Trận quyết đấu cuối cùng tại Idlib: Thổ Nhĩ Kỳ ra uy để “giữ thể diện”?
Cập nhật: 28/02/2020
VOV.VN - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang nỗ lực đấu tranh để không trở thành người thua cuộc lớn nhất trong cuộc chiến tại Idlib.
Trong bối cảnh các lực lượng của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang tiến lên phía trước với một chiến dịch quân sự quy mô lớn thì người đồng cấp của ông ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan đang chiến đấu để tránh trở thành người thua cuộc trong trận chiến cuối cùng tại Idlib.
Một góc đổ nát tại Idlib, Syria. Ảnh: Reuters. |
Sau 9 năm nội chiến, xung đột tại Syria hiện giờ co cụm tại điểm nóng duy nhất là Idlib do phe đối lập chiếm giữ tại tây bắc nước này. Được sự yểm trợ trên không của Nga, các lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad đang tiến sâu vào khu vực trung tâm, sau khi chiếm được thị trấn Hawrat và các cứ điểm xung quanh khi đẩy lùi cuộc tấn công của phiến quân thánh chiến Hay'at Tahrir Al-Sham (HTS).
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành không kích đáp trả vào vị trí củaquân đội chính phủ Syria trong khu vực. Ankara nói rằng,cuộc tấn công của họ đã làm vô hiệu hóa 114 binh sĩ quân đội Syria, phá hủy nhiều khí tài quân sự của đối phương.
Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố thời gian mà Ankara cho Damascus để rút quân ra xa các đồn quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ đặt tạiIdlib đã hết, đồng thời khẳng định quân đội nước này sẽ "không lùi một bước dù là nhỏ nhất"tại chiến trường Idlib.
Những diễn biến mới này làm dấy lên nỗi lo sợ về một cuộc chiến đẫm máu sẽ xảy ra tại Idlib, đi cùng với đó là thảm họa nhân đạo và một cuộc di cư khổng lồ của những người tị nạn về phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Idlib – “tử huyệt” cuối cùng tại Syria
Idlib là thành trì cuối cùng mà chính phủ Syria muốn giải phóng. Nơi đây có trữ lượng lớn dầu mỏ và là địa bàn chiến lược về an ninh tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, nếu giải phóng hoặc kiểm soát hoàn toàn Idlib, đồng nghĩa với việc chính quyền Syria với sự hậu thuẫn của Nga và Iran đã chiến thắng cả trên thực địa lẫn trên bàn cờ khu vực, quốc tế.
Tuy nhiên, tình hình tại khu vực này rất phức tạp khi mà vẫn còn nhiều tổ chức khủng bố, cực đoan hoạt động. Nhóm phiến quân Hayat Tahrir al-Sham, một nhánh ly khai của Al-Qaeda đã nổi lên như lực lượng thống trị tại Ildib sau khi các nhóm phiến quân khác bị Nga và các lực lượng của chính phủ Syria đánh bại. Ước tính nhóm phiến quân này có tới 20.000 tay súng được huấn luyện tốt và dày dặn kinh nghiệm chiến đấu. Hayat Tahrir al-Sham hiện kiểm soát 90% Idlib. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của các lực lượng khác như Mặt trận Giải phóng Quốc gia (Jabhatal-Wataniya Lil-Tahrir) và “Quân đội Quốc gia Syria” (SNA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Những nhóm phiến quân này đang tranh đấu để giành chỗ đứng tại Idlib với hy vọng đảm bảo được vai trò của họ trong các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai.
Theo thỏa thuận giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran năm 2017, một khu vực giảm căng thẳng tại Idlib đã được thành lập. Các trạm quan sát cũng được dựng nên để theo dõi những vụ bạo lực. Thổ Nhĩ Kỳ có nhiệm vụ giải giáp và loại bỏ nhóm phiến quân Hay'at Tahrir al-Sham (HTS) khỏi khu vực phi quân sự ở Idlib. Hai bên cũng nhất trí mở lại các đường cao tốc chiến lược M4 và M5, kết nối thủ đô Damascus với các thành phố lớn Latakia và Aleppo, tạo điều kiện cho giao thương và di chuyển.
Thất vọng vì sự thiếu tiến bộ trong việc loại bỏ mối đe dọa của các nhóm phiến quân, Nga cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ không tuân thủ cam kết của nước này. Moscow cũngcho rằng, sự hiện diện của quân đội và thiết giáp Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Idlib, đang khiến cho tình hình ở đây tồi tệ hơn nhiều, đồng thời khẳng định chiến dịch quân sự của Syria là hoạt động chống khủng bố.
“Nếu các lực lượng của chính phủ Syria không rút lui khỏi các trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ trước cuối tháng 2 và nếu Nga với Thổ Nhĩ Kỳ không đạt thỏa thuận, rất có thể chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc đối đầu trực diện giữa Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội Syria”, AFP dẫn lời nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ Ali Bakeer cho biết. “Vấn đề với Thổ Nhĩ Kỳ không phải là chính phủ Syria mà là người Nga”, ông nói thêm.
Ra uy để “giữ thể diện”
Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp quản 3,6 triệu người tị nạn Syria. Thời gian gần đây, Ankara tuyên bố không sẵn lòng mở cửa biên giới để đón làn sóng tị nạn mới tràn vào từ Idlib. Trước sự giận dữ ngày càng gia tăng trong nước liên quan đến người tị nạn Syria, các quan chức nước của Ankara đang lên kế hoạch giảm bớt gánh nặng người tị nạn bằng cách đưa họ định cư tại một số khu vực ở Syria hiện giờ do quân đội Thổ Nĩ Kỳ kiểm soát sau 3 chiến dịch quân sự kể từ năm 2016.
“Làn sóng người tị nạn mới sẽ là tình huống xấu nhất với Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải là chính quyền Tổng thống Assad”, ông Bakeer nhận định. Nếu Nga và Thổ thất bại trong việc hồi sinh thỏa thuận Sochi, các lựa chọn của Tổng thống Erdogan sẽ rất hạn chế. Theo chuyên gia này, một kịch bản có thể xảy ra đối với Thổ Nhĩ Kỳ là thiết lập vùng an toàn tại khu vực bị bỏ trống ở Idlib và vùng đệm này sẽ không bị ràng buộc với bất cứ thỏa thuận nào với Nga hoặc chính quyền ông Assad. Khu vực như vậy sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ định cư những người tị nạn bên trong Syria.
“Tổng thống Erdogan nhận thức được sự phản đối mạnh mẽ ở Thổ Nhĩ Kỳ đối với người tị nạn Syria. Đó là lý do tại sao ông đóng khung các hoạt động quân sự của mình ở Idlib như một cách thức nhằm ngăn chặn những người tị nạn vượt qua biên giới”, Haid Haid – nhà nghiên cứu tại Chatham House nói với AFP. Tuy nhiên, ông Haid cũng cho rằng: “Cái giá phải trả về mặt chính trị sẽ rất cao đối với Tổng thống Erdogan nếu ông mất nhiều binh sỹ tại Syria trong khi không ngăn được người tị nạn tràn qua biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng ông cũng có thể gặt hái nhiều lợi ích từ cuộc khủng hoảng này nếu sự can thiệp về quân sự mang lại kết quả tích cực”.
Ông Haid cũng tin rằng, vẫn có khả năng Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc tấn công toàn diện nhằm vào Syria nếu các cuộc đàm phán giữa Ankara và Moscow không đạt kết quả. “Nếu các lực lượng của chính phủ Syria giải phóng hoàn toàn Idlib thì điều này không chỉ làm tổn hại danh tiếng của ông Erdogan ở trong nước mà còn làm tổn hại uy tín của Thổ Nhĩ Kỳ và khả năng thể hiện sức mạnh của quốc gia này”.
Nhà phân tích Haid cũng nhận định, một cuộc đối đầu giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể không dẫn tới sự chấm dứt liên minh Nga-Thổ do mối quan hệ ngày càng phát triển giữa hai nước đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng.
“Liên minh hiện tại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có lợi ích vượt xa Syria. Đó là lý do tại sao cả hai bên đều không mong muốn phá hủy nó, ít nhất là thời điểm hiện nay. Idlib rất quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng khu vực này không nên được coi nguyên nhân phá vỡ mối quan hệ”. Hiện giờ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang đấu tranh để không trở thành người thua cuộc lớn nhất trong cuộc chiến tại Idlib./.
Trực thăng của quân đội Syria bị bắn hạ, toàn bộ phi công thiệt mạng
3 lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ thất bại nếu gây chiến với Syria tại Idlib
Nhân tố làm đảo chiều những toan tính chiến lược ở Idlib (Syria)
Từ khóa: xung đột Idlib, chiến sự Idlib, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN