Tranh luận tổng thống: Ông Trump thiếu một thông điệp rõ ràng để đánh bại đối thủ Joe Bide
Cập nhật: 01/10/2020
VOV.VN - Khác với năm 2016, Tổng thống Donald Trump trong cuộc tranh luận đầu tiên đã công kích đối thủ của mình Joe Biden trên một loạt lĩnh vực thay vì một chủ đề chính.
Điều này cho thấy ông Trump chưa định hình được một thông điệp chủ chốt nhằm đánh bại ứng viên đảng Dân chủ.
Tổng thống Donald Trump đã dành ra 6 tháng để tìm kiếm một thông điệp rõ ràng nhằm làm giảm thế dẫn đầu của đối thủ trong các cuộc thăm dò. Tuy nhiên, ông Trump vẫn chưa tìm được câu trả lời trong bối cảnh chỉ còn chưa tới 5 tuần nữa là đến ngày tổng tuyển cử.
Các chiến lược gia của chiến dịch tranh cử đảng Cộng hòa cho rằng màn trình diễn của ông Trump tối ngày 29/09 trước ông Joe Biden đã thể hiện rõ nỗ lực định hình cuộc chạy đua vào Nhà Trắng một cách thuyết phục giống như những gì ông Trump đã làm năm 2016. Trong suốt cuộc tranh luận, ông Trump đã đưa nhiều vấn đề để công kích đối thủ, những chủ đề mà cá nhân ông Trump và nhóm tranh cử của mình đã đề cập tới trong hầu hết năm qua.
Cuộc bầu cử năm nay được xác định bởi sự ổn định của các cuộc khảo sát. Bất kể một năm bất ổn do dịch bệnh Covid-19, suy thoái kinh tế và bạo loạn sắc tộc, ông Biden vẫn duy trì một khoảng cách dẫn đầu trong các cuộc thăm dò công chúng. Kết quả các cuộc điều tra, dự kiến sẽ được công bố một vài ngày tới, sẽ cho thấy liệu cuộc tranh luận đầu tiên có ảnh hưởng tới ưu thế dẫn đầu của ông Biden hay không.
Trong suốt cuộc tranh luận, ông Trump đã chỉ trích thời gian ông Biden nắm quyền trong chính phủ và gọi ông Biden là đại diện cho khuynh hướng tự do của đảng Dân chủ. Ông Trump cũng bày tỏ hoài nghi về sức khỏe của ông Biden, công kích con trai ông này và tìm cách phác họa ông Biden là chưa bị trang bị kỹ càng nhằm dập tắt bạo lực đã bùng phát trong các cuộc biểu tình về quyền dân sự trong năm thứ 4 cầm quyền của ông Trump.
Khi được hỏi về việc liệu ông Trump có thiếu một thông điệp rõ ràng hay không, Tim Murtaugh, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Trump cho rằng Tổng thống đã đưa ra hai thông điệp “Tổng thống đã thể hiện rõ những gì ông đã làm được trong vòng 47 tháng hơn những gì ông Biden đã làm được trong 47 năm. Tổng thống cũng đã cho thấy ông Biden đặt lợi ích kinh tế của Trung Quốc lên trên người lao động Mỹ”.
Để đáp trả lập luận này, ông Biden đã gọi đối thủ của mình là Tổng thống tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ và cuộc chiến thương mại của ông Trump với Trung Quốc đã làm phương hại tới nước Mỹ và giúp Trung Quốc.
Một điểm khác biệt so với chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump là hiện ông Trump là đương kim Tổng thống và có 4 năm thực hiện vai trò này đồng thời cách hành xử của ông không được nhiều cử tri ủng hộ, yếu tố được cho là khiến ông Trump mất điểm trong các cuộc khảo sát so với đối thủ của mình.
Tuy nhiên, việc ông Trump không thể đưa ra một lý lẽ chính cho chiến dịch tranh cử của mình cũng là điều đối lập với 2 chiến dịch vận động tranh cử từng thành công mới đây nhất trong lịch sử bầu cử Mỹ. Năm 2012, Tổng thống Obama đã tái cử phần lớn là nhờ cả một năm sử dụng truyền thông công kích đối thủ đảng Cộng hòa Mitt Romney trong thời gian ông này hoạt động tại một quỹ đầu tư tư nhân, Ryan William, một cố vấn tranh cử của ông Romney thời gian đó nhận định.
Năm 2016, chiến dịch của ông Trump được định hình bởi các cam kết xây dựng tường biên giới, viết lại các thỏa thuận thương mại và đánh bại bà Hillary Clinton. Chiến dịch của ông Trump tập trung phác họa cựu Ngoại trưởng Clinton là một người không trung thực.
Theo ông Ryan William “các chiến dịch tranh cử cần có một thông điệp hiệu quả và được nhắc đi nhắc lại để tác động tới hàng chục triệu người dân sẽ đi bỏ phiếu. Bình thường các chiến dịch tranh cử dành một số tiền lớn cho công tác khảo sát, dữ liệu và các nhóm chủ chốt nhằm tìm hiểu điều gì sẽ thuyết phục và động viên họ bỏ phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, ông Trump dựa nhiều vào bản năng và vẫn chưa tìm được kết quả mà ông từng có 4 năm trước đây”.
Mùa hè vừa qua, chiến dịch vận động của ông Trump đã phát sóng nhiều quảng cáo trên truyền hình với không dưới 10 thông điệp khác nhau chỉ trích ông Biden trong nhiều vấn đề như quá nồng ấm với Trung Quốc, mong muốn tăng thuế, quá thiên theo chủ nghĩa tự do, không đủ minh mẫn để làm tổng thống, quá nhẹ nhàng hoặc quá cứng rắn trong đối phó với tội phạm.
Chiến dịch của ông Trump đã chi 20 triệu USD cho các chương trình quảng cáo trên truyền hình trước khi ông Biden được đảng Dân chủ đề cử. Thời gian đó, nội dung các chương trình quảng cáo tập trung vào việc Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát luận tội ông Trump và các cáo buộc rằng ông Biden đã can dự vào các cuộc điều tra của Ukraina. Mặc dù chiến dịch của ông Trump đã hầu như bỏ qua các chủ đề này nhưng ông Trump vẫn tìm cách sới lại chủ đề Ukraina trong cuộc tranh luận.
Ken Goldstein, một giáo sư thuộc đại học San Francisco, người từng nghiên cứu các quảng cáo chính trị trong gần 3 thập kỷ cho rằng chiến lược phát sóng nhiều thông điệp khác nhau của ông Trump vừa là “một sai lầm và đang thất bại, ném mọi thứ vào tường hoặc nếu nhìn nhận một cách khác thì đây là những thử nghiệm trên truyền hình thực tế để xem ở góc độ nào phất huy hiệu quả.”
Trong khi đó, các chương trình quảng cáo của chiến dịch của ông Biden tập trung vào vấn đề xử lý dịch bệnh Covid-19 của chính quyền ông Trump và tiểu sử của cá nhân ông Biden.
Việc không đưa ra được một thông điệp rõ ràng và xuyên suốt một phần là do chia rẽ nội bộ trong các thành viên chiến dịch của ông Trump. Hồi đầu năm, quản lý chiến dịch lúc đó là Brad Parscale đã thúc đẩy việc chi hàng triệu đô la cho các quảng cáo công kích hồ sơ của ông Biden với Trung Quốc. Tuy nhiên, Kellyanne Conway, cố vấn của Tổng thống ở Nhà Trắng lúc đó, đã kêu gọi ông Trump tập trung về việc ứng phó với Covid-19 đồng thời cảnh báo rằng mọi thông điệp khác sẽ thất bại. Ông Trump đã đồng ý với cả hai ý tưởng này và kết quả là cả hai thông điệp được tuyên truyền cùng lúc trên truyền hình.
Bà Conway sau đó đã nghỉ việc tại Nhà Trắng trong khi ông Parscale bị hạ chức. Quản lý chiến dịch tranh cử mới của ông Trump là Bill Stepien đã nối lại các quảng cáo trên truyền hình hồi tháng 7 nhằm tinh lọc chiến lược đưa ra thông điệp, tuy nhiên, điều này đã dẫn tới tình trạng bối rối về vai trò của các thành viên truyền thông của chiến dịch tranh cử.
Việc đặt tên gọi mang tính chế nhạo đối thủ đã là thói quen của ông Trump. Đối với đối thủ của mình, ông Trump đã ít nhất 10 lần thay đổi biệt hiệu cho ông Biden bao gồm “Sleepy Joe”, “1% Joe” hay mới đây nhất là “O’Biden” nhằm gắn ông Biden với ông Obama, người vẫn khá nổi tiếng ở Mỹ hiện nay.
Tuy nhiên, tới nay, các nhà quan sát cho rằng ông Trump vẫn chưa tìm được một thông điệp rõ ràng và hiệu quả, điều có thể giúp ông ít nhất là đảo ngược kết quả các cuộc khảo sát trước cuộc bầu cử ngày 03/11 tới./.
Từ khóa:
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN