch sẽ, có thể cho trẻ dùng núm vú để thay thế.
- Đối với trẻ lớn nên dặn dò trẻ không cắn móng tay, mút tay. Vệ sinh, cắt móng tay trẻ sạch sẽ.
6. Ngoáy tai
Thường gặp ở các trẻ lớn hoặc bố mẹ ngoáy tai cho trẻ.
Ngoáy tai là hành động tuyệt đối không nên ở cả trẻ em và người lớn. Ngoáy tai sẽ đưa vi khuẩn, nấm vào trong tai, đồng thời gây xước xát da ống tai tạo điều kiện cho vi trùng phát triển.
Do đó ngoáy tai là nguyên nhân chính gây các bệnh lý ở tai ngoài: Viêm, nấm ống tai, nhọt ống tai. Ngoáy tai có thể gây chấn thương tai, thủng màng nhĩ. Để phòng tránh các bệnh lý tai ngoài bố mẹ nên:
- Làm gương cho con, tuyệt đối không ngoáy tai, dặn dò trẻ không được ngoáy tai.
- Chỉ vệ sinh ở bên ngoài vành tai.
- Đưa trẻ đi khám nếu trẻ ngứa, đau, khó chịu trong tai./.
Từ khóa: viêm tai, bệnh tai mũi họng, viêm tai giữa, ngoáy mũi, viêm nhiễm tai mũi họng
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN