Trăn trở tạo việc làm cho đồng bào dân tộc nghèo ở Quảng Nam

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN -Làm thế nào để những vật dụng của đồng bào Cơ Tu (Quảng Nam) vươn ra thị trường, trở thành sản phẩm hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam còn lưu truyền nhiều nghề truyền thống như: đan lát, dệt chiếu, dệt vải thổ cẩm… Với đôi bàn tay khéo léo, người Cơ Tu đã biến nguyên liệu của núi rừng thành những sản phẩm tinh xảo, đẹp mắt. Thế nhưng, làm thế nào để những vật dụng của đồng bào vươn ra thị trường, trở thành sản phẩm hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân là điều mà các cấp chính quyền, ngành chức năng địa phương đang hướng đến.

tran tro tao viec lam cho dong bao dan toc ngheo o quang nam hinh 1
Nguyên liệu tạo nên những mặt hàng thủ công mỹ nghệ của người Cơ Tu.

Xã A Xan, huyện miền núi cao biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam nằm cách trung tâm huyện hơn 30km. Nơi đây, bên cạnh nghề làm gốm đất nung lâu đời ở làng Ka Noonh còn có nghề đan lát và nghề dệt thổ cẩm. Tùy thuộc vào từng sản phẩm mà người Cơ Tu áp dụng những kỹ thuật đan khác nhau.

Chị A Lăng Thị Chích, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã A Xan cho biết, để hoàn thành gùi vận chuyển lúa hay gùi trẻ em đôi khi mất cả tháng trời. Nguyên liệu sau khi khai thác về, bà con đem ngâm ở khe suối, sau đó chẻ nhỏ, vót thành nan đem đặt trên dàn bếp để tránh mọt và tạo cho sản phẩm có độ bền. Nghề đan lát đòi hỏi kỹ thuật phức tạp nhưng với đôi bàn tay khéo léo, đàn ông Cơ Tu đã mày mò đan lát, làm ra những sản phẩm hết sức đẹp mắt. Các vật dụng này chủ yếu để dùng trong gia đình hoặc làm quà biếu cho khách, tặng sui gia. Chị A Lăng Thị Chích đặt câu hỏi, tại sao không biến những sản phẩm ấy thành hàng hóa bán ra thị trường, tạo nguồn thu nhập cho người dân?

“Hiện nay, khó khăn của đồng bào là làm ra các loại sản phẩm hầu như không có người để trao đổi, mua bán do đường sá xa xôi. Em nghĩ cần thành lập nhóm, đầu tư và đào tạo cho bà con. Người lớn có tay nghề nhưng ngày càng mai một đi không truyền lại được cho thế hệ sau. Vì họ thấy không cần thiết, bây giờ cái gì cũng dùng đồ nhựa và sản phẩm từ đồng bằng lên họ thấy tiện, không ai cần những hàng như vậy nữa cho nên bà con họ cũng ít làm”- chị A Lăng Thị Chích nói.

tran tro tao viec lam cho dong bao dan toc ngheo o quang nam hinh 2
Sản phẩm đan lát của người Cơ Tu.

Từ vùng cao biên giới Tây Giang xuôi về huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, nhiều ngôi làng truyền thống của đồng bào Cơ Tu còn giữ được những nét văn hóa lâu đời. Làng Bhơhôồng ở xã Sông Kôn, huyện Đông Giang lâu nay được du khách biết đến với lễ hội đâm trâu, điệu múa tâng tung, da dá, nghề dệt thổ cẩm, đan gùi truyền thống cũng như chương trình ẩm thực với các món ăn đặc trưng được tái hiện đầy đủ, sinh động.

Tại đây, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) triển khai Dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền ở tỉnh Quảng Nam”. Qua nhiều năm triển khai, từ chỗ sản xuất riêng lẻ, người dân bắt đầu tham gia sản xuất tập thể, với tay nghề được qua đào tạo đã tạo ra các sản phẩm thủ công với nhiều mẫu mã bắt mắt, chất lượng cao. Ông B’ Rúi Thiện, người dân trong làng cho biết, đặc thù ở vùng núi có rất nhiều mây, tre, nứa, lồ ô và các loại dây leo khác. Ðây là nguồn nguyên liệu dồi dào để đồng bào phát triển các nghề truyền thống phục vụ nhu cầu sinh hoạt cũng như vận chuyển và săn bắn. Ông Thiện lo lắng đến một lúc nào đó, nguồn nguyên liệu dần cạn kiệt sẽ rất khó để duy trì nghề truyền thống cha ông để lại.

“Mây trên rừng tất nhiên là có nhưng bà con hằng ngày lên rừng chặt mây. Nếu chúng ta không đầu tư trồng mây thì dần dần nó mất đi thì không thể duy trì nghề được. Vì các sản phẩm đan lát mà không có mây thì không thể làm được”- ông Thiện cho biết.

tran tro tao viec lam cho dong bao dan toc ngheo o quang nam hinh 3
Trẻ em Cơ Tu khoe sản phẩm của đồng bào.

Cùng với việc quy hoạch, sắp xếp, xây dựng khu dân cư gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho đồng bào ở các huyện miền núi, tỉnh Quảng Nam tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, mở rộng đối tượng được sử dụng vốn vay ưu đãi, hỗ trợ sinh kế gắn với vận động đồng bào vươn lên thoát nghèo....

Mới đây, Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam và Dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức khởi động tiểu dự án “Cải thiện sinh kế bền vững cho các cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua phát triển chuỗi giá trị mây tre đan và cây dược liệu nhằm tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở tỉnh Quảng Nam". Dự án sẽ tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập ít nhất 20% cho trên 2.500 người ở các huyện ưu tiên. Trong đó chủ yếu là phụ nữ và các hộ nghèo đồng bào Cơ Tu.

Trước mắt, Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam tổ chức tập huấn kỹ thuật, xây dựng đội ngũ giảng viên nòng cốt ngay tại địa phương để hỗ trợ trồng mới 100 ha mây, bảo vệ khai thác bền vững 50ha mây dưới tán rừng tự nhiên theo qui trình bền vững, có thể truy xuất nguồn gốc.

“Chúng tôi phát triển hàng loạt sản phẩm phục vụ cho thị trường du lịch và sản phẩm mà có thể liên kết được với doanh nghiệp để xuất khẩu. Chính vì liên kết xuất khẩu nên tạo quy mô sản xuất lớn. Có những doanh nghiệp hiện nay đã đặt vấn đề đầu tư xưởng sản xuất cùng bà con, tạo cho họ yên tâm sản xuất thì ngành nghề sẽ khôi phục lại thôi”- ông Lê Bá Ngọc, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho biết./.


Từ khóa: đồng bào Cơ Tu, việc làm cho đồng bào dân tộc, Quảng Nam

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập