Trả đũa thương mại lẫn nhau, Nhật-Hàn vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Dù cuộc chiến thương mại và ngoại giao không hạ nhiệt, song vì là 2 đối tác quan trọng của nhau, Nhật-Hàn đều không muốn đẩy bất đồng lên cao hơn.
Căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia Đông Bắc Á gia tăng lên một nấc thang mới, khi Hàn Quốc hôm qua (17/9) chính thức loại Nhật Bản ra khỏi danh sách các quốc gia là đối tác thương mại đáng tin cậy. Đây được cho là bước đi trả đũa “tương xứng” của Hàn Quốc nhằm vào quốc gia láng giềng này sau khi Nhật Bản có bước đi tương tự trước đó.
Dù trả đũa thương mại lẫn nhau song Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại. Ảnh: Reuters |
Với quyết định bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay (18/9), Hàn Quốc sẽ phân lại các nhóm đối tác thương mại từ 2 nhóm hiện nay thành 3 nhóm và đưa Nhật Bản vào nhóm mới lập. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng chiến lược của Hàn Quốc sang Nhật Bản sẽ phải đối mặt với tiến trình xét duyệt lâu hơn, với nhiều thủ tục và nghiêm ngặt hơn.
Giám đốc phụ trách chính sách thương mại quốc tếcủa Bộ Thương mại Hàn Quốc Lee Ho Hyeon cho biết:“Mục đích của các quy định thương mại sửa đổi là cải thiện hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Hàn Quốc. Biện pháp này không nhằm tăng cường quy định đối với một mặt hàng nào, hoặc áp đặt lệnh cấm vận đối với một quốc gia nhất định nào”.
Bất chấp giải thích của Hàn Quốc, truyền thông Nhật Bản cho rằng đây là một biện pháp trả đũa nhằm vào Nhật Bản, sau khi Nhật Bản cũng loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách Trắng" các nước được hưởng ưu đãi xuất khẩu. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản loại một quốc gia ra khỏi "Danh sách Trắng”.
Phản ứng trước bước đi mới nhất của Hàn Quốc, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng, đây là một quyết định đáng tiếc và yêu cầu Hàn Quốc đưa ra lời giải thích rõ ràng. Nhật Bản đang phân tích các tác động có thể đối với các công ty của nước này.
Biện pháp trả đũa mới nhất của Hàn Quốc đánh dấu mức thấp nhất trong mối quan hệ thương mại hai nước nhiều thập kỉ qua. Nếu căng thẳng không thể được giải quyết, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu khi thương mại song phương hiện ở mức 124 tỷ USD/năm.
Chưa cảm nhận rõ ở quy mô toàn cầu, nhưng rõ ràng đã có sự tác động rõ rệt trong nước, đặc biệt là tại Hàn Quốc. Bia của Nhật Bản không bán được, với nhập khẩu giảm đến 97% vào tháng trước. Trong khi đó, các cửa hàng cũng tránh nhập khẩu các sản phẩm của Nhật Bản như Uniqlo, vốn rất được ưa chuộng tại Hàn Quốc. Tâm lý tẩy chay hàng hóa Nhật Bản gia tăng, với 91% người dân Hàn Quốc được hỏi ủng hộ biện pháp cứng rắn mới nhất của chính phủ đối với quốc gia láng giềng này.
Cuộc chiến thương mại và ngoại giao không hạ nhiệt, nhưng là hai đối tác kinh tế và an ninh quan trọng của nhau, Nhật Bản và Hàn Quốc đều không muốn đẩy bất đồng lên cao hơn, với việc đều để ngỏ khả năng đối thoại.
Bộ Thương mại Hàn Quốc hôm nay cho biết, nước này luôn sẵn sàng cho các cuộc đối thoại nếu Nhật Bản đề nghị. Ngoại trưởng Nhật BảnToshimitsu Motegi cũng khẳng định sẽ duy trì đối thoại với nước láng giềng Hàn Quốc. Tuy nhiên, hai nước không có kế hoạch cho cuộc gặp thượng đỉnh hay Ngoại trưởng nào hiện nay,bao gồm các cuộc gặp bên lề cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tại Mỹ.
Mặc dù vậy, với cam kết để ngỏ khả năng đối thoại của hai bên khiến dư luận vẫn hi vọng những bất đồng này không tiếp tục tăng nhiệt, tránh gây thêm những tác động tiêu cực đến hai cường quốc kinh tế của châu Á cũng như tăng trưởng của khu vực./.
Căng thẳng Nhật- Hàn đe dọa hợp tác an ninh ba bên với Mỹ
Từ khóa: trả đũa thương mại, quan hệ Nhật Hàn, căng thẳng ngoại giao, để ngỏ đối thoại, đồng minh của Mỹ
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN