Trạm y tế "giữ chân" người dân nhờ tích hợp nguyên lý y học gia đình
Cập nhật: 25/09/2019
Trung tướng Khuất Duy Tiến từ trần
Thời tiết ngày 24/11: Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa to đến rất to
VOV.VN - Nhiều trạm y tế ở TPHCM chuyển đổi và tích hợp mô hình hoạt động đã thu hút người dân đến khám chữa bệnh thay vì vượt tuyến.
Bỏ qua tuyến y tế cơ sở, đổ dồn lên các bệnh viện tuyến trên để khám và điều trị khi có bệnh là tâm lý chung của người dân lâu nay. Chính vì vậy, tại TPHCM, mặc dù xây thêm bệnh viện nhưng tình trạng quá tải ở nhiều bệnh viện công vẫn triền miên.
Ảnh minh họa |
Bà Hồ Thị Ngọc Anh, ngụ Phường 27, quận Bình Thạnh bị giãn tĩnh mạch sâu, nên bà đến phòng khám y học cổ truyền tại Trạm y tế phường 27 để chiếu laser ở chân đã 1 tháng nay. Không giống đa số người dân bấy lâu nay vẫn cho rằng trạm y tế thiếu thốn cơ sở vật chất, không đủ trình độ khám chữa bệnh, bà Ngọc Anh lại tin tưởng và muốn giới thiệu nhiều người đến điều trị tại đây.
"Tôi tưởng ở đây giống như bệnh viện quận Bình Thạnh, đông mà xếp hàng chờ lâu nên ngại lắm. Nhưng cô bạn tôi nói chị cứ vào thử đi, và khi vào đây thì tôi thích quá, mát mẻ, sáng sủa, nhân viên thật dễ thương", bà Anh nói.
Phòng y học cổ truyền là một chuyên khoa trong Trạm y tế Phường 27. Trạm này hoạt động như một phòng khám đa khoa vệ tinh đầy đủ các chuyên khoa, với 12 nhân viên y tế, trong đó có 2 bác sĩ.
Tại đây được trang bị nhiều thiết bị y tế hiện đại, đầy đủ, giường bệnh khang trang, đặc biệt là thái độ phục vụ chu đáo với người dân đã thu hút nhiều bệnh nhân. Chỉ riêng phòng y học cổ truyền mặc dù mới chỉnh trang đầu tư hơn 8 tháng nay, nhưng mỗi ngày đã có tới 40 bệnh nhân đến khám và điều trị.
Theo Bác sĩ Đặng Phi Bằng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, tại quận đã có 2 trạm y tế được chuyển đổi mô hình, bao gồm trạm y tế Phường 13 – là mô hình thí điểm trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình của thành phố và Phường 27 là phòng khám đa khoa vệ tinh theo định hướng y học gia đình.
Cũng theo bác sĩ Bằng, từ khi “thay áo” cho các trạm y tế này, bệnh nhân đến khám rất đông. Các bác sĩ tại đây phải làm hết công suất, vừa khám chữa bệnh vừa làm chức năng y tế dự phòng và phòng chống dịch bệnh.
Bác sĩ Đặng Phi Bằng cho biết vài tháng tới sẽ có thêm trạm y tế tích hợp để phục vụ người dân: "Định hướng y tế sau này là phải tiếp cận và gần gũi với người dân. Bên cạnh việc thực hiện trạm y tế một điểm dừng để cho người dân được an tâm, hạn chế chuyển tuyến. Khi lượng bệnh nhân đông thì chúng tôi sẽ điều trực tiếp từ những đơn vị khác về phục vụ cho trạm y tế phường 27."
Còn tại Trạm y tế phường Tân Thới Nhất, Quận 12 TPHCM, khi có nhiều bệnh nhân có nhu cầu xét nghiệm thì sẽ có đội ngũ nhân viên y tế từ quận về hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả này sẽ được đưa về tận phường, người dân không cần xếp hàng chờ để đến lượt xét nghiệm và lấy kết quả. Tất cả thông tin của người bệnh đều được lưu trữ trên hệ thống phần mềm giúp các y bác sĩ thuận tiện hơn khi khám chữa bệnh.
Bác sĩ Trương Minh Thống Nhất, Trưởng tạm Y tế phường Tân Thới Nhất cho biết: "Bác sĩ ở đây dựa vào kết quả khám cận lâm sàng hiển thị, rồi xét nghiệm thì có thể chẩn đoán ra bệnh. Các bác sĩ sẽ tích cực hỗ trợ bệnh nhân, để bà con khỏi mất công đi tới đi lui lên tuyến trên."
Theo Sở Y tế TPHCM, thời gian qua, các bệnh viện quận huyện có lượng bệnh nhân đông đã thành lập các phòng khám đa khoa vệ tinh đặt tại trạm y tế. Cùng với đó, thành phố đang tiến tới thực hiện mô hình trạm y tế một điểm dừng. Tại đây, y bác sĩ sẽ thực hiện nhiệm vụ tiếp cận hiện trường, thực hiện cấp cứu, chuyển bệnh sớm cho những trường hợp khẩn cấp; các xét nghiệm chuyên sâu… Khi đó, người dân chỉ cần ở tại trạm y tế nhưng vẫn được chăm sóc, điều trị với chất lượng chuyên môn như tại bệnh viện.
Tuy nhiên, không phải các trạm y tế thực hiện cung ứng dịch vụ truyền thống mà hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Theo đó, các bác sĩ cần phải quan tâm các vấn đề về tâm lý và môi trường xã hội, các yếu tố ảnh hưởng không chỉ cá nhân người bệnh mà cả gia đình người bệnh và cộng đồng xung quanh người bệnh.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, hiện có khoảng hơn 50% các quận huyện được thí điểm trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, hoạt động rất hiệu quả trong việc khám chữa bệnh cho người dân, giảm tải được một lượng lớn bệnh nhân cho các bệnh viện tuyến cuối, đặc biệt quản lý được sức khỏe người dân.
Tuy nhiên, ông Thượng cũng cho hay, hiện còn nhiều trạm y tế chưa được cung ứng thuốc điều trị và vật tư y tế tiêu hao một cách đầy đủ, liên tục. Nguyên nhân là do trung tâm y tế, bệnh viện quận huyện và trạm y tế chưa phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng nhu cầu và tổ chức cung ứng. Bên cạnh đó, các đơn vị chưa ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào quản lý dược tại trạm y tế để nắm bắt tình hình sử dụng và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh. Vì vậy, Sở Y tế TP triển khai giải pháp xây dựng hệ thống cung ứng “thông minh” thuốc và vật tư y tế tiêu hao cho trạm y tế.
Bác sĩ Tăng Chí Thượng nói: "Thuốc ở trạm cũng phải đủ, theo danh mục thiết yếu của Bộ y tế, các xét nghiệm cơ bản sắp tới cũng được đầu tư, và sẽ có sự kết nối giữa các bệnh viện quận huyện với các trạm khi gặp khó khăn trong công tác chăm sóc. Công việc tiếp theo trong thời gian sắp tới sẽ là xây dựng hồ sơ sức khỏe, chuyển thành hồ sơ sức khỏe điện tử, như vậy bác sĩ ở trạm có thể quản lý được tình hình sức khỏe người dân để chủ động hơn."
Thu hút người dân đến khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế và giữ chân được người bệnh là nhiệm vụ được Sở Y tế TPHCM xác định “còn khó hơn cả phát triển kỹ thuật cao”. Với những sự thay đổi về diện mạo, tích hợp các mô hình, các trạm y tế đang dần mang bệnh viện về với người dân. Bởi vì, nếu không tạo được lòng tin cho người dân ngay tại trạm y tế phường xã thì thành phố xây thêm bao nhiêu bệnh viện cũng không đủ đáp ứng./.
66 trạm y tế xã chưa thể bỏ sổ khám bệnh giấy
Từ khóa: Trạm y tế xã phường, y tế cơ sở, khám chữa bệnh tuyến dưới, sở y tế TPHCM
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN