Tránh nguy cơ đứt gãy lao động, việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Cập nhật: 10/11/2021
Phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững (16/12/2024)
Hậu Giang: Tập trung sản xuất lúa vụ đông xuân hiệu quả (15/12/2024)
[VOV2] - Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 10/11, Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trực tiếp trả lời chất vấn liên quan đến nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm ứng phó với dịch bệnh, phát triển kinh tế đi đôi với chăm lo phúc lợi, an sinh xã hội.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Những chính sách ban hành nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, nhất là các đối tượng bị ảnh hưởng, tác động sâu bởi đại dịch, bao gồm cả người dân, người lao động có giao kết hợp đồng lao động và không có giao kết hợp đồng lao động, những đối tượng yếu thế, phụ nữ mang thai, trẻ em mồ côi cha, mẹ vì đại dịch,... cũng như những ngành, nghề bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch như vận tải, hàng không, dịch vụ lưu trú, du lịch..Việc hỗ trợ nhìn chung được triển khai nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Các chính sách hỗ trợ đã giảm tối đa các điều kiện, thủ tục, rút ngắn về thời gian hỗ trợ, tạo điều kiện để người sử dụng lao động và người lao động dễ dàng tiếp cận chính sách. Đặc biệt là đối với nhóm lao động tự do và đối tượng đặc thù bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, Chính phủ quy định mức sàn tối thiểu và giao các địa phương chủ động quy định tiêu chí, tạo sự linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của địa phương, do vậy đã hỗ trợ được số lượng lớn các đối tượng thụ hưởng.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh Xã hội cùng nhìn nhận thiếu sót: “Một bộ phận người dân, người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng thụ hưởng chưa được hưởng hoặc chậm được thụ hưởng; Nhìn chung, mức hỗ trợ còn thấp. Một số chính sách có tỷ lệ đạt thấp, như chính sách đối với đối tượng là người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, chính sách cho người sử dụng lao động vay tiền để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất đạt thấp so với dự tính ban đầu; Việc triển khai thực hiện công tác xác lập hồ sơ, công tác hỗ trợ tại một số địa phương vẫn còn chậm. Một số địa phương gặp khó khăn về kinh phí, sợ sai, sợ trách nhiệm nên chậm hoặc chưa hỗ trợ đối tượng; Cá biệt có nơi vẫn còn tình trạng lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để trục lợi, bị xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.”
Trên cơ sở phân tích rõ nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đưa ra 6 nhóm giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay gồm: Trình Chính phủ ban hành và sửa đổi một số Nghị quyết, bổ sung một số điều nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, mở rộng đối tượng thụ hưởng, tiếp tục đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt để người sử dụng lao động và người lao động được hỗ trợ kịp thời; Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, kịp thời trả lời, hướng dẫn giải đáp các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về các chính sách hỗ trợ; Rà soát, nắm chắc tình hình đời sống người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Bảo đảm không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm thiết yếu; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, đôn đốc triển khai giám sát, đánh giá việc rà soát, lập danh sách, phê duyệt và hỗ trợ; kiến nghị, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Các địa phương khẩn trương lập danh sách, phê duyệt và hỗ trợ, nhất là hỗ trợ tiền mặt cho các nhóm đối tượng chưa được hưởng, đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ của người lao động đề nghị hỗ trợ bằng các hình thức thuận lợi nhất để đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, linh hoạt trong việc giảm thời gian giải quyết hồ sơ; Đề nghị Bộ Tài chính cấp kinh phí kịp thời và hướng dẫn các địa phương bố trí kinh phí để thực hiện chi trả sớm cho các đối tượng đã được phê duyệt danh sách hỗ trợ...
Đến nay đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho trên 9,41 triệu lao động thuộc đối tượng đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và trên 654.600 người đã dừng tham gia. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, đây là chính sách chưa có tiền lệ nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong phòng, chống dịch, qua triển khai nhận được sự quan tâm, ủng hộ lớn của đối tượng và dư luận xã hội. Đây là chính sách vừa đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng; vừa có sự chia sẻ rủi ro; thể hiện vai trò “giá đỡ” của quỹ BHTN cho chủ sử dụng lao động và người lao động. Thủ tục đơn giản, thuận tiện, người lao động và người sử dụng lao động nhận được sự hỗ trợ nanh chóng, kịp thời, chủ yếu hỗ trợ qua tài khoản và trên cơ sở dữ liệu đã có.
Phần lớn thời lượng Phiên chất vấn chiều nay, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội còn trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến Công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi do đại dịch; Thực trạng và nguyên nhân người lao động rời thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam trong nhiều đợt. Giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch. Chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc; Việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cứu trợ, thiện nguyện bảo đảm đúng chế độ, chính sách.
Đối với nhóm vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng: “Làn sóng Covid-19 từ một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng đã trở thành một cuộc khủng hoảng xã hội và việc làm, tình trạng thâm hụt việc làm, bất bình đẳng đã khiến sinh kế của người dân bị đảo lộn; Giảm sút về việc làm và thu nhập. Dưới tác động của đại dịch đặc biệt là đợt dịch thứ 4 đến nay, đã và đang gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, đến các vấn đề việc làm, đời sống của triệu người lao động và người dân nhất là khi dịch xâm nhập vào Tp.Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm phía Nam, khu công nghiệp, khu chế xuất”
Ngày mai 11/11, Quốc hội tiếp tục nghe giải trình của Bộ trưởng Bộ lao động - Thương binh và Xã hội, trước khi dành thời gian cho phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
Từ khóa: Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung, Quốc hội, chất vấn, thất nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp, Covid 19
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2