Trải lòng của “Tư lệnh ngành” về vai trò điểm tựa nông nghiệp Việt Nam
Cập nhật: 2 giờ trước
Đồng Nai tăng tốc, quyết tâm hoàn thành các dự án trọng điểm trong năm 2025
Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang thi công cầm chừng vì mặt bằng "xôi đỗ"
VOV.VN - Ngành nông nghiệp đã chứng minh vai trò "điểm tựa" của nền kinh tế quốc gia, nhất là trong bối cảnh biến động thị trường, biến đổi khí hậu và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Đầu xuân mới Ất Tỵ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ những định hướng lớn để toàn ngành nỗ lực vượt qua khó khăn, tận dụng các cơ hội mới.
Ngành nông nghiệp trong năm qua tiếp tục chứng minh vai trò "điểm tựa" của nền kinh tế quốc gia, nhất là trong bối cảnh biến động thị trường, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Đầu xuân mới Ất Tỵ, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, phân tích và nêu rõ những định hướng lớn trong năm 2025 để toàn ngành nỗ lực vượt qua khó khăn, tận dụng các cơ hội mới.
Trong năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là những diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai, đáng chú ý là cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn nỗ lực vượt khó, đạt được những kết quả ấn tượng. Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản và thặng dư thương mại toàn ngành lập kỷ lục mới, lần lượt đạt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% và 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%.
“Đây là con số biết nói, nhất là trong bối cảnh đầy khó khăn của thiên tai, tưởng chừng khó phục hồi nhưng khả năng phục hồi rất nhanh. Nông dân, doanh nghiệp thích ứng tốt với xu thế của thị trường, dù nó rất “huyền ảo”, tức nay đưa ra tiêu chuẩn này, mai có tiêu chuẩn khác. Thành ra sự liền lạc thông tin thị trường do cơ quan quản lý (các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ngoại giao và cơ quan thương vụ ở nước ngoài) chuyển về nhanh chóng được hiệp hội/doanh nghiệp tiếp cận, chia sẻ lại với hợp tác xã/nông dân đã giúp thích ứng nhanh, linh hoạt theo sự co giãn/chuẩn mực của thị trường để làm tốt. Giờ các tiêu chuẩn ngày một khác, thì phải thích ứng. Thành ra độ nhanh nhạy, linh hoạt phải nhanh”, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh đây thật sự là nỗ lực của toàn ngành.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích, dù nông nghiệp phổ biến vẫn là manh mún, nhỏ lẻ và tự phát, nhưng doanh nghiệp dần hình thành được các mối liên kết, tức mỗi doanh nghiệp đều có vùng nguyên liệu, bao gồm liên kết với nông dân/hợp tác xã cũng đã góp phần đạt được cấu trúc của ngành hàng, giúp tăng trưởng xuất khẩu tốt hơn.
Ông Lê Minh Hoan cho biết, ngành nông nghiệp được đúc kết qua mấy chữ, đó là “hợp tác, liên kết, thị trường, chi phí, tăng chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm”. Đây là nội dung nằm trong chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, tức hợp tác những người nông dân nhỏ trở thành quy mô hàng hoá lớn; liên kết nông dân/hợp tác xã với doanh nghiệp và lấy thị trường làm tiêu chuẩn cho sản xuất, chế biến, kinh doanh, giảm chi phí và nâng cao chất lượng nông sản- vốn là tiền đề tạo kỷ lục mới cho xuất khẩu.
“Sản phẩm ngành nông nghiệp dần được đa dạng, tức chế biến sâu dần hình thành. Như Nghị định thư xuất sang Trung Quốc các sản phẩm như yến, dừa chế biến, sầu riêng chế biến…, Bắt đầu có sự tăng tốc, đã dần phá bỏ lời nguyền “bán nông sản thô”, giúp tạo ra giá trị gia tăng cao, giảm rủi ro áp lực mùa vụ. Rõ ràng, như khu vực tỉnh Tiền Giang, nhà máy chế biến, từ thanh long, xoài, sầu riêng, dừa…, để đa dạng hoá sản phẩm được hình thành nhiều hơn. Đây là kết tinh của giá trị; kết quả của chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đã bén rễ. Doanh nghiệp thấy và đã cấu trúc lại, làm chủ vùng nguyên liệu, liên kết với người nông dân xung quanh, đưa tiêu chuẩn thị trường đến nông dân/hợp tác xã là những thành quả, góp phần vào kết quả của năm 2024”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Tư lệnh ngành nông nghiệp phân tích thêm, để đạt được kết quả thuận lợi như vậy, bên cạnh thuận lợi, rõ ràng cũng gặp không ít thách thức. Về mặt thuận lợi, đó là tính chủ động, kịp thời, thậm chí qua các nhóm zalo, mỗi khi có thông tin thay đổi tiêu chuẩn thị trường, lập tức được chuyển đến doanh nghiệp để họ biết. Đây là thuận lợi của các Bộ ngành Trung ương, trong đó, có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, ngược lại đây cũng là thách thức, tức tiêu chuẩn thị trường thay đổi quá nhanh, người dân không theo kịp. Chẳng hạn, vụ tôm hùm ở Phú Yên, thị trường Trung Quốc thường dùng "size" lớn, nhưng đột ngột chuyển sang "size" nhỏ, dẫn đến con lớn bán không được, phải tiếp tục đàm phán với Trung Quốc tháo gỡ. Đây là minh hoạ cho sự biến động đối với ngành nông nghiệp mà bộ trưởng hay nói: nông nghiệp đứng trước ba biến là “biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng”. Chẳng hạn, với biến động thị trường, nhiều khi thị trường mở ra một cánh cửa, nhưng lại đóng một cánh cửa khác bằng hàng rào kỹ thuật, bảo hộ. Thậm chí, là sự cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu trên cùng một loại nông sản.
Riêng đối với mặt hàng sầu riêng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích, sầu riêng Việt Nam xuất sang Trung Quốc, là sự cạnh tranh với Thái Lan hay mới đây có thêm Malaysia, tức cuộc đua này không chỉ hai mà rất nhiều bên. Do đó, vừa phải lắng nghe thị trường nhập khẩu, nhưng vừa phải xem những quốc gia xuất khẩu cùng mặt hàng để có sự tính toán.
“Có nhiều cách xây dựng thương hiệu mà cần đi cùng nhau, thành ra doanh nghiệp mình cần rút kinh nghiệm. Đây là điều đặc biệt, truyền cảm hứng. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải thay đổi, cần đi cùng nhau để đi xa. Vừa rồi, doanh nghiệp được tập hợp, cùng tổ chức phiên chợ ở chợ đầu mối lớn nhất Bắc Kinh, (chứ xưa giờ mình đi cặp mé biên giới, đường mòn lối mở, tiểu ngạch rồi chính ngạch) là để khai thác thị trường cao cấp của Trung Quốc, đánh động thị trường, mời nhà tiêu thụ, chợ đầu mối lớn nhất Trung Quốc để quảng bá nông sản Việt, bắt đầu đưa hàng nông sản chế biến để tạo sự thay đổi. Nhà nước bỏ một phần kinh phí, doanh nghiệp một phần, tạo ra không gian của hàng hóa nông sản Việt "Tứ quý mỹ vị". Đây là sự thay đổi cốt lõi”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Với những thách thức gặp phải, theo Bộ trưởng Bộ NN và PTNT, Bộ đã và đang thực hiện các chiến lược để vượt qua thách thức. Bộ trưởng cho biết bản thân ngành nông nghiệp đã có sự “chông chênh” của nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Việt Nam không phải là quốc gia có lợi thế sản xuất nông nghiệp như chúng ta vẫn thường nghĩ.
Phân tích của người đứng đầu ngành nông nghiệp cho thấy, rõ ràng, nếu xét quy mô, Việt Nam gần như nằm ở nhóm thấp nhất về quy mô đất nông nghiệp/hộ, thậm chí ĐBSCL được nói đến là thuận lợi, thì đô thị hoá, công nghiệp hoá đã “xé” nhỏ hết. Sản xuất nông nghiệp Việt Nam tính bằng công (1 công là 1.000 m2), thậm chí bằng sào (360m2 đối với Bắc bộ và 500m2 đối với Trung bộ), trong khi châu Âu 10-15, thậm chí 20 héc ta/người.
Từ thực trạng này cho thấy, cần phải hợp tác, liên kết nhằm tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn, giúp giảm chi phí. Muốn vậy, phải cấu trúc lại ngành hàng và dựa vào lợi thế so sánh từng địa phương, chứ không phải lúc nào cũng làm… “cánh đồng mẫu lớn”.
Theo Bộ trưởng, như hệ sinh thái ven biển vùng ĐBSCL, không cần "cánh đồng mẫu lớn", nông dân vừa nuôi tôm, nuôi cá, vừa trồng lúa, tức chuyển sang sản xuất quy mô hàng hoá phù hợp vùng sinh thái, trong đó, quyết định là tăng được giá trị trên cùng đơn vị diện tích, chứ không phải sản lượng quy mô lớn quyết định. Điều này có nghĩa, nông nghiệp phải mang tư duy tích hợp đa ngành, chuyển sang tăng trưởng đa ngành, thay vì là đơn ngành như hiện nay.
“Mình phải chuyển từ tư duy sản xuất quy mô hàng hóa lớn sang quy mô sản xuất hàng hóa phù hợp hơn với từng vùng sinh thái với mục tiêu làm sao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích phải cao, đó mới là quyết định. Không phải sản lượng, quy mô là quyết định. Thí dụ như lúa tôm ở Bạc Liêu hay Sóc Trăng. Còn ở miền Bắc thì lúa kết hợp nuôi rươi. Lúa thu hoạch, mang lại 50 triệu, nhưng rươi thì bán 500 triệu đồng/ha. Ta phải tư duy tích hợp. Nông nghiệp mình phải thay đổi, đừng tư duy đơn ngành nữa”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn.
Từ những thuận lợi, khó khăn và cả bối cảnh mới đặt ra, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trước tiên, cần hiểu rõ ngành nông nghiệp đang đối mặt với những thách thức rất lớn, bao gồm: một là, đất đai manh mún, nhỏ lẻ và sẽ còn nhỏ hơn do công nghiệp hoá, xây dựng hạ tầng; hai là, biến động thị trường và ba là, biến chuyển xu thế tiêu dùng, tức phải là tiêu dùng xanh, tiêu dùng trách nhiệm, chứ không phải chỉ... "ăn ngon". Điều quan trọng hơn, là các là các quốc gia bắt đầu có xu thế “tự chủ lương thực”, trong đó, Indonesia đã tuyên bố điều này hay các đoàn nông nghiệp Philippines qua Việt Nam học trồng lúa, tức khi họ tự chủ được bao nhiêu cũng đồng nghĩa thị phần Việt Nam bị thu hẹp bấy nhiêu, chưa kể cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu khác.
“Ngay cả các nước Châu Phi là những nước nhập khẩu của mình thì giờ họ cũng muốn tự chủ lương thực. Tôi thường nói với doanh nghiệp cần chuyển từ “tư duy thương mại sang tư duy đầu tư”, tức doanh nghiệp sẽ qua các nước để đầu tư và thương mại. Chúng tôi đang trình Trung ương cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp mạnh dạn đi đầu tư ra nước ngoài. Không gian vật lý của Việt Nam đã hết, đã quá chen chút. Giờ phải đi đầu tư sang các nước xung quanh như Lào, Campuchia, Miến Điện, xa hơn nữa là Châu Phi. Hay như với ngành khai thác thuỷ sản Biển Đông, đang trình trong Nghị quyết sắp tới, chúng tôi có phương án hình thành các tập đoàn nông nghiệp, tập đoàn khai thác để hợp tác khai thác ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam một cách hợp pháp. Mình hợp tác với các vùng biển khác. Từ đó để muốn nói rằng lúc khó thì phải biết mở rộng không gian. Đây là một quyết sách rất lớn”, Tư lệnh ngành nông nghiệp thông tin.
Kỳ vọng vào năm mới 2025 với những cách làm mới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, với không gian cũ, cần phải tích hợp đa tầng giá trị; Mở ra không gian mới, chủ động chuyển từ “tư duy thương mại sang tư duy hợp tác, đầu tư”. Phải tìm kiếm các quốc gia để hợp tác đầu tư, nếu không đến một lúc nào đó mình mất luôn thị phần. Đây là những bài toán mà nông nghiệp sắp tới phải thay đổi hoàn toàn, có một cuộc cách mạng về tư duy.
Từ khóa: Nông nghiệp, nông nghiệp Việt Nam,biến đổi khí hậu,kim ngạch xuất khẩu,sầu riêng Việt Nam,Trung Quốc,Thái Lan ,thị trường Trung Quốc
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: thanh tùng/vov-đbscl
Nguồn tin: VOVVN