Trăn trở của người làm du lịch nhìn từ thị trường Tết Nguyên đán

Cập nhật: 14/02/2022

VOV.VN - Nhiều người làm du lịch cho rằng còn quá sớm để nói ngành kinh tế này đang phục hồi, đồng thời đề nghị cần khắc phục những bất cập để giúp du lịch phát triển sau dịch Covid-19 mà không bị rơi vào thế bị động.

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua được các địa phương xem là dấu mốc phục hồi của ngành du lịch sau hai năm gián đoạn vì dịch bệnh. Nhiều nơi như Phú Quốc, Đà Lạt, Vũng Tàu, Sa Pa,... lượng khách đến nghỉ dưỡng rất đông, nhiều nơi thậm chí ở tình trạng quá tải. Tuy nhiên những người làm du lịch cho rằng, còn quá sớm để nói ngành kinh tế này đang phục hồi, đồng thời đề nghị cần khắc phục những bất cập để giúp du lịch phát triển sau dịch mà không bị rơi vào thế bị động.

Du lịch đang ở tình trạng “ném đá, dò đường”

Mặc dù hệ thống xe buýt hai tầng phục vụ du lịch ở TP.HCM những ngày nghỉ Tết vừa qua luôn trong tình trạng "cháy vé", nhưng ông Nguyễn Khoa Luân - Giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on Hop Off Việt Nam, chủ đầu tư tuyến xe du lịch này vẫn ngần ngại khi đưa ra dự báo về sự phục hồi của thị trường du lịch thành phố trong năm mới: “Chúng tôi vẫn đang theo dõi diễn biến của việc này, xem liệu tăng là do trong mấy ngày Tết, người dân được phép trở lại hay tăng do nhu cầu thực của du khách. Sau mấy ngày Tết, trở lại mấy ngày thường thì liệu khách có tăng hay sẽ giảm nữa”.

Không chỉ ông Nguyễn Khoa Luân mà nhiều người làm du lịch cũng cho rằng, sự gia tăng du lịch dịp Tết Nguyên đán vừa qua là do người dân muốn giải toả bớt cảm giác tù túng sau thời gian dài ở nhà vì dịch bệnh, chứ chưa phải là du lịch theo hành vi và thói quen.

Theo ông Nguyễn Trần Hoàng Phương - Giám đốc Công ty Du lịch Golden Smile Travel nhiều địa phương, doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà mở cửa du lịch trở lại, nhất là các điểm lưu trú, resort cao cấp. Một số khu tham quan, vui chơi giải trí lớn hoạt động không hết công suất. Bên cạnh sự nhộn nhịp của một số địa phương thì nhiều trung tâm du lịch lớn như: Nha Trang (Khánh Hoà), Đà Nẵng,... lại khá yên ắng trong dịp Tết. Vì thế, ông Phương đánh giá tình trạng quá tải ở một số nơi vừa qua chỉ là “quá tải ảo”, do số lượng đơn vị lưu trú và điểm đến mở lại còn ít, nhất là khách giờ đây chọn đi theo nhóm nhỏ, riêng lẻ nên lượng phương tiện lưu thông tăng cao mà thôi.

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương phân tích: "Các cơ sở dịch vụ thực chất vẫn đang mở cầm chừng thôi. Có doanh nghiệp bán một combo trọn gói nhưng họ chỉ mở khu hồ bơi thôi, còn các khu khác chưa mở do chưa đủ khách. Đó là mặt trái rất ít người biết. Các con số được thống kê trong dịp Tết theo mình vẫn chỉ là 50/50, và mình không hoàn toàn tin vào những con số đấy. Tình hình du lịch thị tường Tết năm nay có sự bứt phá nhưng vẫn đang là 'ném đá dò đường'".

Nhiều bất cập cần khắc phục

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ngành du lịch nổi lên một số câu chuyện như tình trạng khách quá đông ở dồn về địa phương gây ùn tắc giao thông, khách cắm trại, ngủ lều vì khách sạn, nhà nghỉ giá quá cao, cơ sở vật chất xuống cấp, phục vụ chưa tốt… Nguyên nhân của tình trạng trên được lý giải là do nhiều cơ sở lưu trú và các điểm du lịch đóng cửa lâu, xuống cấp nhưng chưa có kinh phí hoặc chưa kịp cải tạo, nâng cấp. Một lượng lớn nhân sự ngành du lịch từ hướng dẫn viên, tới lễ tân, phục vụ, buồng phòng đã thay đổi ngành nghề dẫn đến tình trạng thiếu nhân sự để phục vụ khách. Và nhất là những quy định về việc đi lại, cách ly trong ngày Tết đưa ra muộn khiến doanh nghiệp và du khách bị động.

Bà Hoàng Thùy Linh - Phó Giám đốc Tiếp thị Truyền thông của Công ty Lữ hành Saigontourist nói: “Khoảng 2 tuần trước Tết thì nhu cầu khách mua tour tăng đột biến, dẫn đến tình trạng quá tải dịch vụ ở sân bay và hàng loạt các điểm đến. Khách đi tour đông, nhộn nhịp thì các doanh nghiệp lữ hành rất vui mừng, nhưng nếu như các chính sách mở cửa của Nhà nước, các thông tin được đưa ra sớm hơn thì cả doanh nghiệp cũng như du khách sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn cho chuyến đi, đặc biệt trong mùa cao điểm Tết”.

Nếu trước khi có đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp luôn có dự báo về thị trường để vạch ra kế hoạch kinh doanh trong năm mới, thì giờ đây dường như mọi thứ vẫn đang rất rụt rè, vì phải “vừa đi vừa dò đường”. Đây là điều rất khó cho doanh nghiệp, cần được dẫn dắt bằng những chiến lược tổng thể sớm và cụ thể của ngành./.

Từ khóa: Trăn trở, người làm du lịch, Tết Nguyên đán, du lịch phát triển, dịch Covid-19

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập