Trà Vinh chú trọng, tạo điều kiện phát huy giá trị văn hóa truyền thống Khmer

Cập nhật: 23/09/2022

VOV.VN - Không chỉ tập trung xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống trong đồng bào dân tộc, tỉnh Trà Vinh còn đặc biệt quan tâm đến bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Không chỉ tập trung xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống trong đồng bào dân tộc, tỉnh Trà Vinh còn đặc biệt quan tâm đến bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer được giữ gìn và phát huy. Đặc biệt những phong tục truyền thống của đồng bào Khmer như Tết Chôl chnăm thmây, lễ Ok om bok, Sen Đôn ta… cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp luôn tạo điều kiện tốt nhất cho bà con Khmer được tham gia, tổ chức đầy đủ ý nghĩa.

Hiện nay, ngoài hệ thống 8 trường dân tộc nội trú cấp 2 và cấp 3, với hơn 2.700 học sinh theo học mỗi năm, Trà Vinh còn có trường nội trú Trung cấp Pali-Khmer, với chế độ chính sách tương tự các trường dân tộc nội trú hiện hành. Ngôi trường đặc thù này dành cho tăng sinh (chủ yếu theo hệ phái Nam tông Khmer) được đào tạo tổng hợp chương trình giáo dục thường xuyên, tiếng Pali, Ngữ văn Khmer và giáo lý Phật giáo.

Với đặc thù này, hàng năm trường phải đảm bảo điều kiện cho tăng sinh thực hiện nghi lễ nhập hạ 3 tháng (từ ngày 15/6-15/9 âm lịch) và tham gia đầy đủ các nghi thức quan trọng của Phật giáo. Theo đó, trường có bố trí phòng đủ điều kiện để cho tăng sinh thực hiện lễ bái Tam bảo, hành lễ sám hối…và lễ Nhập hạ. Hằng năm nhà trường luôn triển khai nhập học sớm hơn từ 2- 3 tuần, do đó dù các tăng sinh tham gia đầy đủ các nghi lễ trong năm như Chôl chnăm thmây, Sen đôn ta, Ok om bok, nhập hạ, ra hạ… mà vẫn đảm bảo khung chương trình do Sở GD-ĐT ban hành. Ông Lâm So Rone, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Pali-Khmer Trà Vinh cho biết: “Trường trung cấp Pali-Khmer đào tạo song hành chương trình giáo dục thường xuyên và Pali-Khmer. Trường luôn cho tăng sinh nhập học trước và hàng năm vào trung tuần tháng bảy (ÂL) trường tổ chức cho tăng sinh làm lễ Nhập hạ. Nói chung từ cơ sở vật chất đến chương trình học nhà trường đều đáp ứng được mọi sinh hoạt đặc thù của nhà Nam tông Khmer”.

Để đảm bảo các cán bộ, công chức người lao động, học sinh, sinh viên người dân tộc Khmer trên địa bàn được tham gia đón lễ, tết truyền thống dân tộc mình, vào các dịp lễ lớn của bà con dân tộc Khmer, UBND tỉnh Trà Vinh luôn có công văn chỉ đạo về việc tổ chức và nghỉ lễ. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học có kế hoạch sắp xếp để cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ, người lao động, học sinh, sinh viên dân tộc Khmer được nghỉ trong 3 ngày. Ông Thạch Hiền, chuyên viên sưu tầm, bảo tồn cổ vật, văn hóa Khmer, thuộc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết: “Cán bộ, công viên chức dân tộc dịp Sen đôn ta nay đều được nghỉ 3 ngày. Tuy nhiên đối với Bảo tàng cần có người phục vụ khách dịp lễ này nên các thuyết minh viên chỉ được thay phiên nhau nghỉ lễ, sau đó được bố trí nghỉ bù. Các chế hộ chính sách hỗ trợ làm việc trong ngày nghỉ, ngày lễ sẽ được hưởng đầy đủ, cả người Kinh, người Khmer đều như nhau”.

Để đảm bảo mọi hộ dân tộc Khmer có đủ điều kiện để đón lễ Sen Đôn ta – Cúng ông bà đầy đủ ý nghĩa, UBND tỉnh còn chỉ Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành tỉnh có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng, tổ chức thăm hỏi các gia đình chính sách, chùa Phật giáo Nam tông Khmer tiêu biểu trong tỉnh. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức các hoạt động văn hóa, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào, phát huy tinh thần tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách" giúp đỡ gia đình đồng bào Khmer nghèo, neo đơn trên địa bàn. Đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa thiết thực phù hợp với tình hình của tỉnh và giữ gìn an ninh trật tự trong dịp lễ.

Năm nay, đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà hơn 200 gia đình chính sách, cán bộ hưu trí chủ chốt và thăm 26 chùa Phật giáo Nam tông Khmer tiêu biểu trên địa bàn, với số tiền 550 triệu đồng; vận động đồng bào Khmer trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông Thạch Chanh Srây, cán bộ hưu trí, người có uy tín ở xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang là 01 trong 414 người có uy tín là người dân tộc Khmer cho biết: “Phải khẳng định rằng Đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm đối với đồng bào dân tộc, luôn tạo điều kiện để các vị sư sãi, các cán bộ cốt cán, lão thành Khmer có dịp gặp gỡ, thăm hỏi, trao đổi về chính sách, về kinh tế gia đình...Tôi vô cùng phấn khởi”.

Hiện nay, diện mạo phum sóc đồng bào Khmer Trà Vinh ngày càng khang trang, đời sống không ngừng nâng lên, trong khi văn hóa truyền thống dân tộc nói chung và dân tộc Khmer nói riêng luôn được phát huy, bảo tồn. Từ đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng thêm gắn bó, niềm tin vào sự lãnh đạo của Ðảng và sự quản lý điều hành của Nhà nước ngày càng được củng cố, vững bền./.

Từ khóa: văn hóa truyền thống Khmer, người Khmer ở Trà Vinh, đồng bào Khmer

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập