Trách nhiệm xã hội, con đường đến doanh nghiệp bền vững
Cập nhật: 08/10/2024
Phụ nữ khởi nghiệp vì sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững (24/11/2024)
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
VOV.VN - Để góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tôn vinh những mô hình kinh doanh sáng tạo, thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hôm nay (8/10), Báo Thanh Niên phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội thảo “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững”.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường. Theo các chuyên gia, để thực hiện điều này, các doanh nghiệp cần chủ động áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường như giảm lượng khí thải, tiết kiệm năng lượng, xử lý chất thải hiệu quả và ưu tiên sử dụng nguyên liệu tái chế.
Việc đầu tư vào công nghệ xanh và chuyển đổi số không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là một giải pháp tối ưu để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất và xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực. Bên cạnh đó, việc bảo vệ môi trường còn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng và xã hội.
Tiến sĩ Trần Tuấn Anh, đồng sáng lập và CEO của Solano Energy cho rằng, hiện nay chưa có chính sách, chưa có chế tài để yêu cầu doanh nghiệp phải dùng năng lượng xanh, giảm dấu chân các-bon. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ về trách nhiệm của mình và đang tích cực chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, sạch. Để quá trình chuyển đổi diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ về nguồn lực, đặc biệt là các chính sách ưu đãi về tài chính.
“Đối với các doanh nghiệp có mong muốn sử dụng năng lượng xanh thì khá dễ vì công nghệ lắp đặt mất khoảng 1 tuần đối với hệ thống lớn, hoặc 1 ngày với hệ thống nhỏ. Do đó, vấn đề chính vẫn là nguồn vốn để có thể triển khai được dự án. Nếu bài toán tài chính xanh được giải quyết một cách triệt để hơn ở góc độ rộng hơn cho nền kinh tế, tôi hy vọng sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp khác, họ thấy dễ làm", Tiến sĩ Trần Tuấn Anh nói.
Đối với các chủ đầu tư khu công nghiệp, việc xác định chuyển đổi xanh là yếu tố quan trọng để giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững. Từ thực tế này, nhiều chủ đầu tư đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Đơn cử như Becamex IDC, một trong những chủ đầu tư khu công nghiệp lớn tại Bình Dương đã tiên phong trong việc thúc đẩy chuyển đổi xanh. Bên cạnh việc trồng cây xanh để phủ xanh các khoảng trống, doanh nghiệp này còn triển khai nhiều giải pháp khác như xây dựng hệ thống xử lý nước thải hiện đại, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, và tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Nhờ đó, không chỉ chất lượng môi trường sống trong khu công nghiệp được cải thiện đáng kể mà các doanh nghiệp hoạt động tại đây còn giảm thiểu được chi phí sản xuất và nâng cao hình ảnh thương hiệu.
Ông Lý Duy Khiêm, Giám đốc Trung tâm Điều hành thông minh, phụ trách phát triển bền vững của Becamex IDC, chia sẻ: “Hiện nay, các doanh nghiệp rất quan tâm việc sử dụng năng lượng sạch được nhiều nhất. Công ty chúng tôi cũng có các công ty thành viên cung cấp hạ tầng điện trong khu công nghiệp, đặc biệt là những giải pháp như năng lượng mặt trời áp mái và lưu trữ năng lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp. Chúng tôi cũng triển khai chương trình phủ xanh khu công nghiệp, khu đô thị, giảm phát thải carbon. Điều này rất quan trọng đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp, giúp giảm phát thải carbon trong các báo cáo về khí nhà kính”.
Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp chia sẻ những cách làm thể hiện trách nhiệm xã hội song song với việc tạo ra lợi nhuận. Đó là việc tài trợ các sáng kiến vì cộng đồng; trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tham gia các hoạt động thiện nguyện, đặc biệt là phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách trong những lúc khó khăn. Việc doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội cũng đã còn xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực trong lòng người tiêu dùng.
Ông Phạm Thành Nam, thành viên HĐQT Tập đoàn Trường Tươi Bình Phước cho rằng: “Tôi nghĩ rằng khi doanh nghiệp kiếm được tiền thì nguồn tiền đó đến từ xã hội, từ người dân, người lao động, họ mang đến lợi nhuận. Khi đã có lợi nhuận thì cần nghĩ đến công tác an sinh xã hội. Tôi nghĩ đó là việc mà doanh nghiệp nên làm để góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội. Có thể đóng góp của tập đoàn chúng tôi chưa nhiều so với các doanh nghiệp khác, nhưng chúng tôi từng bước làm việc đó mỗi ngày, mỗi năm”.
Từ các chia sẻ của doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, cần có sự chung tay của cả xã hội. Chính phủ cần ban hành các chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp tham gia các hoạt động xã hội, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội hoạt động. Các doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp hướng đến cộng đồng, khuyến khích nhân viên tham gia vào các hoạt động tình nguyện.
Xuyên suốt hội thảo, các chuyên gia cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm và ý tưởng về việc xây dựng một mô hình doanh nghiệp bền vững, kết hợp hài hòa giữa lợi nhuận kinh tế và trách nhiệm xã hội.
Từ năm 2005, Việt Nam đã có giải thưởng “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững”. Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp quan tâm và ý thức được trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một phần không thể thiếu trong mục tiêu phát triển bền vững.
Từ khóa: doanh nghiệp , bình dương,doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội, môi trường
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: thiên lý/vov-p.hcm
Nguồn tin: VOVVN