VOV.VN - Từ xa xưa ở Cao Bằng, người Nùng An tại xã Tự Do, huyện Quảng Hòa đã rất giỏi nghề làm ngói âm dương. Những ngôi nhà sàn lợp ngói âm dương cũng trở thành nét riêng nơi đây.
Xã Tự Do nằm ở phía tây của huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng, chỉ cách trung tâm huyện 8km. Tại đây, đồng bào Nùng An xóm Lũng Rì còn giữ nghề làm ngói âm dương truyền thống đã có từ bao đời nay.
Có tên gọi ngói âm dương bởi loại ngói này luôn đi theo một cặp gồm 2 viên, viên ngói máng (âm) để lợp sẽ ngửa lên trên còn ngói bò (dương) để úp xuống.
Ngói âm dương của Lũng Rì (còn có tên là ngói máng) được làm thủ công hoàn toàn: Chọn đất, ủ đất, nhào đất, lọc sạn, tạo hình, phơi, nung... giúp tạo ra sản phẩm đặc trưng, bền chắc theo thời gian.
Nói thêm về sự tỉ mỉ trong công đoạn làm nguyên liệu, chị Lương Thị Liên, một người có kinh nghiệm 15 năm làm ngói bật mí: “Nguyên liệu chính phải từ ba loại đất khác nhau. Sau khi đập mềm, đất được trộn nước rồi làm nhuyễn. Sau đó, phải ủ đất khoảng 5-6 ngày rồi mới có thể lấy lên sàng lọc những tạp chất”.
Lớp đất sau khi sạch tạp chất sẽ được xẻ để mang vào khuôn. Khuôn làm ngói có hình tròn, đường kính khoảng 25cm, trên thân khuôn có 4 điểm gờ chia đều nhau, mỗi khuôn sẽ cho ra 4 viên ngói.
Tiếp đó, các khuôn ngói hình tròn được phơi trên nền đất được phủ lớp trấu giúp ngói chưa khô không bị dính xuống nền. Khi đất khô, chỗ điểm gờ trên khuôn tạo rãnh mỏng có thể bẻ rời thành từng viên ngói.
Công đoạn sau cùng, cũng là công đoạn tốn thời gian nhất là nung. Ngói được cho vào lò lửa đỏ bảy ngày đêm và luôn phải giữ nhiệt độ ở mức ổn định. Mỗi lò nung trung bình có thể nung được 15 nghìn viên ngói mỗi mẻ. Nếu vào mùa hè trời khô ráo cũng phải mất đến 3 tháng để làm được 1 lò ngói, chưa kể những khi thời tiết không thuận.
Đưa thêm xẻng than vào lò, anh Lục Văn Sáng cho biết: “Kinh tế gia đình cũng không thể chỉ trông vào lò ngói, hiện nay khâu nguyên liệu cũng khó khăn, phải đi các vùng xung quanh để tìm đất phù hợp. Rồi củi để đốt lò cũng khan hiếm, mình ở ngay rừng, ngay núi nhưng không phải thích là lên đốn củi về được”.
Đến nay, giá trị kinh kế của ngói âm dương không cao do phải cạnh tranh với các loại ngói được sản xuất công nghiệp trên thị trường. Dù vậy, chẳng muốn mai một nghề truyền thống mà ông cha để lại nên nơi bản làng người Nùng An xóm Lũng Rì, vẫn có thể gặp được hình ảnh những người dân cần cù, chịu thương, chịu khó tạo ra từng viên ngói mang theo niềm tự hào về một nét văn hoá nơi đây.
Từ khóa: ngói âm dương, làng nghề,Cao Bằng,nghề làm ngói